Về Thiếu Lâm Tự

NGUYỄN VĂN DŨNG 19/12/2004 00:12 GMT+7

TTCN - Người Trung Hoa gọi Thiếu Lâm Tự là "Quốc tự" là "Thiên hạ đệ nhất tự". Thiếu Lâm Tự là cội nguồn của Thiền tông Trung Hoa, Nhật Bản và nhiều nước châu Á, là cái nôi của nền võ thuật Trung Hoa và võ thuật thế giới.

Phóng to
TTCN - Người Trung Hoa gọi Thiếu Lâm Tự là "Quốc tự" là "Thiên hạ đệ nhất tự". Thiếu Lâm Tự là cội nguồn của Thiền tông Trung Hoa, Nhật Bản và nhiều nước châu Á, là cái nôi của nền võ thuật Trung Hoa và võ thuật thế giới.

Thiếu Lâm Tự có nghĩa là ngôi chùa trong rừng núi Thiếu Thất. Sự tồn tại của Thiếu Lâm Tự gắn liền với một nhân vật huyền thoại: Bồ Đề Đạt Ma. Ngài là vị tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ. Sau khi được truyền Y Bát và Tâm Ấn, ngài đi thuyền về hướng đông, cập bến Quảng Châu vào năm thứ bảy đời Lương Võ Đế (520) mang theo thông điệp: Sự thinh lặng.

Bài giảng pháp đầu tiên cho Lương Võ Đế mới mẻ, đột phá tới mức cả triều thần ngơ ngác. Thấy Lương Võ Đế hết lòng tin Phật nhưng thiếu huệ căn của một bậc đại sĩ, Bồ Đề Đạt Ma bèn tạ từ rồi lên hướng bắc. Chuyện kể: Ngài vượt sông Dương Tử bằng cọng cỏ lau, lúc đầu dừng chân ở Lạc Dương, sau cùng an trú tại Thiếu Lâm Tự và suốt chín năm liền quay mặt vào tường (cửu niên diện bích), tu tập thiền định.

Từ bậc khai sáng, vị Tổ thứ nhất này qua nhiều đời kế, Phật giáo Thiền tông tỏa rạng bốn phương, trở thành dòng suối tô bồi cho nền văn hóa Trung Hoa và nhiều nước châu Á.
Phải đến Bồ Đề Đạt Ma, cùng với sự phát triển của Thiền tông, võ mới được nâng lên tầm võ thuật, võ học, võ đạo.

Ngày nay, thăm chùa Thiếu Lâm Tự rất dễ nhận ra dấu ấn của trang sử võ học vẻ vang suốt 1.500 năm. Các công trình Thiếu Lâm Tự được xây dựng theo trục Bắc Nam. Bên trên sơn môn lấp lánh ba chữ “Thiếu Lâm Tự”, bút tích của vị hoàng đế cũng là nhà thư pháp lỗi lạc Khang Hy. Dọc theo lối đi từ sơn môn đến Thiên Vương điện là rừng bia ký, một kho tàng thư pháp của Trung Hoa.

Nó phản ánh không chỉ lịch sử ngôi chùa mà còn cả lịch sử Trung Hoa suốt 1.500 năm. Càn Long, vị vua tinh thông võ nghệ, một lần đến thăm Thiếu Lâm Tự đã vô cùng xúc động khi nghe câu chuyện Đạt Ma “cửu niên diện bích” và Nhị Tổ Huệ Khả cầu đạo. Suốt đêm ông thao thức, nằm nghe mưa rơi ngoài hiên, gió thì thầm trên ngọn cây tùng và suy nghĩ vẩn vơ về ý nghĩa kiếp người. Sau Thiên Vương điện là chính sảnh, vừa được trùng tu.

Phía đông chính sảnh là đền Jinnaluo, nơi đặt tượng thần Đại La, vị thần của các võ sư Thiếu Lâm. Sau chính sảnh là Tàng Kinh các, nơi lưu giữ kinh sách, bí kíp võ công và các văn kiện vô giá khác.

Tòa nhà không rộng lắm, không hiểu sao suốt 30 năm Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác có thể ẩn thân được để lén lút ăn cắp bí kíp võ công thượng thừa mà không ai hay. Tiếp sau là phòng Phương Trượng, nơi ở của vị trụ trì. Sau phòng Phương Trượng là Lập Tuyết Đình. Chính nơi đây, trước Bồ Đề Đạt Ma, Huệ Khả đã chặt đứt cánh tay trái để tỏ lòng chí thành cầu đạo.

Sau cùng là điện La Hán, là tòa điện lớn nhất trong Thiếu Lâm Tự, nơi truyền dạy công phu Thiếu Lâm. Chỉ những môn sinh tài giỏi nhất mới được tuyển vào luyện tập ở đây. Từ đây, những người xuất sắc nhất trong số môn sinh tài giỏi ấy lại được chọn để được truyền thụ đặc biệt trong Đạt Ma Đình, nơi họ được thụ giáo những tuyệt kỷ công phu Thiếu Lâm. Kín trên bốn bức tường điện La Hán là bức bích họa vĩ đại mô tả 500 vị La Hán biểu lộ sự tôn kính hướng về Đức Phật.

Trên nền gạch của điện La Hán còn nguyên 48 vết lõm sâu là dấu chân của các nhà sư bền bỉ luyện công qua hàng chục thế kỷ. Phía đông điện La Hán là điện Quan Âm. Bức bích họa nổi tiếng hơn cả vẽ “mười ba vị sư Thiếu Lâm đang giải cứu vua Đường”.

Tường phía bắc và phía nam là tranh đặc tả các loại công phu Thiếu Lâm do các nhà sư thực hiện bằng nhiều loại vũ khí khác nhau. Bởi thế, điện còn được gọi là điện Thiếu Lâm Công Phu. Một trong năm đỉnh núi phía sau chùa Thiếu Lâm là động Bồ Đề Đạt Ma, nơi sơ tổ quay mặt vào vách đá thiền định suốt chín năm ròng rã, đến mức khuôn mặt ngài in hằn lên đá. Ngày nay, tảng đá ấy được đem về lồng kính trưng bày trong điện Quan Âm.

Trong lịch sử hơn 1.500 năm, Thiếu Lâm Tự cũng từng trải qua những thời kỳ đen tối, đau buồn... Các công trình kiến trúc của chùa còn lại đến nay mang dấu ấn của nhiều triều đại, hầu hết được trùng tu và xây dựng từ thời nhà Minh, nhà Thanh. Chỉ mấy cây tùng cây bách ngàn năm tuổi kia là vẫn thế, vẫn lồng lộng giữa trời xanh mây trắng.

Ngày nay, dưới chân núi Thiếu Thất có đến 60 học viện võ thuật Thiếu Lâm với hơn 40.000 môn sinh, là những thanh thiếu niên trên khắp đất nước Trung Hoa về đây ngày đêm khổ luyện. Trên nền tảng của truyền thống văn hóa dân tộc, sứ mệnh của thời đại, nhà nước Trung Quốc chủ trương nhất thống các võ phái của họ thành wushu - môn võ thuật hiện đại của Trung Quốc, lấy Thiếu Lâm Tự làm gốc.

Với tôi, chuyến viếng thăm Thiếu Lâm Tự lần này là một cuộc trở về, để vững tin rằng võ thuật đích thực phải luôn là võ đạo; phải là hình thái văn hóa đặc thù góp phần làm cho cuộc sống đẹp hơn, phong phú hơn, đáng sống hơn; là công cụ giúp con người “thân thanh sạch cường kiện, trí sáng ngời nhật nguyệt, tâm tĩnh lặng vô ưu”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận