13/05/2019 12:23 GMT+7

Vesak 2019 và những thông điệp hòa bình

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc lần thứ 16 năm 2019 (Vesak 2019) đã khai mạc ngày 12-5 tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Vesak 2019 và những thông điệp hòa bình - Ảnh 1.

Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2019 ( 2019) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam - Ảnh: NAM TRẦN

Thông điệp chung lớn nhất mà đại diện Liên Hiệp Quốc, các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo giáo hội các nước... gửi tới đại lễ chính là thông điệp vì thế giới hòa bình.

Nghĩ về hòa bình, trăn trở trước những khổ đau

Phát biểu tại lễ khai mạc Vesak 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn mỗi người chúng ta hãy là sứ giả của Đức Phật, góp phần đẩy lùi xung đột, khổ đau, kiến tạo "cõi niết bàn trong thế giới hiện thực".

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Vesak 2019 chính là dịp tôn vinh Đức Phật và suy ngẫm về chân lý hòa bình, giảm thiểu xung đột, khổ đau của loài người, ngợi ca và thúc đẩy tình hữu nghị hợp tác giữa các quốc gia, mang lại hòa bình an lạc cho toàn nhân loại...

Thủ tướng cũng cho rằng Vesak 2019 chính là dịp để tất cả cùng tĩnh tâm chiêm nghiệm, cùng nhau tạo ra một thế giới ngày càng an lạc, hạnh phúc.

Quan điểm đem những minh triết của nhà Phật để kiến tạo hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chính là thông điệp chung mà các nguyên thủ quốc gia, hoàng gia, các đại sứ gửi tới Vesak 2019.

Trong khi đó, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ hi vọng các cuộc thảo luận trong khuôn khổ đại lễ sẽ thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc, các nền văn hóa và cùng đưa những giá trị tốt đẹp của Đức Phật vào cuộc sống.

Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam - TS Vũ Chiến Thắng - cũng mong muốn "mỗi chúng ta chính là một sứ giả của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển".

Ông Thắng hi vọng thông qua các hoạt động của đại lễ, mỗi đại biểu sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc, trọng tâm là những vấn đề môi trường, hòa bình trên Trái đất, xóa đói giảm nghèo trên toàn thế giới, làm cho những giá trị nhân văn trong giáo lý và đạo đức của Đức Phật mỗi ngày được hiện thực hóa, góp phần mang lại sự bình an, hạnh phúc cho nhân loại.

Vesak 2019 và những thông điệp hòa bình - Ảnh 2.

“Đại lễ Vesak chính là dịp tôn vinh Đức Phật và suy ngẫm về chân lý hòa bình, giảm thiểu xung đột, khổ đau của loài người, ngợi ca và thúc đẩy tình hữu nghị hợp tác giữa các quốc gia, mang lại hòa bình an lạc cho toàn nhân loại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Người nhà Phật hòa giải

Trưởng ban trị sự Hội đồng Phật giáo Buhtan - H. E. Tashi Dorji - cho rằng thế giới ngày nay đang phải đối diện với nhiều vụ bạo loạn, xung đột và bất ổn, nên rất cần tất cả các quốc gia hợp lực cam kết và hành động tập thể dựa trên "tứ thánh đế và bát chánh đạo" của đức bổn sư vì sự bình an của nhân loại và giải thoát tất cả chúng sinh khỏi khổ đau.

Ông tin rằng Vesak 2019 với chủ đề "Cách tiếp cận Phật giáo đối với lãnh đạo toàn cầu và chia sẻ trách nhiệm chung đối với xã hội bền vững" sẽ hướng các nhà lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới thấm nhuần những giá trị của đạo Phật trên con đường phát triển toàn diện và bền vững của mỗi quốc gia.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - chủ tịch hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - cũng bày tỏ nỗi lo lắng khi thế giới đang phải đối mặt với những xung đột, khủng bố, chiến tranh, bất bình đẳng, khủng hoảng môi trường sinh thái và biến đổi khí hậu, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi mọi mặt đời sống và các cấu trúc truyền thống.

Trong bối cảnh đó, hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho rằng: "Hơn lúc nào hết, chúng ta phải cùng nhau phát huy những giá trị cốt lõi của đạo Phật về tinh thần khoan dung, vô ngã, vị tha, hòa hợp và hòa bình thông qua con đường bát chánh đạo nhằm góp phần giải quyết những thách thức vấn nạn toàn cầu".

Hòa thượng cũng cho rằng thời đại toàn cầu cần có sự lãnh đạo toàn cầu. Sự lãnh đạo này phải đảm bảo được sự bình đẳng, dung hòa được lợi ích và hóa giải được xung đột giữa các niềm tin, các nền kinh tế, các nền văn hóa, các tầng lớp xã hội, hay các quốc gia, vùng lãnh thổ, cân bằng được môi trường, hệ sinh thái.

Vesak 2019 tiếp tục diễn ra trong hai ngày 13 và 14-5.

Khi thế giới càng xung đột...

Phát biểu trong ngày khai mạc Vesak 2019, Thủ tướng Nepal - K P Sharma Oli - cho rằng: "Trong bối cảnh có nhiều biến động ngày nay, như xung đột, chạy đua vũ trang, bạo lực, hận thù, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa cuồng tín, những lời dạy của Đức Phật về bất bạo động, lòng từ bi, hòa hợp, chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định càng được đề cao và cung cấp cho chúng ta cái nhìn sâu sắc, hữu ích để giải quyết các vấn đề phức tạp".

Hoàng thái hậu Nepal - Dorji Wangmo - trong thông điệp gửi tới Vesak 2019 bày tỏ nỗi lo lắng khi "thế giới đang trải qua thời kỳ chưa từng có của lòng tham quá mức của con người đối với việc sử dụng vật chất bất kể các thế hệ tương lai".

Theo hoàng thái hậu, trong bối cảnh ấy, chủ đề của Vesak 2019 "Cách tiếp cận Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững" được đặt ra rất kịp thời. Bà hi vọng đại lễ lần này mang đến cơ hội hoàn hảo để phản ánh và nhận ra điều gì là tốt nhất trong tư tưởng Phật giáo và truyền bá nó trên khắp thế giới vì lợi ích của tất cả chúng sinh.

Đại lễ Vesak 2019 tại Việt Nam: Cơ hội để nhìn lại phát triển kinh tế - tinh thần

TTO - Phiên họp buổi chiều trong ngày đầu tiên (12-5) của Đại lễ Vesak 2019 đã đón nhận các thông điệp của lãnh tụ các giáo hội Phật giáo thế giới và một số bài tham luận của các đại biểu Việt Nam và quốc tế.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên