Đó là nhờ nhiều tuyến cao tốc đã thông, chất lượng tàu hỏa được nâng cấp và nhất là kinh tế đang khó khăn nên phải tìm phương tiện hợp túi tiền hơn.
Trong khi đó, sau hai tháng các hãng bay mở bán gần 6 triệu vé Tết 2024, đến nay sức mua vẫn chậm và có lý do giá vé cao, tần suất khai thác của một số hãng sụt giảm mạnh.
Thực tế, tiết kiệm hơn?
Những ngày cuối tháng 10-2023, phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận không khí ga Sài Gòn đã bắt đầu "nóng" lên, khác hẳn các năm trước đó. Từ ngày 20-10, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn mở bán vé Tết và ngay trong ngày đầu mở bán đã có hàng trăm người đến ga để trực tiếp mua vé. Dự kiến sẽ có hơn 200.000 chỗ (10 ngày trước Tết và 15 ngày sau Tết).
Anh Nguyễn Huỳnh Dương (29 tuổi, quê Nghệ An), một người chờ mua vé ở ga này, chia sẻ anh lo ga sẽ đông nghịt khách trong những ngày đầu bán vé nên nghỉ làm việc buổi sáng để đến đây chờ mua vé.
"Lượng khách năm nay cũng đông hơn năm ngoái, nhưng nhìn chung mọi người không phải chờ lâu. Tôi tranh thủ đi mua vé sớm vì để chọn chỗ ngồi hợp lý nhất cho gia đình", anh Dương nói.
Còn chị Trần Thị Huỳnh Nga (cũng quê Nghệ An) cho hay đã đặt và thanh toán thành công vé tàu online và chia sẻ mấy năm trước gia đình chị đi máy bay về quê đón Tết. Tuy nhiên chị hay gặp phải tình trạng quá tải, giá vé cao hoặc hoãn chuyến phải ngồi chờ rất vất vả tại sân bay. Có lần chị đặt sáu vé cho cả nhà bay từ 15h mà đến gần 18h mới cất cánh khiến hai đứa con nhỏ của chị khá mệt mỏi.
Năm nay chị Nga cho cả nhà đi tàu hỏa vì nghe nói chất lượng tàu giờ rất ổn, lại không lo bị "delay". "Hơn nữa, đây cũng là cơ hội cho các con trải nghiệm đường sắt với nhiều khung cảnh thiên nhiên dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam. Tàu hỏa là loại hình gắn liền với nhiều thế hệ xa quê hương vào TP.HCM lập nghiệp. Vì vậy, tôi mong rằng chất lượng tàu có thể được nâng cao để hút khách hơn", chị Nga nói.
Bên cạnh đó, nhiều người "ngán" cảnh săn vé máy bay cũng lên kế hoạch về quê bằng xe đò hoặc tự đi xe cá nhân.
Anh Huỳnh Khải (quê Phú Yên) nhận định hiện nay hàng loạt tuyến đường cao tốc mới đã thông xe, đi vào hoạt động giúp đường bộ thông thoáng hơn. Thời gian đi lại từ TP.HCM về các tỉnh miền Trung, miền Tây... cũng đã được rút ngắn đáng kể.
Tiêu biểu như tuyến Dầu Giây - Phan Thiết, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm... Chính vì vậy, anh Khải cùng nhiều bạn bè quyết định về quê bằng xe đò để tiết kiệm chi phí.
Đường sắt sẽ cố gắng phục vụ
Ông Nguyễn Ánh Luyện, phó giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết đến 15h ngày 29-10, hơn 52.000 vé đã được mua và thanh toán thành công. Đơn vị vẫn còn nhiều vé để người dân có nhu cầu đi tàu, đặc biệt là dịp Tết. Tùy theo nhu cầu của người dân đi lại, ngành đường sắt và công ty sẽ chuẩn bị tối đa về phương tiện, con người để đáp ứng đầy đủ cho người dân trong dịp Tết này.
Hiện tại, giá vé cao nhất tuyến Sài Gòn - Hà Nội khoảng 2.950.000 đồng và thấp nhất là 1.950.000 đồng/vé. Giá vé sẽ có sự điều chỉnh theo diễn biến thị trường và giá nhiên liệu. Dự kiến thời gian cao điểm, giá vé tăng từ 1-4% tùy vào chặng đường, loại tàu mà khách chọn. Tuy nhiên để phục vụ tốt nhất cho người dân, công ty vẫn cố gắng giữ mức giá như trên.
Về thông tin Tết năm nay người dân lựa chọn đi đường sắt nhiều hơn, ông Luyện nhận định năm nay tình hình bán vé ổn hơn so với mọi năm. Tết còn quá xa, vì vậy một số người chưa có quyết định, sắp xếp để đi về quê vào ngày nào.
"Nhu cầu khách tới đâu, ngành đường sắt sẽ cố gắng đáp ứng tới đó, huy động tối đa về nhân lực và phương tiện", ông Luyện khẳng định.
Ông Luyện cho biết thêm người dân cần mua vé tại các điểm bán vé uy tín, tránh mua của cò mồi chợ đen.
"Bây giờ bên ngoài ga thuộc quản lý của chính quyền địa phương. Do đó, công ty cũng không can thiệp được người bán vé chợ đen. Người dân nếu có nhu cầu nên vào trong ga để được nhân viên tư vấn mua vé hoặc qua tổng đài, qua trang web.
Hiện nay vé còn nhiều, không nên nghe theo những người bên ngoài, mất công mua nhầm vé giả, vé không hợp lệ, tốn tiền và có thể lỡ chuyến đi về quê ăn Tết", ông Luyện cho hay.
Theo báo cáo tài chính quý 3-2023 của Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn, doanh thu thuần trong quý 3 đạt hơn 440 tỉ đồng (giảm 13% so với cùng kỳ 2022). Tuy nhiên, lãi sau thuế của doanh nghiệp tăng 129% (lên 43 tỉ đồng).
Con số này là mức lợi nhuận tính theo hằng quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của đơn vị. Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn ghi nhận lũy kế chín tháng đầu năm đạt gần 1.400 tỉ đồng. Còn lãi sau thuế là 81 tỉ đồng (tăng lần lượt 11% và 110% so với cùng kỳ năm ngoái).
Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn lý giải việc doanh thu tăng cao vì chín tháng đầu năm nay nhu cầu đi lại của người dân (bao gồm cả khách du lịch nước ngoài) tăng cao, đặc biệt trong các dịp lễ Tết. Cả doanh thu vé đi tàu và hàng hóa trong chín tháng đầu năm đều có sự tăng trưởng tốt hơn so với mọi năm.
Đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết đơn vị sẽ làm việc với các bến xe, sân bay, ga Sài Gòn... để chuẩn bị cho công tác phục vụ người dân đi lại vào dịp Tết sắp đến. Trong đó, dự kiến lượng khách thông qua bến xe, ga tàu, sân bay... có biến động ra sao thì chuẩn bị sẵn sàng các phương án phục vụ phù hợp.
Các đơn vị thậm chí sẽ có phương án, lộ trình đi lại cho xe cộ ra vào những điểm "nóng" nói trên để tránh tình trạng kẹt xe cản trở bà con về quê đón Tết. Suốt giai đoạn cao điểm, các tổ phản ứng nhanh liên ngành được thành lập để kịp thời phản ứng, xử lý sự cố giao thông nếu có trong thời gian nhanh nhất.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng nhấn mạnh người dân mua vé xe, vé tàu... đúng nơi, đúng giá niêm yết. Người dân tránh mua vé chợ đen, phát hiện nhà xe bán sai giá hoặc "xe dù" thì lập tức báo cơ quan chức năng để có hướng giải quyết.
Vé xe khách trong bến xe còn nguội
Dù đã có nhiều ý kiến cho rằng sẽ chọn xe khách về quê nhưng chiều 30-10 tại một số bến xe liên tỉnh ở TP.HCM, không khí vẫn chưa có quá nhiều thay đổi vì tâm lý chung của người dân cho rằng Tết còn xa, nhu cầu vé xe khách vẫn còn "thong thả". Ghi nhận tại bến xe Miền Đông cho thấy các quầy vé không quá đông, các nhân viên cho biết thường người dân sẽ đặt vé Tết vào sát tháng chạp.
Đại diện bến xe này cho hay lịch nghỉ Tết năm nay kéo dài nên nhu cầu đi lại, nghỉ ngơi của người dân dự kiến tăng cao so với ngày thường. Tuy nhiên, hiện còn khá sớm để dự báo được lượng khách có tăng mạnh hơn so với mọi năm hay không.
"Các ngày lễ Tết cơ bản giống như mọi năm, bến xe Miền Đông sẽ theo dõi thường xuyên tình hình lưu lượng khách từng chuyến xe vận tải trên tuyến để có kế hoạch điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Từ đó, tăng cường phục vụ khách tuyến trọng điểm để giải tỏa khách.
Đồng thời, chúng tôi cũng chủ động phối hợp với các đơn vị vận tải để điều động xe ở các tuyến đường có lượng khách ít (xe hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, xe du lịch hợp đồng...) để tăng cường cho các tuyến đường bị thiếu xe do lượng khách tăng đột biến nhằm đảm bảo giải tỏa và tránh ứ đọng khách tại bến", vị này cho hay.
Tàu hỏa "5 sao" chặng Hà Nội - Đà Nẵng gây ấn tượng
Để tăng chất lượng dịch vụ và thẩm mỹ nhằm thu hút hành khách tuyến Hà Nội - Đà Nẵng, ngày 20-10 vừa qua, đôi tàu SE19 - SE20 với 28 toa xe được cải tạo, nâng cấp thành toa chất lượng cao đã đưa vào khai thác. Những ngày qua, rất nhiều hành khách trong và ngoài nước thích thú trải nghiệm tàu hỏa "5 sao" này.
Các toa tàu được sơn mới, đầu tư trang thiết bị nội thất để nâng cấp các toa ghế ngồi, toa giường nằm, khu vực rửa tay, thay mới chăn drap gối, trang trí lại thành vách toa xe, điều chỉnh được hướng gió của điều hòa nhiệt độ, có bình nước nóng, thiết bị vệ sinh bằng sứ.
Bên cạnh đó, toa hàng ăn được đầu tư làm mới hoàn toàn nội thất để hành khách có thể thoải mái ngồi thưởng thức cà phê hay các bữa ăn trên tàu và ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên bên ngoài. Hành khách đi tàu SE19 - SE20 và các tàu chất lượng cao khác sẽ có phòng ngồi đợi tàu, lối lên tàu riêng và được phục vụ đưa đón tại nhà.
Đội ngũ nhân viên trên tàu (trưởng tàu, nhân viên phục vụ) là những người có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng, kinh nghiệm giao tiếp tốt, có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận