08/08/2010 10:16 GMT+7

Về sông câu cá

HỒNG BỈNH HIẾU
HỒNG BỈNH HIẾU

TTO - Hẹn với nhau từ năm nảo năm nao, vậy mà mùa câu nào Út Thuấn cũng nhắc: “Về chưa, về đi, tới mùa câu cá ngát rồi!”. Hà Nội đang nóng và bức, thì về.

Người miền Tây Nam bộ quen miệng gọi tên sông Hậu là sông Cái (tức sông mẹ). Trên dòng sông mẹ cuộn mình ra biển có vô số nhánh sông con. Cá ngát làm hang ẩn náu, sinh sản gần những cửa “sông con”, tập tính của chúng là đi ăn theo nước.

Khi con nước dậy...

Từ tháng 6 đến hết năm, những con nước bắt đầu “dậy” và ngày một dâng đầy sông Hậu, dân nghiện cá ngát ở xã Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) lại rủ nhau thả xuồng theo các nhánh sông câu cá.

Tv34DGkr.jpgPhóng to
Quăng câu và dính cá... nhỏ

Sông Nhơn Mỹ (một nhánh sông Hậu) trước đây nổi tiếng nhiều cá ngát, chúng làm hang ở “mé vực”, nơi tiếp giáp bãi sông nằm sâu dưới nước. Miệng hang có cái to bằng vòng tay người lớn. Dân câu rành con sông này hơn sáu câu vọng cổ. Họ thuộc từng “búng” nước trên sông, biết từng bãi đá, vật chướng ngại dưới đáy - nơi cá ngát phục kích săn mồi.

Hơn 3 giờ chiều, nước đứng ròng Út Thuấn giục đi. Tôi và Út Tâm kiểm tra lại đồ nghề: lưỡi câu, kìm bấm, vợt, thẻo chì, đèn pin, dây cước… đủ hết. Mồi dụ cá (trùn lá, tép bạc tươi) và mồi cho... người cũng đã sẵn sàng.

Chúng tôi chạy võ lãi (tắc ráng) men sông Hậu vào vàm Nhơn Mỹ. Theo kinh nghiệm đi giờ này vừa vì sông Nhơn Mỹ rất nhiều điểm câu. Qua hết các điểm câu, trở ra vừa lúc thủy triều lên, mỗi điểm sẽ buông neo hai lần. Đi câu từ lúc nước ròng đến khi nước lớn rồi trở về nhà, thời gian trên sông mất khoảng mười tiếng.

Sợ tôi thiếu kiên trì, Út Thuấn dặn: “Ngồi lâu quá mà cá không ăn cũng đừng nản chí đòi về, làm anh em nản theo. Hôm qua tui “trầm” suốt 9 tiếng mới dính được con cá đầu tiên!”.

Anh em cho biết cá ngát sinh sản lai rai từ mùa gió nam sang mùa gió chướng (tháng 7 đến tháng 12), họ tin như vậy vì khoảng thời gian này thỉnh thoảng có người câu được cá ngát gầy nhom nhưng mang bụng trứng bự chảng. Nên đi vào mùa chướng cá ngát bấy giờ coi như qua một năm tuổi, trọng lượng đạt cỡ 1kg trở lên, thịt chắc và thơm ngon.

Rút kinh nghiệm mùa câu trước, lần này bỏ cần máy lại, tôi đi tay không. Câu cá trên sông mới đúng nghĩa câu tay. Một sợi cước dài khoảng 40m quấn vào cái chai (nhiều người dùng lon sữa bò), một đầu dây luồn qua thẻo chì nặng 500g-1kg. Lưỡi câu “tóm” sẵn đoạn cước 3 tấc (30cm), khi câu chỉ việc lắp vào đầu dây có thẻo chì.

Cá ngát ăn ở tầng nước thấp, gần sát đáy, thẻo chì phải đủ nặng chìm được xuống đáy. Với cần máy, thẻo chì thường dùng 150g–200g, trong dòng nước xiết chẳng khác gì chiếc phao mọng nước. Câu tay nên “nghe” cá ăn, cảm nhận thẻo chì chạm tới đáy hay chưa cũng bằng tay, mọi giác quan tập trung hết ở tay. Cá ngát ăn mồi khe khẽ như cá rô đồng, qua sợi cước dài run bần bật do sức ép của nước, thiếu tập trung sẽ chẳng bao giờ biết cá cắn câu.

Út Thuấn quyết định buông neo tại khúc cua có dòng nước chảy xiết. Chúng tôi háo hức triển khai, quăng câu và… chờ. Chưa quá 15 phút, Út Thuấn reo lên: “Ăn rồi!”. Nhấc con cá lên khỏi mặt nước, giọng hắn ỉu xìu: “Hổm rày gặp toàn cá cỡ này, năm con như vầy mới được một ký. Cá nhỏ ăn mồi bạo lắm, giật không kịp cho coi!”.

A1pK0u7e.jpgPhóng to
Gai, ngạnh cá ngát rất độc, có thể gây đau nhức đến mấy ngày nếu bị đâm phải. Câu dính cá, việc đầu tiên là dùng kìm bấm bỏ

Đúng như Út Thuấn nói, chúng tôi liên tục giật được cá nhưng chẳng thấy cá lớn vài ký trở lên. Cá ngát nặng trên chục ký đã thuộc hạng “cụ” cá, lứa tuổi U40 của Út Thuấn dường như cũng chỉ nghe nói mà thôi.

jkaUYSkG.jpgPhóng to
Miệt mài trên sông đêm, “mài” đến khuya vẫn không thấy cá lớn dính câu

"Câu như tụi tui đời nào hết cá"

Út Thuấn và Út Tâm vẫn cần mẫn quăng câu, sông vắng, tiếng thẻo chì rơi ùm ủm, vang vọng, rồi hai người ngồi im như hành xác. Muốn câu được cá lớn phải “mài” đến tận giờ này. Mọi người phỏng đoán, cá lớn vốn thận trọng, chúng chỉ di chuyển tìm mồi trong bóng tối, khi mặt sông ngớt tiếng ồn của ghe, tàu đi qua.

Nhiều tay câu ở đây cho biết, cá ngát bán rất chạy và được giá (70.000 - 90.000 đồng/kg) nên bị săn bắt ráo riết. Cá lớn sống trong hang trong hốc, chưa kịp sinh sản đã bị vây bắt bởi thợ lặn. Cá nhỏ mới trưởng thành thì lọt vô miệng đáy, ghe cào, xung điện dày đặc, lại còn những giàn câu viền hàng trăm lưỡi mỗi lần thả xuống…

Ek9qRoP9.jpgPhóng to
Kết quả sau hơn mười tiếng lênh đênh trên sông, nếu “quy ra thóc”, rõ ràng chúng tôi đã lỗ nặng

“Câu tài tử, câu chơi như tụi tui thì đời nào mới hết cá!”, Út Thuấn bảo. Ở Nhơn Mỹ hiện có vài chục tay câu, anh em khoái nhau, hợp gu thì tụm năm tụm bảy, hú hí rủ nhau đi. Họ hành nghề hoàn toàn không vì mục đích kiếm tiền (câu cá bán). Người câu được nhiều chia sẻ cho người không dính cá, hoặc mang cho bạn bè, hàng xóm…

Với những tay câu này, dầm sương dãi nắng trên sông để chờ khoảnh khắc cá ăn, tận hưởng cảm giác đưa cá lên khỏi nước và nhìn tận mặt con cá mình câu được...như một thú đam mê thì đúng hơn.

HỒNG BỈNH HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên