Phóng to |
Chị Phan Thị Mỹ Hạnh: “Tôi mong ước qua bộ sách này các em sẽ biết về Hoàng Sa - Trường Sa tường tận” - Ảnh: Tự Trung |
Và Hoàng Sa với “những chiếc vỏ ốc to và đẹp nhất thế giới, những bãi cát vàng, rạn san hô đủ màu, thảm cá hoa...” đã được vẽ nên với lời giải thích dễ thương của công chúa Phương Thìn và Trạng Tý: “Phải vẽ để mọi người được biết Hoàng Sa ra sao, biết mình đã có gì, mất gì thì mới thương mới tiếc chứ”.
Ðược đánh giá là một trong những bộ truyện tranh Việt hấp dẫn và hút khách thời điểm này, nhưng Thần đồng đất Việt: Hoàng Sa - Trường Sa không phải là sản phẩm chớp thời cơ của một nhà kinh doanh nhanh nhạy.
Hai năm chuẩn bị để hôm nay ra mắt tập thứ ba, lịch phát hành ba tháng/tập mà cả êkip vẫn phải vắt sức, hồi hộp từng ngày.
“Không đơn thuần là kinh doanh mà đây là cái tâm của cả công ty chúng tôi đối với Tổ quốc” - chị Phan Thị Mỹ Hạnh, giám đốc công ty, nói. Lời nói ấy được chứng minh bằng việc biến những nhân vật quen thuộc Tý - Sửu - Dần - Mẹo - công chúa Phương Thìn thành sứ giả biển đảo với những thông điệp thật nghiêm túc: tập 1 - Khẳng định chủ quyền, tập 2 - Lãnh thổ nước Nam, tập 3 - Khám phá Hoàng Sa....
Sứ giả biển đảo
Chỉ sau vài ngày bộ truyện xuất hiện, những phản hồi của độc giả đã được gửi về. Lá thư viết tay bằng mực tím từ giấy kẻ ô học trò của bạn Nguyễn Hữu Danh, học sinh lớp 6 ở Thủ Ðức (TP.HCM), gửi đến dành một trang vẽ tấm bản đồ hình chữ S trải dài với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và dòng chữ “Tôi yêu Việt Nam” thật to.
Danh viết: “Nội dung truyện lồng ghép hợp lý, giúp mình dễ nắm bắt thông tin và hiểu rõ hơn chủ quyền đất nước. Mình muốn tự hào nói rằng “Tôi là người Việt Nam” khi khép quyển sách lại. Sẽ đồng hành tiếp đến năm 2015 nhé”.
Một độc giả khác, có lẽ là lớn tuổi nhất của Thần đồng đất Việt - tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (98 tuổi, Hà Nội) - vừa được tặng sách đã say sưa đọc suốt buổi trưa.
Ông cười nói: “Tốt lắm! Các em nhỏ sau này sẽ lớn lên, sẽ tự mình bảo vệ Tổ quốc. Làm truyện tranh vui vẻ, ngộ nghĩnh để các em hiểu rõ chủ quyền đất nước mình ngay từ tấm bé là điều nên làm, phải làm. Có sách mới nhớ gửi cho tôi...”.
"Làm truyện tranh vui vẻ, ngộ nghĩnh để các em hiểu rõ chủ quyền đất nước mình ngay từ tấm bé là điều nên làm, phải làm" Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh |
Email, trang Facebook được lập riêng cho bộ sách mới cũng nhanh chóng ngập đầy những phản hồi tích cực.
Lồng truyện trong truyện, các sứ giả nhí của Hoàng Sa - Trường Sa lập đoàn kịch, mời nhân chứng, tổ chức vẽ tranh để kể lại câu chuyện vua Gia Long tái lập đội dân binh kiêm quản Hoàng Sa, thân chinh giong thuyền đến “bãi cát vàng” cắm Long tinh kỳ khẳng định chủ quyền; vua Minh Mạng cử người cứu tàu buôn Anh bị mắc cạn; quan chức đảo Hải Nam khẳng định Hoàng Sa không thuộc địa phận Trung Quốc; những người dân giong thuyền ngang dọc Hoàng Sa...
Trò chơi ngộ nghĩnh, đối đáp tung hứng hồn nhiên, tinh nghịch được thiết kế khéo léo để chuyển tải kiến thức lịch sử, gửi gắm những bài học về lẽ sống, cách sống. Trong sách có nhân vật người lớn giật mình vì không hiểu lịch sử bằng con trẻ, nhiều người lớn đọc sách này cũng sẽ giật mình như thế. Các tác giả trù liệu sẵn đã xen vào giữa tranh truyện những trang cung cấp sử liệu chính thức dành cho người lớn, nguyên văn từ các thư tịch cổ, từ các tài liệu tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh...
Ðọc qua các phản hồi, cả nhóm thở phào: “Vậy là bước đầu tốt rồi phải không? Chuẩn bị cả năm, mất ăn mất ngủ, đến ngày sách ra mắt, tất cả bị stress...”.
Stress là phải, khi mà họ đã tự ôm vào mình một nhiệm vụ thật nặng nề. Như trong lời ngỏ tập truyện: “Truyện tranh về Hoàng Sa - Trường Sa là bước khởi đầu cho phương thức truyền bá thông điệp yêu nước, kiến thức chủ quyền biển đảo đến thế hệ trẻ thật gần gũi, đơn giản mà sâu sắc”.
Như trong lá thư của bộ tứ Tý - Sửu - Dần - Mẹo được kèm riêng trong mỗi cuốn sách gửi tặng các bạn nhỏ Trường Sa: “Món quà bé nhỏ chúng tớ gửi tặng các bạn sẽ trở thành chiếc cầu nối giữa hiện tại và quá khứ, để chúng mình hiểu biết thêm về lịch sử Hoàng Sa - Trường Sa, chủ quyền biển đảo. Và chúng mình sẽ cùng nhau truyền ngọn lửa tự hào, tình yêu biển đảo đến các bạn nhỏ khác”.<?xml:namespace prefix = "o" ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Vắt sức với sử liệu
Những câu động viên tinh thần yêu nước của chị Hạnh trong các cuộc họp không phải là khẩu hiệu, mà đã được các cộng sự của chị thấm thía suốt năm chứng kiến “bà giám đốc” rối bù, vắt sức cho bộ sách.
Ðến công ty vào những chiều thứ bảy, chủ nhật, cả tòa nhà vắng ngắt, chỉ góc làm việc của giám đốc là sáng đèn, những chồng sách, tài liệu về Hoàng Sa - Trường Sa mỗi ngày mỗi cao. Không chỉ có tư liệu về chủ quyền, chứng cứ pháp lý, bản đồ, báo cáo khoa học mà còn có cả những tập sách, báo ố vàng, mép rách lem bem.
“Suốt cả năm sục sạo tìm kiếm, bây giờ thì mấy ông chủ tiệm sách cũ có được tài liệu gì về Hoàng Sa - Trường Sa đều giữ lại và gọi cho tôi” - chị cười sảng khoái.
Sục vào đám sách cũ ấy: Ðại Việt sử ký toàn thư, Ðại Nam thực lục tiền biên, Phủ biên tạp lục, Tập san Sử Ðịa năm 1974, Lịch sử xứ Ðàng Trong thế kỷ 16-17, 17-18, Hải ngoại kỷ sự của nhà sư Thích Ðại Sán (Trung Quốc), tập báo Ðại dân tộc từ tháng 1 đến tháng 2-1974 nóng bỏng tin chiến sự Hoàng Sa...
Lại thêm chồng sách dư địa chí, tìm hiểu sinh vật biển. “Nói chuyện chủ quyền với người lớn thì dễ, nhưng với trẻ em thì khó. Tôi mong ước qua bộ sách này, các em sẽ biết về Hoàng Sa - Trường Sa tường tận: đảo ở đâu, có con gì, cây gì sống trên đó, cái đẹp nhất, quý nhất ở đó là gì, những sự kiện nào, câu chuyện nào đã xảy ra trong lịch sử, ai là người đặt chân lên đảo đầu tiên... Từ đó, các em sẽ thật sự yêu những hòn đảo xa xôi” - chị Hạnh nói nghiêm túc.
Lùng sục được một số công hàm ngoại giao trao đổi của Pháp về sự kiện chiếc tàu Bellona của Ðức bị đắm ở Hoàng Sa, các mối quan hệ được vận dụng để vào tận Thư viện quốc gia Singapore tìm ra số báo The Straits Times từ năm 1894 có bài tường thuật câu chuyện để dựng thành phiên xử của quan án sát...
Làm việc cật lực và cẩn trọng vậy, nhưng đến ngày mang bản thảo đến nhà tiến sĩ Nguyễn Nhã nhờ đọc hiệu đính, cả nhóm biên tập vẫn tay bút tay sổ, ghi chép từng chút, và về đến công ty lại đau đầu bàn nhau “đưa phần bổ sung của thầy Nhã vào đoạn nào cho hợp lý đây...”.
Có câu chuyện rồi thì đến công đoạn vẽ. Dù các nhân vật đều đã có tạo hình quen thuộc sẵn, nhưng để kể chuyện hải đội Hoàng Sa còn phải sưu tầm thêm những hình ảnh “Ða sách thuyền”, “Hải đạo thuyền”, “thuyền Mông đồng”... được khắc trên cửu đỉnh đặt tại Ðại nội ở cung đình Huế; còn ra tận Lý Sơn để xem mô hình những chiếc thuyền câu, nồi đồng, con cúi, hành trang của dân binh trăm năm trước trong những chuyến chinh phục Hoàng Sa. Không ít lần các bản vẽ đã hoàn thành lại phải bỏ đi, làm lại vì chưa “đã”, chưa ấn tượng hay chưa chính xác. “Có thể các em sẽ xem sách, hình qua loa, nhưng mình làm thì không thể hời hợt. Là sách viết lịch sử phải xứng đáng để được lưu lại trong các tủ sách gia đình” - các họa sĩ trẻ quả quyết như vậy.
Cứ thế mà phác thảo của bộ truyện đã hình thành tới tập thứ 10.
Phóng to |
Một trang truyện của tập 3 |
Cập nhật thời sự nóng bỏng
Tập 3 của bộ truyện Thần đồng đất Việt : Hoàng Sa - Trường Sa (Phan Thị và NXB Đại Học Sư Phạm ấn hành) vừa phát hành ngày 20-6 cũng được cập nhật thời sự nóng bỏng. Trong những trang sử liệu, tư liệu ở cuối tập, hình ảnh tàu hải cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam những ngày tháng 6-2014, tin tức trên tạp chí địa lý Trung Quốc bình chọn Hoàng Sa là quần đảo đẹp nhất trên toàn cõi... sẽ càng làm nao lòng các độc giả vừa được thưởng thức vẻ đẹp mê người của Hoàng Sa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận