14/01/2023 11:33 GMT+7

Về thủ phủ cây dó trầm nức tiếng ở Hà Tĩnh

Cây dó trầm mọc nhiều ở một số xã miền núi Hương Khê, song người dân bản địa không hề hay biết giá trị đặc biệt loài cây này cho đến khi các nhóm người ngoại tỉnh xuất hiện tìm mua nó.

Về thủ phủ cây dó trầm nức tiếng ở Hà Tĩnh - Ảnh 1.

Một vườn trồng cây dó trầm ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê - Ảnh: LÊ MINH

Khoảng những năm 1980, những nhóm người ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam tìm đến các vùng núi rừng huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) tìm một loại hàng hóa có giá trị cao được gọi là trầm.

Ở huyện Hương Sơn cây dó trầm mọc rất nhiều, nhưng vùng đất được xem là thủ phủ của loài cây này là xã Phúc Trạch. Mặc dù sinh sống trên thủ phủ cây dó trầm nhưng người dân không biết giá trị lớn của nó, cây dó trầm lớn lên được người dân chặt bỏ để làm nhà cửa.

Từ một làn sóng mua trầm của các thương lái ngoại tỉnh, người dân xã Phúc Trạch dần nhận biết được giá trị của cây dó trầm. Họ không còn chặt cây dó trầm để làm nhà, ngược lại đua nhau tận dụng các khoảnh đất trống ươm giống, trồng cây.

Về thủ phủ cây dó trầm nức tiếng ở Hà Tĩnh - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Đức bên cây dó trầm được định giá 40 triệu đồng - Ảnh: LÊ MINH

Thời điểm hiện tại, len lỏi vào các tuyến đường liên thôn, liên xã ở Phúc Trạch nhìn đâu cũng thấy những vườn dó trầm hút tầm mắt. Giá trị bán trầm mang lại đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt kinh tế của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Đức (70 tuổi, ngụ thôn 7, xã Phúc Trạch) có 30 năm trồng cây dó trầm chia sẻ, gia đình ông hiện có vườn cây dó trầm rộng khoảng 1ha với hàng trăm cây lớn nhỏ khác nhau. Cây lớn nhất có đường kính khoảng 35cm được định giá 40 triệu đồng, những cây khác nhỏ nhất giá không dưới 1 triệu đồng.

Về thủ phủ cây dó trầm nức tiếng ở Hà Tĩnh - Ảnh 3.

Người dân đục lỗ trên cây dó trầm để tạo trầm - Ảnh: LÊ MINH

Trầm tự nhiên được sản sinh từ vết thương trên cây dó trầm bị sâu đục thân. Nếu cây không có dấu hiệu bị thương thì người dân phải tiến hành đục lỗ trên thân cây, tạo vết thương để có trầm. Tại xã Phúc Trạch trước đây cây dó trầm mọc tự nhiên, sau này người dân biết được giá trị của nó nên tự ươm giống để trồng.

"Có thời điểm các thương lái từ miền Nam ra tìm mua trầm với giá cao khiến một số gia đình dỡ cả cột nhà để bán. Sau này người dân trồng cây dó trầm nhiều nên không còn tình trạng này nữa. Một cây dó trầm từ khi ươm giống đến khi cho thu hoạch mất ít nhất 10 năm nên nghề trồng trầm phải kiên trì" - ông Đức nói.

Về thủ phủ cây dó trầm nức tiếng ở Hà Tĩnh - Ảnh 4.

Một sản phẩm trầm sau quá trình dày công đục đẽo - Ảnh: LÊ MINH

Những sản phẩm độc đáo từ dó trầm

Trầm sau khi được thương lái thu mua chế tác ra rất nhiều sản phẩm như đồ thủ công mỹ nghệ, hương trầm, nụ trầm. Đặc biệt đối với các mặt hàng mỹ nghệ chế tác từ trầm được bán với giá rất cao.

Các công đoạn chế tác từ trầm khá công phu. Một cây dó trầm được đốn hạ người thợ phải dùng dao, đục khoét tỉ mỉ những phần thân bên ngoài, những phần vân đen còn lại được xác định là trầm sẽ được người thợ chế tác theo các mặt hàng khác nhau tùy theo kích thước, khối lượng của trầm.

Về thủ phủ cây dó trầm nức tiếng ở Hà Tĩnh - Ảnh 5.

Chị Võ Thị Nga bên một sản phẩm mỹ nghệ chế tác từ trầm - Ảnh: LÊ MINH

Chị Võ Thị Nga - một chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm trầm hương lớn nhất ở xã Phúc Trạch - cho biết gia đình chị vừa hành nghề trồng cây dó trầm vừa mở cửa hàng kinh doanh, thu mua cây của người dân địa phương khoảng 20 năm nay.

Theo chị Nga, giá trị mỗi cây dó trầm tùy thuộc kích thước từng khối trầm trên cây. Cơ sở chị từng thu mua những cây dó trầm từ 1 triệu đồng cho đến hàng chục triệu đồng. Hiện cơ sở có 8 công nhân, sản xuất đủ các chủng loại mặt hàng về trầm và xuất đi nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh.

"Trầm có mùi hương thơm dịu, các sản phẩm chế tác từ trầm khá bắt mắt nên được thị trường ưa chuộng. Nhiều năm nay các mặt hàng của chúng tôi xuất đến các thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM" - chị Nga nói thêm.

Về thủ phủ cây dó trầm nức tiếng ở Hà Tĩnh - Ảnh 6.

Một công đoạn mài giũa để làm vòng trầm đeo tay - Ảnh: LÊ MINH

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Quốc Khánh - chủ tịch UBND xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê) - cho biết vùng đất xã Phúc Trạch hội đủ các yếu tố "thiên thời - địa lợi - nhân hòa" giúp người dân phát triển kinh tế, từng bước làm giàu.

Người dân địa phương trước đây hành nghề làm ruộng cho thu nhập bấp bênh, khoảng 20 năm nay địa phương phát triển các loại cây trồng chủ lực, có thương hiệu như bưởi, cam và đặc biệt là trồng cây dó trầm đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn.

Về thủ phủ cây dó trầm nức tiếng ở Hà Tĩnh - Ảnh 7.

Các sản phẩm chế tác từ trầm được xuất đi nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh - Ảnh: LÊ MINH

"Toàn xã hiện có 90% hộ dân trồng cây dó trầm trên diện tích hơn 300ha. Chỉ tính riêng năm 2022 doanh thu từ bán cây dó trầm mang về cho các hộ dân 91 tỉ đồng. Nghề trồng trầm đã làm các hộ dân 'đổi đời', địa phương hiện chỉ còn 2,7% hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo" - ông Khánh cho hay.

Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc tất bật ngày giáp TếtLàng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc tất bật ngày giáp Tết

Những ngày này, khắp các tuyến đường tại hai làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc (tỉnh Bến Tre), thơm lừng mùi bột nếp, bột mì - nguyên liệu để làm nên những chiếc bánh thơm ngon để bán trong dịp Tết Nguyên đán 2023 sắp tới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên