16/05/2016 09:15 GMT+7

Venezuela lún sâu vào khủng hoảng

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Tổng thống Venezuela đã ban bố kéo dài tình trạng khẩn cấp và ra lệnh trưng thu các doanh nghiệp không chịu sản xuất.

Nhà lãnh đạo đối lập Henrique Capriles (trái) dẫn đầu cuộc tuần hành tại thủ đô Caracas ngày 14-5 đòi trưng cầu ý dân việc phế truất Tổng thống Maduro - Ảnh: Reuters
Nhà lãnh đạo đối lập Henrique Capriles (trái) dẫn đầu cuộc tuần hành tại thủ đô Caracas ngày 14-5 đòi trưng cầu ý dân việc phế truất Tổng thống Maduro - Ảnh: Reuters

Hôm 14-5, Tổng thống Nicolas Maduro ban hành một quyết định khá lạ lùng là trưng thu nhà xưởng và bắt giữ chủ các công ty không chịu sản xuất hàng hóa “do thói trưởng giả”. Trước đó một ngày, ông đã tuyên bố mở rộng tình trạng khẩn cấp kinh tế thêm hai tháng sau khi cáo buộc Mỹ âm mưu kích động đảo chính.

Venezuela hiện nay như một quả bom có thể phát nổ bất cứ lúc nào

Ông HENRIQUE CAPRILES (lãnh đạo phe đối lập)

Trưng thu công ty

Để chứng minh cho nhận định của mình về việc có bàn tay can thiệp của Mỹ, tổng thống Venezuela ra lệnh cho quân đội tiến hành tập trận để đối phó với “các mối đe dọa từ nước ngoài”. Tuy nhiên, tình hình càng rõ ràng là Tổng thống Maduro không thể làm được gì nữa ngoài chuyện hô hào và ban bố những chỉ thị mang tính độc tài.

Venezuela là nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới nhưng bắt đầu bị ảnh hưởng nặng nề khi giá dầu tuột dốc. Kinh tế nước này tăng trưởng âm 5,7% trong năm ngoái và tỉ lệ lạm phát lên đến 180%. Sự suy thoái kéo theo thiếu hụt lương thực, thuốc men..., với đỉnh điểm là làn sóng cướp bóc siêu thị tuần trước khiến ít nhất hai người thiệt mạng.

Cuối cùng là cuộc khủng hoảng điện trên toàn quốc góp phần đẩy Caracas lún sâu vào cuộc khủng hoảng không lối thoát. Hồi đầu năm, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo Venezuela sẽ sụp đổ sau 12 đến 18 tháng tới khi lạm phát trong năm nay lên đến 720%!

Ông Maduro luôn đổ lỗi cho Mỹ về cuộc khủng hoảng trong nước và “âm mưu” của Washington là nguyên nhân buộc ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ tháng 1-2016.

Phát biểu trước đám đông ở Caracas ngày 14-5, tổng thống Venezuela cho biết đã triển khai nhiều biện pháp dưới sắc lệnh khẩn cấp để “bảo vệ toàn diện” cho người dân, dù không nói rõ liệu chúng có vượt quá giới hạn của các quyền hiến pháp hay không.

“Chúng ta phải làm mọi cách để khôi phục năng lực sản xuất vốn bị thói trưởng giả làm tê liệt - AFP dẫn lời tuyên bố hùng hồn của ông Maduro - Những kẻ nào muốn ngưng sản xuất để phá hoại đất nước phải bị còng tay và đưa vào tù”.

Tuyên bố của ông đưa ra sau khi công ty thực phẩm và nước giải khát lớn nhất nước là Polar Group ngưng sản xuất bia từ ngày 30-4 với lý do không thể nhập khẩu lúa mạch vì sự quản lý yếu kém của chính phủ. Chủ của công ty, tỉ phú Lorenzo Mendoza, cũng là một nhân vật chống đối ông Maduro.

Tổng thống Maduro chỉ trích những thành phần cánh hữu phát xít trong nước là tay sai cho kế hoạch của Mỹ nhằm phá hoại chính quyền của ông.

Và để chuẩn bị bảo vệ lãnh thổ đất nước, bảo vệ trẻ em và quyền sinh sống hòa bình của người dân, nhà lãnh đạo Venezuela đã yêu cầu quân đội diễn tập vào cuối tuần tới, chuẩn bị cho “bất kỳ tình huống nào” có thể xảy ra.

Quả bom nổ chậm

Chính trị gia Jesus Torrealba - lãnh đạo liên minh Đoàn kết dân chủ - chỉ trích ông Maduro không khác gì một vị tổng thống tuyệt vọng đang đi giữa lằn ranh luật pháp và hiến pháp.

“Nếu tình trạng khẩn cấp này được ban bố mà không có sự tham vấn với quốc hội thì chúng ta đang nói về một cuộc tự đảo chính” - ông Torrealba hô hào trước đám đông hàng ngàn người biểu tình phản đối chính phủ, và cho biết thêm rằng tổng thống đang mất dần sự ủng hộ trong khối cầm quyền của mình.

Trên thực tế, ông Maduro cũng đang mất đi sự ủng hộ của dân chúng khi các thăm dò cho thấy 70% người dân muốn tổng thống từ chức trong năm nay, theo Reuters. Phe đối lập đã thu thập gần 1,8 triệu chữ ký trong kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm ông Maduro nhưng bị ban bầu cử quốc gia phớt lờ.

“Xã hội sẽ bùng nổ nếu ông Maduro ngăn việc trưng cầu ý dân” - Hãng tin Reuters dẫn lời ông Marisol Dos Santos, nhân viên của một siêu thị nơi hàng trăm người xếp hàng đợi mua hàng mỗi ngày. Nhiều người lên tiếng cho rằng chính phủ nên tập trung vào các nhu cầu khẩn cấp của người dân hơn là các chỉ thị hô hào.

Lãnh đạo phe đối lập, ông Henrique Capriles, cảnh báo rằng ông Maduro đang theo đuổi một chính lược nguy hiểm. Ông tuyên bố: “Chúng ta muốn sống trong một đất nước mà người dân có thể mua được thuốc men. Chúng ta muốn thay đổi. Nếu con đường dân chủ bị chặn, chúng ta không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra”.

Theo hiến pháp Venezuela, nếu cuộc trưng cầu ý dân diễn ra trước cuối năm nay có thể dẫn đến bầu cử sớm. Giới quan sát lo ngại tình hình căng thẳng có thể làm bùng nổ các cuộc biểu tình bạo lực như hồi năm 2014 làm hàng chục người thiệt mạng.

Nguy cơ đảo chính

Tuần trước, các quan chức tình báo Mỹ dự đoán sẽ xảy ra một cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền ông Maduro trong năm nay. “Chúng ta có thể nghe tiếng băng vỡ và biết rằng cuộc khủng hoảng đang đến gần” - một quan chức Mỹ giấu tên bình luận.

Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho rằng một kịch bản có thể xảy ra là tổng thống Venezuela có thể bị đảng của mình hoặc phe đối lập hất cẳng, nhưng cũng không loại trừ khả năng xảy ra đảo chính quân sự.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên