Trong khi đó, vũ khí chống vệ tinh cũng không chịu thua kém.
Vệ tinh nhân tạo tuyệt mật D-1
Tại Hội nghị trung ương Đảng Lao động Triều Tiên kéo dài năm ngày kết thúc vào ngày 30-12-2023, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định trong năm 2024 sẽ phóng thêm ba vệ tinh quân sự, sản xuất thêm vật liệu hạt nhân và máy bay không người lái tấn công.
Trước đó vào ngày 21-11-2023, CHDCND Triều Tiên tuyên bố đã phóng thành công vệ tinh do thám đầu tiên Malligyong-1 sau hai lần phóng thất bại hồi đầu năm. Vệ tinh chính thức hoạt động từ ngày 1-12. Văn phòng điều hành vệ tinh trinh sát quân sự của Triều Tiên được bố trí tại Trung tâm Kiểm soát chung trực thuộc Cơ quan Công nghệ hàng không vũ trụ quốc gia (NATA). Văn phòng này thực hiện nhiệm vụ với tư cách tổ chức tình báo quân sự độc lập.
Ngay sau đó, Hàn Quốc đã có phản ứng. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo vào sáng 1-12-2023 đã phóng thành công vệ tinh Project 425 EO/IR Sat 1 - vệ tinh quân sự đầu tiên của nước này. Vệ tinh điện quang - hồng ngoại đã được tên lửa Falcon 9 đưa lên quỹ đạo từ căn cứ không gian Vandenberg của quân đội Mỹ ở bang California.
Hàn Quốc dự kiến đến năm 2025 sẽ phóng thêm bốn vệ tinh radar khẩu độ tổng hợp (SAR) để giám sát Triều Tiên tốt hơn.
Không gian được gọi là chiến trường thứ năm ngoài các mặt trận trên bộ, trên biển, trên không và trên không gian mạng. Chính vì vậy từ thời Chiến tranh lạnh, hai siêu cường Liên Xô và Mỹ đã cạnh tranh khốc liệt hướng tầm nhìn về những vùng không gian rộng lớn chưa khám phá nhằm khẳng định ưu thế công nghệ và vị thế thống trị về địa chính trị.
Vào những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, công nghệ tên lửa phát triển nhanh chóng nhờ các mục tiêu quân sự thúc đẩy. Kỹ sư Wernher von Braun người Đức là người tiên phong trong công nghệ tên lửa đã được đưa sang Mỹ nghiên cứu phát triển tên lửa. Trong khi đó, Liên Xô cũng đã sở hữu công nghệ và kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực tên lửa của Đức.
Giữa những năm 1950, Mỹ và Liên Xô đã công bố ý định phóng vệ tinh nhân tạo vào quỹ đạo Trái đất để tham gia sáng kiến Năm Vật lý địa cầu quốc tế (năm 1957 - 1958). Tại Liên Xô, từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhóm các nhà khoa học do kỹ sư Mikhail Tikhonravov đứng đầu tại Viện Nghiên cứu khoa học số 4 (NII-4) đã đi tiên phong trong công việc nghiên cứu vệ tinh nhân tạo.
Chính phủ Liên Xô đã ban hành nghị định số 149-88ss ngày 30-1-1956 chính thức cho phép phát triển vệ tinh nhân tạo. Trong năm 1957 - 1958, vệ tinh nhân tạo được gọi là "Đối tượng D" (D-1) để giữ bí mật tuyệt đối. Trọng lượng vệ tinh được giới hạn từ 1.000 - 1.400kg nhằm phù hợp với tên lửa phóng R-7, bao gồm các dụng cụ khoa học nặng khoảng từ 200 - 300kg. Thời điểm phóng vệ tinh được dự kiến vào năm 1957. Đến cuối năm 1956, do quá trình phát triển dụng cụ khoa học cho vệ tinh D-1 gặp trục trặc liên tục, lịch trình phóng vệ tinh có thể phải lùi lại.
Vệ tinh Sputnik 1 nặng chỉ 83kg
Nhằm chiếm ưu thế về chính trị trong cuộc chạy đua lên không gian, phòng thiết kế thử nghiệm (OKB-1) do kỹ sư tài giỏi Sergei Korolev chỉ đạo đã đề xuất với Chính phủ Liên Xô chế tạo một vệ tinh đơn giản hơn. Vệ tinh mang tên PS 1 (Prostreishiy Sputnik 1) nặng từ 80 - 100kg, dự kiến được phóng vào tháng 4 hoặc tháng 5-1957.
Một phiên bản của tên lửa phóng R-7 mang ký hiệu 8K71PS No. 1 M1-PS (tên lửa R-7 Semyorka) đã được thiết kế riêng phù hợp với vệ tinh mới. Ngày 15-2-1957, Korolev đã ký thỏa thuận với Viện Nghiên cứu khoa học 885 (NII-885) về các thông số kỹ thuật của máy phát vô tuyến cho vệ tinh PS 1. Đây là thành phần chính của vệ tinh được phát triển ngoài OKB-1.
Quá trình chuẩn bị phóng được bí mật tiến hành trong sân bay vũ trụ Baikonur tọa lạc tại thảo nguyên hoang vắng ở Kazakhstan. Lúc 22h28 phút 34 giây (theo giờ Matxcơva) ngày 4-10-1957, tên lửa R-7 gầm rú bay lên khỏi bệ phóng lao vút vào bầu trời đêm.
Vài phút sau, tầng cuối tên lửa tách ra, vệ tinh Sputnik 1 bay vào quỹ đạo. Liên Xô đã trở thành quốc gia phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới.
Vệ tinh Sputnik 1 có đường kính 58cm, nặng 83kg, thân bằng hợp kim nhôm có độ bóng cao để phản chiếu ánh sáng mặt trời gồm hai bán cầu riêng biệt gắn chặt với nhau. Thiết kế hình cầu là hình dạng có diện tích bề mặt tối ưu đối với một thể tích nhất định, nghĩa là có thể chịu được áp suất mạnh nhất trong quá trình phóng và trong môi trường không gian. Bên ngoài vệ tinh có bốn ăng ten vô tuyến dài hơn đường kính quả cầu có chức năng truyền tín hiệu vô tuyến về Trái đất.
Sputnik 1 bay trong quỹ đạo thấp hình ê lip với điểm xa Trái đất nhất khoảng 947km và điểm gần Trái đất nhất khoảng 227km. Vệ tinh di chuyển với vận tốc khoảng 29.000km/h, hoàn thành một vòng bay quanh Trái đất khoảng 96 phút. Ngay sau đó, Sputnik 1 bắt đầu những tín hiệu bip bip khắp thế giới.
Thế kỷ 20 là thời kỳ bùng nổ nhiều khám phá khoa học đáng kinh ngạc nhưng hiếm có sự kiện nào có thể sánh được với vụ phóng vệ tinh Sputnik 1. Tín hiệu vô tuyến từ vệ tinh đã chứng minh rằng truyền dữ liệu từ không gian về Trái đất là điều khả thi, mở đường cho các thế hệ vệ tinh viễn thông sau này.
Theo trang web History Skills (Úc), sự kiện Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên đã gây chấn động toàn cầu, đặc biệt ở Mỹ. Sự kiện này (được gọi là "cú sốc Sputnik") đã chứng minh thành tựu công nghệ của Liên Xô, đặc biệt chứng minh Liên Xô có khả năng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Làn sóng lo lắng và rà soát nội bộ xảy ra ở Mỹ. Mỹ đã tiến hành kiểm tra lại toàn bộ hệ thống giáo dục, đặc biệt là các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học đồng thời gia tăng đáng kể nguồn tài trợ liên bang cho nghiên cứu khoa học và giáo dục. Năm 1958, Mỹ đã quyết định thành lập Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Vụ phóng vệ tinh Sputnik 1 báo hiệu cuộc chạy đua chiếm ưu thế trong không gian giữa Mỹ và Liên Xô chính thức bắt đầu.
Vệ tinh Sputnik 1 không mang theo dụng cụ khoa học nào do kích thước nhỏ và do trình độ công nghệ hạn chế vào thời kỳ đó. Do đó, những tín hiệu bip bip chỉ chứng minh vệ tinh đang hoạt động chứ không cung cấp thông tin gì. Vệ tinh chỉ được trang bị máy phát vô tuyến, pin, quạt để điều chỉnh nhiệt độ cùng hệ thống duy trì định hướng và áp suất.
Sputnik 1 hoạt động được 21 ngày (từ ngày 4 đến 26-10-1957) đến khi pin cạn kiệt, sau đó tiếp tục bay quanh Trái đất thêm vài tháng nữa trước khi dần dần rơi trở lại khí quyển và tan rã vào ngày 4-1-1958.
----------------------
Kỳ tới: Chương trình vệ tinh trinh sát tối mật Corona
Cơ trưởng Harold Mitchell đã thực hiện một phi vụ lịch sử trong khuôn khổ chương trình tối mật Corona của quân đội Mỹ. Lần đầu tiên lái máy bay thu hồi hộp chứa phim ảnh do vệ tinh do thám chụp về Liên Xô.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận