Phóng to |
Đầm Cầu Hai nhìn từ núi Thúy Vân - Ảnh: T.Lộc |
Nằm men theo con đường là những làng mạc xanh tươi với những ngôi nhà rường, đình, chùa và nhà thờ cổ. Hơn một giờ với gần 50km đường qua nhanh, chợ Vinh Hiền đã ở trước mặt.
Chốn sơn kỳ...
Sau chuyến khám phá, sáng sớm khách có thể ghé chợ cá Hiền An dưới chân núi Thúy Vân để xem cảnh chợ cá đặc trưng vùng đầm phá, mua những hũ mắm rò, mắm cá cơm và tôm chua đặc sản về làm quà. |
Chuyện xưa kể rằng khi xây dựng chùa, vua Minh Mạng đã cho trồng 108 cây ngụ ý ngọn núi “Lương Sơn Bạc” của 108 vị hảo hán và đặt tên hai tảng đá hai bên là đá chuông, đá mỏ theo hình dạng. Ông cũng phong cái giếng vuông trong vắt dưới chân núi là giếng Cam Lồ. Đến thời mình, vị vua thi sĩ Thiệu Trị sau nhiều lần du ngoạn đã tinh ý khi “xếp hạng” núi Thúy Vân là cảnh sắc thứ chín trong số 20 cảnh đẹp đất kinh kỳ qua bài thơ Vân Sơn thắng tích...
Từ tháp Điều Ngự nằm ngay đỉnh núi với độ cao gần 50m nhìn xuống là “đệ nhất đầm” Cầu Hai được bao bọc bởi dãy núi Ngũ Phong và dải cát xanh rì ngăn cách với biển cả. Hàng nghìn nò sáo, thuyền đò của ngư dân nổi lên trên màu xanh của nước, hòa vào nền xanh núi non và nền trời làm khung cảnh vừa thoáng rộng vừa kỳ vĩ đẹp đến nao lòng.
... Nơi thủy tú
Rời chùa Thánh Duyên, băng qua cầu Tư Hiền bắc ngang đầm Cầu Hai là khu vực cửa biển Tư Dung xưa nối đầm Cầu Hai với biển cả. Có quá khứ cả nghìn năm, lúc bồi lúc mở, có lúc chạy dài suốt 5km mới tới được biển, cửa biển Tư Hiền nay tương đối nhỏ và cạn, chỉ những thuyền nhỏ mới vào ra được. Dấu tích cửa Tư Dung xưa chính là vịnh Hải Bình, một lạch nước tuyệt đẹp chạy dài giữa biển và dãy núi Ngũ Phong, nơi nuôi trai lấy ngọc từ nhiều năm nay.
Vịnh Hải Bình từng lưu dấu nàng Huyền Trân trong cuộc hôn phối lịch sử để đưa phần đất Ô - Lý về cho nước Đại Việt 700 năm trước. Lưu truyền trên đường xuất giá sang Chiêm Thành, công chúa Huyền Trân đã có một đêm “chơi vơi” trên thuyền ở vùng cửa biển, sau đó bái vọng tổ tiên trước lúc lên đường. Cái tên Tư Dung được đặt để tưởng nhớ vị công chúa đã quên mình cho đất nước...
Ngược xe đến bãi Hàm Rồng - bãi biển có hình dạng mỏm đá của núi Linh Thái được bào mòn qua vạn năm sóng nước, chúng tôi vào một quán ăn ven biển. Phát hiện ốc vú nàng bám nhiều ở những kẽ đá ngậm nước, các bạn hào hứng rủ nhau đi mò. Dưới nắng nhẹ giữa thu, bãi biển vắng vẻ và sạch sẽ, độ mát lạnh vừa đủ, mọi người thích thú vùng vẫy trong làn nước xanh trong. Bụng bắt đầu cồn cào, lên bờ cũng vừa lúc chủ quán bày hai đĩa mực ống, hai ký ghẹ và hai tô cháo cá vược nghi ngút khói trên bàn. “Tươi quá! Ngon quá!” - anh bạn vỗ đùi khi nếm thử và ăn như... chưa bao giờ được ăn.
Sau bữa trưa ngon lành, mỗi người lên một cái võng chủ quán treo sẵn dưới rừng phi lao đánh một giấc say trong làn gió nhẹ...
Đêm trên đầm
Sẩm tối, mọi người ra cảng cá Vinh Hiền lên đò ông Nguyễn Thọ, một ngư dân xã Vinh Hiền, để qua đêm trên đầm Cầu Hai. Đò tiến ra giữa đầm, dưới ánh trăng bạc ông Thọ vừa chèo vừa thả lưới và lừ - những ống lưới dài nối tiếp nhau - xuống đáy đầm. “Trăng vừa đủ sáng để gây mơ/Gió nhịp theo đêm không vội vàng/Khí trời quanh tôi làm bằng tơ/Khí trời quanh tôi làm bằng thơ...”, câu thơ trong bài thơ Nhị Hồ của Xuân Diệu cất lên trong không gian chơi vơi làm lòng người bâng khuâng. Chừng hai giờ buông neo, ông Thọ chèo thuyền đi kéo lưới, đủ loại cá vừa gỡ cho ngay vào nồi nấu.
“Bàn tiệc” tức thì hình thành với mấy món đặc sản vùng nước lợ như cá kình, ong, dìa, cá móm... dậy mùi tươi ngon. Bạn tiếp tục cất cao giọng: “Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ/Trầm trầm không gian mới rung thành tơ/Vương vấn heo may hoa yến mong chờ/Ôi tiếng cầm ca thu tới bao giờ”... Trong tiếng sóng vỗ mạn thuyền, chàng Trương Chi như trở về kể chuyện tình xưa trong không gian bàng bạc ánh trăng giữa mênh mông trời nước.
Dần khuya, trăng mờ, cả nhóm ngủ chen dưới mui tròn trong “lời ru” nhịp nhàng của sóng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận