Khu cách ly sạch sẽ, an toàn dành cho các bà bầu về quê hương - Ảnh: LÊ TRUNG
Tại khu cách ly, nhiều bà bầu kể rằng thời gian qua cuộc sống ở Đài Loan hết sức khó khăn bởi chi phí đắt đỏ. Nhiều người hết hạn hợp đồng lao động, mất việc làm nên việc sinh hoạt, chăm lo cho thai nhi gặp nhiều trở ngại. Họ muốn về quê hương sinh con nhưng không được do dịch COVID-19 khiến các đường bay bị đóng.
Ở bên đó không có người thân
Khi được bố trí chuyến bay đón trở về đất mẹ, bà bầu nào cũng xúc động rớm nước mắt. Ở khu cách ly, họ được bố trí nơi ăn chốn ở đàng hoàng và được chăm sóc chu đáo, tận tình.
Hồ Thị Huyền (30 tuổi, quê Nghệ An), một trong những bà bầu ở khu cách ly tập trung Trường trung cấp Cảnh sát nhân dân 5 (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), đã đem vải ra thêu tranh để tận dụng thời gian rảnh rỗi ở khu cách ly.
Huyền tâm sự cô đang mang thai đứa con đầu lòng 30 tuần. Hai vợ chồng qua Đài Loan làm việc đến nay đã sáu năm, cô làm công nhân ở một công ty may mặc. Nhiều tháng nay ảnh hưởng dịch bệnh, cuộc sống vợ chồng gặp khó khăn.
"Giờ sắp sinh rồi, mình có nguyện vọng muốn về nước. Ở bên đó không có người thân, khi "vượt cạn" sợ rằng không có ai chăm. Được Nhà nước bố trí chuyến bay về nước, mình mừng muốn khóc" - Huyền xúc động chia sẻ.
Các bà bầu được chăm sóc y tế chu đáo - Ảnh: LÊ TRUNG
Cũng như Huyền, vợ chồng Nguyễn Thị Hằng (33 tuổi, quê Hải Dương) qua Đài Loan làm việc được sáu năm và Hằng đang mang song thai. Tiền lương kiếm được, họ đều gửi về cho ông bà nội nuôi đứa con đầu 12 tuổi. Mấy tháng nay, Hằng đã hết hạn hợp đồng lao động, muốn về quê sinh con thì dịch ập đến, đường bay bị cắt không về được.
"Lâu nay ở bên đó không có việc làm, chồng đi làm để nuôi mình. Khi nghe tin thuộc diện công dân được bố trí về nước, mình mừng rơi nước mắt" - Hằng tâm sự.
Qua Đài Loan làm việc, vợ chồng họ không được ở gần nhau vì chồng làm ở công ty tại địa phương khác, mỗi tuần chỉ bên nhau một, hai lần. Hằng kể chi phí khám chữa bệnh, sinh con ở bên đó đắt đỏ, lại không có người thân bên cạnh lúc "vượt cạn" nên lo lắm. Để được bố trí chuyến bay về nước, Hằng đã đăng ký cách đó một tháng.
"Ở Đài Loan cũng còn nhiều bạn bè mình đang mang thai mong muốn về nước sinh con nhưng phải đợi đến đợt sau. Chuyến này mình về hẳn quê để sinh con rồi ở lại, không sang đó nữa" - Hằng nói.
Những mảnh đời vất vả
Cuộc sống quê nhà khó khăn, những bà bầu ở đây theo chồng sang xứ người làm thuê, nuôi giấc mơ đổi đời. Một số người cho biết họ sinh con xong tiếp tục xa xứ làm ăn và gửi con ở nhà cho ông bà nội, ngoại chăm sóc. Xa con, buồn và thương lắm. Nhưng đó là sự đánh đổi, cha mẹ cực khổ cũng mong sao cuộc sống của con cái sau này tốt hơn.
Vũ Ngọc Diễm (27 tuổi, quê Hải Dương) kể rằng đứa con đầu lòng của cô đã 6 tuổi. Sáu năm trước, sinh con xong cô phải lầm lũi theo chồng qua Đài Loan làm việc, con gửi lại cho ông bà ở nhà chăm sóc.
"Xa con nhớ nó lắm, nhưng vì hoàn cảnh ở quê khó khăn nên vợ chồng mới xa xứ làm ăn" - Diễm bộc bạch.
Giờ đây, cô đang mang thai đứa thứ hai được 31 tuần. Hết hạn hợp đồng lao động, cô muốn về quê hẳn để sinh con, gần gũi chăm sóc, dạy bảo các con. Vì cô biết thiếu vắng tình thương cha mẹ, các con sẽ buồn, thiệt thòi lắm.
Thai phụ Vũ Thị Huyền thêu tranh để tận dụng thời gian cách ly - Ảnh: LÊ TRUNG
Vũ Thị Vinh (30 tuổi, quê Bắc Giang) đang mang thai đứa con thứ ba. Hai đứa trước sau khi sinh xong, cô gửi cho ông bà nội nuôi nấng. Cô kể nhiều đêm bên xứ người, nhớ hai con ở nhà mà nước mắt lăn dài. Nhưng vợ chồng cô quyết tâm làm lụng, cố dành dụm một khoản tiền rồi về quê ở luôn bên các con.
Vinh kể giờ cô quyết định về hẳn, các con cần có người chăm sóc, còn chồng thì ở lại làm việc gửi tiền về. "Hết hạn hợp đồng lao động, cả một tháng nay mình ở tại khu tập thể, không có việc làm. Cũng vì hoàn cảnh này nên mới có nguyện vọng về nước, chứ quả thực chị em mình không muốn làm phiền Nhà nước mình đâu" - Vinh nói.
Những người trở về đợt này, ngoài các bà bầu còn có một số bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, học tập, du lịch, đi thăm người thân bị "mắc kẹt" nhiều tháng tại Đài Loan do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Tuyến (68 tuổi, quê Lâm Đồng) kể rằng cách đây ba tháng con gái (có chồng Đài Loan) sinh con, họ đã sang chăm con cháu. "Bên đó con mình không có người thân, chồng thì suốt ngày bận làm, hai vợ chồng tôi phải sang chăm con cháu. Đến hạn về nước thì bị dịch bệnh nên không về được. Giờ được Nhà nước bố trí chuyến bay về quê hương, vợ chồng tôi mừng lắm" - bà Tuyến thổ lộ.
227 và 64
Đó là số phụ nữ mang thai và cán bộ quân sự, công an, y bác sĩ làm nhiệm vụ chăm sóc tại khu cách ly ở Trường trung cấp Cảnh sát nhân dân 5. Đại tá Nguyễn Quyết Chiến - phó tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam và chỉ huy khu cách ly - cho biết khi có thông báo tiếp đón công dân về nước gồm nhiều phụ nữ mang thai, đơn vị đã chuẩn bị chu đáo để phục vụ đồng bào một cách an toàn, tốt nhất.
Tình đồng bào
Ông Nguyễn Văn Hai - giám đốc Sở Y tế Quảng Nam - cho biết việc đưa những bà bầu về nước là chủ trương nhân văn của Chính phủ trong dịch COVID-19, bởi phần lớn họ là những lao động có hoàn cảnh khó khăn. Các bà bầu được đội ngũ y tế kiểm tra sức khỏe kỹ càng mỗi ngày. Ngành cũng chuẩn bị một khu cách ly tại Trung tâm y tế huyện Thăng Bình, có đội ngũ bác sĩ, y tế để sẵn sàng cho việc sinh con của họ.
Đến chiều 1-6, ông Hai cho biết tất cả 343 người đã được đưa vào khu cách ly, trong đó có những phụ nữ mang thai đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus corona. Trong ngày, một người có dấu hiệu chuyển dạ đã được đưa vào theo dõi tại khu cách ly Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam để sinh con.
Ngoài chế độ quy định của Chính phủ cho người cách ly, Quảng Nam có chế độ ưu tiên hơn cho những thai phụ như họ thèm ăn gì thì sẽ cố gắng phục vụ nhưng phải phù hợp, đồng thời bố trí chỗ ở tốt nhất và việc chăm sóc họ cũng được chú trọng cẩn thận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận