Bà Nguyễn Thị Danh (70 tuổi, Q.Tân Bình) cho biết rất mừng khi được đi bán lại. Bà quê ở Bình Định, vào TP.HCM làm nghề bán vé số để có tiền nuôi 5 đứa cháu ở quê ăn học. Một ngày bà bán 150 tờ, 2 hôm nay bà bán được lai rai, do chân bị khớp nên bà hay đứng ở các gốc đường có đông xe cộ qua lại để bán - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Bây giờ đã có danh sách người bán vé số dạo, năm nay công ty sẽ tập trung giải quyết xây nhà cho những người bán vé số dạo khó khăn về nhà ở. Chính sách nào có lợi cho người bán vé số và được phép làm, chúng tôi sẵn sàng.
Ông Lê Văn Khanh (chủ tịch Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Sóc Trăng)
Sáng 30-4 là ngày thứ hai bà Võ Thị Hai (71 tuổi, ngụ phường 9, TP Sóc Trăng) trở lại bán vé số dạo sau gần một tháng ở nhà ngồi chơi xơi nước. Gần 40 năm gắn bó với nghề, đây là lần đầu bà phải nghỉ bán lâu như vậy, mà lại còn ngoài ý muốn.
40 năm gắn với vé số dạo
Lội bộ mời khách mua vé số được chừng 100 mét, bà Hai lại tìm chỗ nghỉ mệt. Vừa ngồi bệt xuống ghế, tìm cục đá dằn xấp vé số khỏi bị gió thổi bay, bà Hai liền lôi bọc thuốc ra uống.
"Gần 10 năm nay bị bệnh huyết áp cao, nhức mỏi hành ngày đêm. Cộng thêm trời nắng nóng nên tui không dám lội bộ xa, khi nào mệt ngồi nghỉ. Lúc nào tui cũng thủ đủ loại thuốc trong giỏ cho chắc ăn, phòng khi sụp xuống", bà Hai bộc bạch.
Ngay khi bà Hai vừa đứng dậy, chủ một tiệm hớt tóc gần đó lại gần lựa số, mua giúp 10 tờ.
"Hai ngày nay bán được nhiều, trong buổi sáng hết sạch một cùi (100 tờ). Hôm qua cũng vậy, lúc tui ghé công trình làm bêtông trên đường Mạc Đĩnh Chi (phường 4) bán được trên 50 tờ. Bán hết sớm, tôi được về nhà nghỉ ngơi, lo cho cháu", bà Hai trải lòng.
Từ khi có dịch, ngoài thuốc hằng ngày, bà còn mang theo khẩu trang. "Dịch bệnh hoành hành, mình mà không đeo khẩu trang bà con ngại sẽ không dám mua. Mừng là hàng quán bán lại, không ai cấm hay xua đuổi người bán vé số dạo", bà Hai cho biết.
Bà Hai lấy chồng sớm theo sắp đặt của cha mẹ. Chiến tranh đã cướp mất người chồng mà bà rất mực yêu thương, để lại cho bà 4 đứa con thơ dại. Nhà nghèo, không đất làm ruộng, không vốn liếng..., bà đi bán vé số dạo từ năm 31 tuổi. Lúc đầu còn trẻ, bà Hai "nhảy" lên xe đò bán, ngày đắt được 4 cùi (400 tờ), đủ lo cái ăn cái mặc cho các con.
"Sau hơn 10 năm "nhảy" theo xe đò bán vé số, tui nghỉ theo xe, xuống cuốc bộ. Đi lâu ngày tay chân yếu dần, đâm ra đủ bệnh. Tụi trẻ bây giờ cũng ra bán vé số nhiều hơn, giỏi mời mọc hơn, cạnh tranh không lại. Tui bán nhờ mối quen, ngày 100 tờ kiếm được khoảng 120.000 đồng, sống qua ngày", bà Hai kể về cuộc đời mình, nhẹ tâng.
Gần đây, đứa con trai bị vợ bỏ của bà bước thêm bước nữa, giao cho bà đứa cháu nội tật nguyền. "Tội cháu tui, 3 tuổi rồi vẫn chưa biết nói, biết đi. Tối ngày chỉ lết quanh nhà. Nhiều hôm bệnh, đi không nổi, tui cũng cố lấy vé số đi bán. Nếu không làm, hai bà cháu sẽ chết đói", bà Hai sụt sùi.
Chân yếu, lội bộ chừng 5 - 10 phút, bà Võ Thị Hai tìm chỗ nghỉ mệt, lấy thuốc ra uống - Ảnh: KHẮC TÂM
Vừa qua tui có nhận tiền hỗ trợ 900.000 đồng, cũng đỡ khó khăn phần nào. Tuy vậy, tui vẫn muốn kiếm tiền bằng sức lao động của mình. Nếu nghỉ bán lâu hơn sẽ rất buồn. Bây giờ đã được bán vé số lại rồi, cực chút mà vui.
Bà HAI (người bán vé số ở Sóc Trăng)
Nghĩ lại thấy sợ
Vợ chồng ông Trần Thanh Long (xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) mưu sinh bằng nghề bán vé số đã nhiều năm nay. Hiện tại cặp đôi này đều đã ngoài 60 tuổi.
Trong thời gian một tháng ngưng bán, vợ ông Long xoay ra mua bán ve chai, mỗi ngày cũng lời được chừng trăm ngàn đồng, gói ghém vừa đủ gia đình qua ngày. Riêng ông Long ở nhà dọn dẹp xung quanh nhà trồng vài cây cải, bầu, bí để cả nhà có cái ăn. Nhà nước cho bán vé số lại, vợ chồng đều rất vui vì hai người "song kiếm hợp bích", nguồn thu nhập tăng, không cực như mua bán ve chai.
Ông Long "bật mí" hôm 28-4 bán rất nhanh, vợ chồng ông lấy 400 tờ vé số bán một lát hết sạch, muốn lấy thêm một ít tờ cũng không có. Theo ông Long, vé số bán chạy vì số người bán chưa đầy đủ như trước. Sang ngày 29-4 thì bán có chậm lại, được khoảng 200 tờ.
"Hiện nhiều người bán hơn rồi, trong khi lượng người ra đường chưa nhiều nên có giảm chút ít. Nhưng không sao, vẫn đỡ hơn là không có bán. Tự mần tự sống, không trông chờ ai trợ cấp cho mình, cảm thấy rất thoải mái", ông Long chia sẻ.
Trước khi ngừng bán, ông Long cho biết bản thân rất có ý thức giữ khoảng cách với người mua và đeo khẩu trang suốt.
"Người mua cũng ngại vì người bán vé số tiếp xúc với nhiều người. Mình bán nên cũng phải chủ động đứng xa để họ yên tâm lựa số mua", ông Long nói.
Nói về mong muốn của bản thân, ông Long cho biết trong giai đoạn khó khăn này người bán vé số cần nhất là lương thực, tiền bạc để vượt qua. Về lâu về dài, công ty xổ số cũng nên xem người bán vé số là người cộng tác lâu dài, nên dành ra một nguồn quỹ cố định để giúp đỡ, hỗ trợ những người bán khi họ gặp khó khăn.
"Nếu không có người bán thì không có công ty. Nhà nước có nguồn thu lớn từ xổ số, trong khi người bán vé số phần lớn đều nghèo khổ. Phải có chính sách nào thiết thực và công bằng với tụi tui. Chứ vừa rồi phần hỗ trợ của công ty, vợ chồng tôi hai người bán nhưng chỉ được có một suất, phải cự nự lắm ở xã mới đồng ý, chẳng vui gì đâu", ông Long chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ, ông Trương Văn Sơn - bán vé số nuôi cha mẹ già ở xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) - cho biết thời gian ngưng bán vé số cũng rất khó khăn.
"Nghề này khô tay là hết tiền. Một tháng ngưng bán, cả nhà mong sao có gạo ăn qua ngày. Giờ nghĩ lại thấy sợ, cũng may đã vượt qua rồi, được bán lại cả nhà như hồi sinh", ông Sơn chia sẻ. Ông mong ước đơn giản hơn, chỉ cầu mong cho mình có nhiều sức khỏe để đi bán vé số nuôi gia đình.
Mua ủng hộ
Đại diện đại lý vé số Công Thi (thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết ngày đầu tiên sau mở bán, tỉ lệ trả vé thấp hơn trước đây. Phần lớn bà con bán vé số dạo rất phấn khởi vì dễ bán và có thu nhập trở lại.
Ông Nguyễn Văn Thuấn (phường 1, TP Sóc Trăng) cho biết xưa nay ông ít khi mua vé số. Vậy nên khi vé số bán lại, ông đã tìm mua 5 tờ. Ông Thuấn giải thích có chuyện "lạ đời" này là do qua dịch bệnh, ông "ngộ" ra nhiều điều bất hợp lý.
Ông thật sự bất ngờ trước số lượng người bán vé số dạo mà các tỉnh công bố để hỗ trợ, tỉnh ít cũng trên 6.000 người. Họ là đội quân hùng hậu, hằng ngày lặn lội khắp nơi từ quán ăn, con hẻm không kể nắng mưa để mời mọc, năn nỉ bán từng tờ vé số. Vậy mà họ chẳng được gì ngoài hoa hồng hưởng trên từng tờ vé số bán được. "Các công ty nên xem họ như nhân viên của mình chứ, có chính sách hỗ trợ để họ an tâm gắn bó lâu dài. Thương họ, cảm thông những nỗi vất vả, thiệt thòi họ phải chịu, chưa kể đôi khi còn bị người mua kỳ thị, xua đuổi nên tôi mua ủng hộ", ông Thuấn chia sẻ.
Trong khi đó, chị K., chủ một cửa hàng bách hóa ở Đồng Tháp, cho biết cũng thường mua vé số, trước là cầu vận may trúng đặc biệt, sau là ủng hộ người bán. Trước đây, ngày nào vui, chị K. mua một tờ nuôi hi vọng đổi đời. Những ngày đầu vé số bán trở lại, chị mua 5 tờ, sau đó mua ít hơn.
"Cũng dân buôn bán nên mình hiểu để bán được món hàng cũng phải uốn ba tấc lưỡi. Người bán vé số còn cực hơn, tiếp xúc đủ thành phần, không tránh khỏi bị nói nặng nhẹ. Cửa hàng mình vẫn cho người bán vé số vào. Giúp nhau trong hoạn nạn là chuyện nhỏ nên làm. Mong cho những người bán vé số đỡ bớt cơ cực trong thời điểm này", chị K. hi vọng.
Ông Lê Văn Khanh - chủ tịch Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Sóc Trăng - cho biết trong ngày mở thưởng lại sau 4 kỳ tạm ngừng, tình hình tiêu thụ vé số Sóc Trăng khá khả quan. Ông Khanh cho biết công ty thường xuyên nhắc các đại lý phát đủ khẩu trang, yêu cầu bà con bán vé số dạo đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn khi bán.
Theo ông Khanh, qua đợt dịch bệnh COVID-19, công ty càng cảm thông, chia sẻ với những vất vả của những người bán vé số dạo. Công ty đang xem xét thí điểm mô hình bếp ăn trưa cho người bán vé số tại TP Sóc Trăng, sau đó nhân rộng các địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận