13/12/2023 05:30 GMT+7

Vén màn cuộc chiến giá: Khách bức xúc vì mua hớ, doanh nghiệp kêu thấm mệt

Cuộc chiến giá trở thành dao hai lưỡi, vừa khiến doanh nghiệp bị kiệt quệ, vừa ảnh hưởng niềm tin người tiêu dùng khi mua sắm tại các hệ thống cửa hàng, siêu thị điện thoại - điện máy, nhà đầu tư ngoại dè dặt rót vốn.

Nhiều cửa hàng điện máy đóng cửa trong giai đoạn kinh tế khó khăn

Nhiều cửa hàng điện máy đóng cửa trong giai đoạn kinh tế khó khăn

Trong thời gian tìm hiểu cuộc chiến giá sản phẩm điện máy, Tuổi Trẻ tiếp xúc với nhiều nhân viên của các cửa hàng điện máy lớn tại TP.HCM. Trong đó có không ít người tỏ ra mỏi mệt với việc phải thường xuyên "đọ giá" của đối thủ để lôi kéo khách hàng mua hàng nhằm đạt chỉ tiêu bán hàng.

Nhân viên mệt mỏi, người mua bức xúc...

Tại một cửa hàng lớn ở quận Gò Vấp, trong quá trình tư vấn cho khách, một nam nhân viên than thở "quá mệt" do hằng ngày phải cập nhật diễn biến giá bán của đối thủ lên website để so sánh. Theo nhân viên này, có ba mức giá được xây dựng gồm giá đăng trên website, giá bán trực tiếp cửa hàng và giá "linh hoạt" khi khách hỏi.

Trong thực tế, không phải lúc nào mua hàng online đều có giá rẻ, trong khi khách mua tại cửa hàng cũng có thể được áp giá online. Do đó, bên cạnh những người cảm thấy được hưởng lợi nhờ cuộc đua "bao rẻ" của các doanh nghiệp điện máy, nhiều người khác lại tỏ ra bức xúc vì cảm thấy "bị hớ".

Chẳng hạn, anh Nguyễn Dương (Phú Nhuận) cho biết mỗi cửa hàng có chất lượng dịch vụ khác nhau, nhưng kể từ khi các doanh nghiệp đua giá để kéo khách, mọi thứ dường như bị cào bằng. "Việc phải trả, đọ giá khi vào các cửa hàng lớn, khiến khách hàng nghi ngờ, không biết đâu là mức giá cuối, đâu mới rẻ thật sự", anh Dương nói.

Ông Ngô Quốc Bảo, giám đốc cấp cao khách hàng doanh nghiệp và trải nghiệm khách hàng FPT Retail, cũng thừa nhận cuộc chiến giá rẻ về dài hạn sẽ là trò chơi Lose - Lose (cùng thua) của các bên tham gia.

Theo ông Bảo, người dùng luôn muốn mua sản phẩm với mức giá tốt. Tuy nhiên, nhà bán hàng càng giảm giá sâu sẽ càng "ăn" vào lợi nhuận - nguồn kinh phí dành cho các khoản đầu tư, tái đầu tư dịch vụ trước, trong và sau bán hàng.

"Các nhà bán hàng trong thị trường bán lẻ đua nhau phá giá làm thị trường trở nên không ổn định. Yếu tố này sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài dè dặt trong việc rót vốn dù bán lẻ là một trong hai ngành hấp dẫn nhất tại Việt Nam trong mắt họ, bên cạnh lĩnh vực tài chính. Điều đó kéo theo hệ quả lớn là toàn thị trường lẫn cộng đồng đều chịu tổn thương", một chuyên gia ngành bán lẻ khuyến cáo.

Trao đổi với chúng tôi, một số doanh nghiệp thừa nhận đã "thấm mệt". Trong thực tế, doanh thu của một số doanh nghiệp dù có tăng mạnh nhưng lợi nhuận bị teo tóp, thậm chí thua lỗ, phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng... "Chúng tôi cũng như nhiều hệ thống bán lẻ thiết bị công nghệ chính hãng khác đang dần thấm mệt trước nhiều thách thức" - bà Ánh Hồng, đại diện hệ thống 24hStore, bộc bạch.

Sau khi khách hàng mặc cả, so sánh với giá của đối thủ, cửa hàng Điện Máy Xanh (đường Trần Quang Khải, quận 1) cũng hạ giá bán - Ảnh: B.MAI

Sau khi khách hàng mặc cả, so sánh với giá của đối thủ, cửa hàng Điện Máy Xanh (đường Trần Quang Khải, quận 1) cũng hạ giá bán - Ảnh: B.MAI


Tìm hướng đi bền vững

Nhận thấy hậu quả lâu dài của cuộc chiến giá, một số doanh nghiệp đã bắt đầu lựa chọn những bước đảm bảo phát triển bền vững lâu dài, dù trước mắt có thể thiệt hại cạnh tranh ít nhiều.

"Chúng tôi không sa đà vào cuộc chiến giá mà kiên trì theo đuổi chiến lược tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng, đa dạng hàng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ" - ông Nguyễn Việt Anh, phó tổng giám đốc Công ty FPT Retail, nói.

Cụ thể, thay vì đua chiến giá, công ty này lại áp dụng một số chính sách gia tăng quyền lợi người mua như "2 năm bảo hành, không lo mất giá" cho khách hàng chọn sở hữu iPhone 15 series.

Chính sách này cạnh tranh trực tiếp với Apple chính hãng bán tại Việt Nam bởi thay vì phải mua gói AppleCare+ có giá 5,3 triệu đồng/năm, khách hàng chỉ cần bỏ thêm 500.000 đồng là được hưởng thêm 1 năm bảo hành từ FPT Shop với những quyền lợi tương đương.

Trong trường hợp khách hàng muốn bán iPhone 15 series đã qua sử dụng cũng sẽ được giá cao hơn từ 1,5 - 2 triệu đồng vì máy đang có thời gian bảo hành dài hơn so với máy chỉ có 1 năm bảo hành thông thường. Bên cạnh đó, theo ông Việt Anh, doanh nghiệp này cũng đang tập trung vào việc chuẩn bị những điều kiện vận hành tốt nhất.

Đó là hoàn thành việc xây dựng và đưa vào hoạt động 2 kho tổng tại hai miền Nam - Bắc, đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số tại các chuỗi hướng đến mục tiêu mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt.

"Về lâu dài, FPT Retail vẫn ưu tiên về chất lượng và trải nghiệm khách hàng, đây mới chính là điều giữ chân khách hàng", ông Việt Anh chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, cũng cho biết doanh nghiệp này đã ứng dụng công nghệ bán lẻ trong các hoạt động quản trị cũng như tại các cửa hàng giúp hệ thống thích ứng nhanh, giảm thiểu chi phí hoạt động, tăng cường trải nghiệm mua sắm của khách hàng trong khi vẫn cạnh tranh giá gắt gao với các chuỗi lớn hơn.

Hệ thống này còn bổ sung các nhóm ngành hàng mới như điện gia dụng, chăm sóc sức khỏe - sắc đẹp... phù hợp với đối tượng khách hàng trẻ nhằm một mặt góp phần tăng trưởng doanh số, một mặt tăng tần suất mua hàng cũng như trải nghiệm tại cửa hàng.

"Chúng tôi cũng hợp tác chặt chẽ với các chủ mặt bằng, các đối tác, nhãn hàng, các nhà phân phối để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Huy cho biết.

Nguyễn Kim, Điện Máy Chợ Lớn nói gì?

Phản hồi đến Tuổi Trẻ, đại diện siêu thị Nguyễn Kim cho rằng chính sách bán hàng luôn nhất quán. Giá bán sản phẩm được niêm yết cụ thể trên quầy hàng và trên website của Nguyễn Kim. Công ty không có chính sách đàm phán giá, hệ thống luôn có chính sách khuyến mãi cho khách hàng ở mọi thời điểm, nhất là mùa mua sắm cuối năm.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại hệ thống siêu thị này, nhân viên vẫn xin quản lý giảm giá một số sản phẩm thấp hơn một số hệ thống khác để bán được hàng. Trong khi đó, thông tin về "cuộc chiến" giá, nhân viên chủ động giảm giá khi khách hỏi so sánh với đối thủ, đại diện Công ty Điện Máy Chợ Lớn đã tiếp nhận câu hỏi của Tuổi Trẻ và cho biết đang rà soát, sớm phản hồi thông tin.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM):

Đừng đánh mất giá trị cốt lõi

Khi vào hệ thống siêu thị điện máy hoặc chuỗi điện thoại lớn, người tiêu dùng thường sẽ chấp nhận mua sản phẩm theo giá niêm yết. Nếu các cửa hàng có chương trình giảm giá, khuyến mãi, đều được trưng bày rõ ràng, có nhân viên tư vấn thêm.

Thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã phá rào, không tuân thủ luật chơi như trước mà chuyển sang cạnh tranh giá rẻ nhằm đẩy hàng tồn kho, không quan tâm nhiều đến chất lượng dịch vụ, hậu mãi...

Hậu quả trước mắt của việc khách hàng có thể mặc cả để được mua sản phẩm với giá rẻ hơn giá niêm yết là nhiều người tiêu dùng sẽ mất niềm tin đối với những nhà bán hàng, bởi giá niêm yết không trung thực. Thậm chí, những người mua sản phẩm với giá cao hơn sẽ cảm thấy bị thiệt hại, bị phản bội.

Về lâu dài, nếu cuộc chạy đua giảm giá này vẫn tiếp tục, dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận bị bào mòn hoặc thậm chí là bị thua lỗ các doanh nghiệp bán lẻ điện máy chắc chắn sẽ rơi vào cảnh kiệt quệ, không đủ sức tái đầu tư, tiềm ẩn rủi ro phải bán mình cho doanh nghiệp nước ngoài.

Đặc biệt, nếu tập trung chạy đua cạnh tranh về giá thay vì đầu tư chất lượng dịch vụ như trước, người tiêu dùng sẽ dần mất niềm tin vào chất lượng dịch vụ của các nhà bán hàng, miếng bánh thị trường bán lẻ sẽ ngày càng bị thu hẹp lại.

Vấn đề đáng báo động sau cuộc chiến giá là các chuỗi điện máy lớn bị mất niềm tin của khách, như ông bà chúng ta đúc kết là "mua danh ba vạn, bán danh ba đồng". Cuộc chiến giá có thể khiến doanh nghiệp suy giảm chất lượng dịch vụ, mất đi giá trị cốt lõi. Đó là tập trung đầu tư thật tốt cho chất lượng dịch vụ, chứ không phải cạnh tranh bằng giá rẻ.

Bởi một khi niềm tin của người tiêu dùng đã mất, khi kinh tế hồi phục, người dân sẽ rủng rỉnh tiền hơn trong mua sắm, doanh nghiệp sẽ khó đủ sức lấy lại niềm tin nơi người tiêu dùng.

Sau đợt cạnh tranh khốc liệt, sẽ có nhiều doanh nghiệp phải "ra đi" do cạn vốn hoặc phá sản, chỉ những doanh nghiệp trường vốn mới có thể sống sót.

Thế nhưng, với việc đánh mất niềm tin nơi người tiêu dùng nếu chạy theo cuộc đua về giá mà bỏ quên chất lượng dịch vụ, các doanh nghiệp ngành bán lẻ điện máy sẽ khó kéo khách trở lại khi nền kinh tế phục hồi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phải bán mình cho doanh nghiệp nước ngoài khi các doanh nghiệp bán lẻ điện máy trong nước "sức cùng, lực kiệt", làm giảm sự tự chủ của nền kinh tế Việt Nam.

Vén màn Vén màn 'đại chiến' hạ giá: Đến siêu thị điện máy, trả giá như ở chợ

Nhiều người đến các siêu thị điện máy không bao giờ trả giá vì nghĩ giá niêm yết là chuẩn rồi. Nhưng thực tế vì cạnh tranh giá lẫn nhau, người biết so sánh, mặc cả có thể được giảm số tiền lớn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên