Chốt kiểm soát phòng chống dịch số 1 tỉnh Vĩnh Long vẫn từ chối cho phụ huynh từ TP.HCM vào địa bàn tỉnh này đón con - Ảnh: CHÍ HẠNH
Ngày 4-10, anh T.Q.K. từ TP.HCM về xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long để đón hai con đang kẹt lại ở quê từ tháng 6-2021 bởi dịch COVID-19. Trước khi lên đường đón con, anh K. đã làm các thủ tục theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải TP.HCM và ngành y tế.
Anh K. được Sở Giao thông vận tải cấp giấy đi đường (cho người và xe), có kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19. Con anh K. cũng được xét nghiệm âm tính với COVID-19 để thuận tiện cho quá trình đưa đón trở về TP.HCM.
Hành trình của người cha đi đón con qua được các chốt kiểm soát dịch của các tỉnh Long An, Tiền Giang.
Tuy nhiên, khi xuống dốc cầu Mỹ Thuận (thuộc phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch số 1 chặn lại kiểm tra giấy tờ.
"Mặc chúng tôi trình bày lý do và cung cấp giấy tờ liên quan để được đi đường nhưng CSGT trực chốt từ chối và thông báo buộc phải cách ly 14 ngày. CSGT hướng dẫn nhờ người nhà đưa con từ huyện Trà Ôn lên chốt số 1 hoặc quốc lộ 1, đoạn gần cầu Cần Thơ để bàn giao.
Lực lượng làm nhiệm vụ vẫn từ chối với lý do chưa nhận được chỉ đạo của cấp trên cho các trường hợp được vào địa phương đón con. Vào địa phận, có xét nghiệm âm tính, đã tiêm vắc xin và vẫn phải cách ly", anh K. kể.
Một lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết tỉnh chưa nhận được văn bản phối hợp từ các cơ quan chức năng ở TP.HCM về việc tổ chức cho công dân tự đi đón con đang mắc kẹt do dịch trở về.
"Thời gian qua, Vĩnh Long cũng tổ chức đón công dân về quê, trong đó có rất nhiều trẻ em. Để làm được việc này, tỉnh có văn bản gửi TP.HCM để phối hợp, kèm theo danh sách cụ thể, thời gian đón, điểm đón. Việc phối hợp là để đảm bảo an toàn cho đối tượng đi đón và người được đón" - vị lãnh đạo cho hay.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thùy Trang, tạm trú phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá (Kiên Giang), cho hay con gái 17 tuổi của bà năm nay vào học lớp 12 ở Vĩnh Long. Nhà trường thông báo ngày 8-10 chuẩn bị học tại trường, nhưng giờ không biết xin ai để được đi.
"Có dịch vụ xe chuyển bệnh tư nhân nhưng hợp đồng phải thuê đi TP.HCM giá 7 triệu đồng, mặc dù tôi chỉ đi chưa được nửa đường" - bà Trang kể.
Ông Bùi Trung Thực, phó chủ tịch UBND TP Rạch Giá, vừa ký văn bản quy định người có hộ khẩu muốn đi ra khỏi địa phương này phải lên phường xin giấy và test âm tính COVID-19.
Tỉnh Kiên Giang dù áp dụng chỉ thị 19 nhưng còn một số địa phương thuộc diện nguy cơ rất cao, nguy cơ cao nên nếu đi khỏi địa bàn tới tỉnh khác sẽ phải cách ly.
Cà Mau giải quyết cho dân ra khỏi tỉnh để làm việc, đi học
Ngày 4-10, UBND tỉnh Cà Mau có văn bản "giải quyết nhu cầu ra khỏi tỉnh của người dân".
Theo đó, tỉnh thống nhất việc di chuyển ra khỏi tỉnh mà không phải cấp giấy đi đường đối với các trường hợp: người dân, người lao động, học sinh, sinh viên, các chuyên gia... do giãn cách xã hội phải ở lại Cà Mau, nay có nhu cầu về lại nơi cư trú hay đến các tỉnh, thành phố khác để nhập học, lao động, công tác và không quay lại Cà Mau.
Trường hợp địa phương nơi đến yêu cầu phải có văn bản cho phép của UBND tỉnh Cà Mau thì liên hệ với Văn phòng UBND tỉnh để được hướng dẫn cụ thể.
Tất cả trường hợp di chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh phải có giấy cam kết (đánh máy hay viết tay) di chuyển đúng lộ trình, địa điểm đến và thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của tỉnh, thành phố nơi công dân đến; có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 (test nhanh hoặc xét nghiệm PCR).
C.QUỐC
Thăm dò ý kiến
Hiện nay vẫn còn rất nhiều học sinh, người dân TP.HCM bị kẹt lại các tỉnh thành do dịch. Theo bạn:
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận