08/01/2022 09:59 GMT+7

Về quê ăn Tết an toàn

H.ĐỒNG - L.ANH - K.TÂM - B.ĐẤU - T.LŨY - C.CÔNG
H.ĐỒNG - L.ANH - K.TÂM - B.ĐẤU - T.LŨY - C.CÔNG

TTO - Những ngày qua, việc một số địa phương có thư vận động người dân không nên về quê ăn Tết hay có một số quy định khác về xét nghiệm, cách ly... gây ra nhiều ngại ngần cho người dân chuẩn bị về quê ăn Tết.

Về quê ăn Tết an toàn - Ảnh 1.

Người dân mua vé tại ga Sài Gòn (quận 3, TP.HCM) sáng 7-1 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Không ít người ngại ngần khi trở về quê có bị cách ly hay không, cũng có người lo lắng khi về quê đây đó sẽ có tình trạng có ánh nhìn không hay với người trở về từ các đô thị lớn. Trong khi trước đó nghị quyết 128 của Chính phủ đã quy định về việc linh hoạt, thích ứng với dịch bệnh.

Hiện tình hình dịch ở các địa phương khá tương tự nhau, ca mắc cộng đồng ghi nhận ở nhiều tỉnh thành, vì thế nên áp dụng các biện pháp tương tự nhau, việc cách ly người từ vùng dịch này sang vùng dịch khác là không có nhiều ý nghĩa.

Một chuyên gia y tế

Huyện Thiệu Hóa: hộ dân cho người về ăn Tết phải ký cam kết

Tại Thanh Hóa, không chỉ TP Thanh Hóa có thư ngỏ vận động, khuyến cáo người dân đi làm ăn xa ở vùng có dịch COVID-19 không về quê dịp Tết Nhâm Dần nếu không thực sự cần thiết mà còn có nhiều huyện khác. 

Là nơi cũng phát thư ngỏ, ông Lê Xuân Hùng - phó bí thư thường trực Huyện ủy Nông Cống - khẳng định nội dung bức thư ngỏ của huyện chỉ mang tính chất vận động, khuyến cáo, huyện không cấm người dân đi lại, về thăm gia đình, chúc Tết người thân khi Tết đến, xuân về. 

"Nếu thư ngỏ gây hiểu nhầm thì chúng tôi sẽ bàn bạc trong thường trực Huyện ủy để có điều chỉnh phù hợp, để người dân khi trở về quê hương đón Tết vui vẻ, mạnh khỏe" - ông Hùng cho biết thêm.

Huyện Ngọc Lặc không có thư ngỏ mà sẽ thống kê, quản lý, giám sát người đi làm ăn xa, học tập từ các vùng có dịch COVID-19 trở về địa phương được giao cho tổ giám sát COVID-19 cộng đồng và trạm y tế cơ sở đảm nhiệm. 

Từ việc khai báo y tế của người dân, huyện sẽ quyết định có xét nghiệm nhanh hay không và kinh phí này do huyện chi trả. 

"Việc vận động người thân đi làm ăn xa, học tập, sinh sống ở những vùng có dịch COVID-19 có về quê đón Tết hay không thì để gia đình của họ ở địa phương tự làm, tự khuyến cáo" - ông Bùi Huy Toàn, chủ tịch UBND huyện, chia sẻ.

Chiều 7-1, huyện Thiệu Hóa cũng cho biết huyện đã lập được danh sách số bà con muốn về quê dịp Tết để quản lý việc khai báo y tế từ cơ sở. 

Huyện sẽ cho từng hộ dân có người thân đi làm ăn xa về đón Tết ký cam kết không tổ chức tập trung đông người ăn uống, nhậu nhẹt linh đình để phòng tránh dịch.

Miền Tây: cứ về và thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch

Ông Trần Văn Lâu, chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, số ca mắc giảm sâu, Sóc Trăng hạ cấp độ dịch từ "vùng cam" xuống "vùng vàng", riêng toàn TP Sóc Trăng là "vùng xanh". 

"Tết đang cận kề nên tỉnh đã điều chỉnh cấp độ dịch để khôi phục sản xuất, kinh doanh cho người dân. Tỉnh sẵn sàng tạo điều kiện cho người dân đón Tết an vui nhưng bà con cũng cần thực hiện nghiêm các biện pháp 5K" - ông Lâu đề nghị.

Ông Châu Văn Ly, giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang, nói đến nay An Giang "chưa có yêu cầu gì đối với bà con ở TP.HCM hay các tỉnh. Nếu bà con về quê ăn Tết phải đảm bảo theo quy định phòng chống dịch COVID-19 là được". 

Còn ông Đoàn Tấn Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cũng nói: "Chúng tôi khuyến khích bà con nếu có điều kiện thì về quê ăn Tết nhưng phải đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 theo quy định".

Tương tự, ông Phạm Phú Trường Giang - phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Cần Thơ - cho rằng dịp Tết cổ truyền sắp tới, trong bối cảnh chúng ta đang chung sống với virus mà vẫn phát triển theo nhịp sống bình thường thì ngành y tế không khuyến cáo theo kiểu cấm dân về quê ăn Tết được. Chỉ lưu ý việc đi lại, về quê đón Tết bà con cần cân nhắc phương án hợp lý nhất. 

Khi về quê, người dân cần tuân thủ theo các hướng dẫn của ngành y tế tại địa phương như khai báo y tế qua app; khai báo tại cơ sở y tế gần nhất; tiêm ngừa đầy đủ theo khuyến cáo; tuân thủ theo dõi sức khỏe tại nhà (nếu về từ vùng có dịch đang nguy cơ cao)...

Tại Kiên Giang, ông Đặng Hồng Sơn - giám đốc Sở LĐ-TB&XH - cũng cho rằng hiện cuộc sống đã "bình thường mới" và đặc biệt Tết cận kề, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bà con đi làm ăn xa ở Bình Dương, TP.HCM... về quê ăn Tết đoàn viên sum vầy cùng gia đình và bạn bè. 

"Dịch bệnh COVID-19 làm ảnh hưởng chung nhưng Tết cổ truyền đến thì địa phương sẵn sàng tạo điều kiện để đón dân về quê ăn Tết" - ông Sơn nói.

Về quê ăn Tết an toàn - Ảnh 3.

Người dân về quê ăn Tết bằng xe khách tại bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Áp dụng đúng hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế

Nằm sát Hà Nội nên số lượng người Hà Nam ở Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác đều rất đông, giao thông lại tiện nên hầu hết các gia đình làm ăn xa quê đều có nhu cầu về thăm gia đình dịp Tết.

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nam Trương Thanh Phòng chia sẻ dù hướng dẫn thích ứng an toàn với dịch (hướng dẫn 4800) của Bộ Y tế cho phép các địa phương có thể điều chỉnh tùy tình hình, nhưng Hà Nam đang áp dụng đúng yêu cầu trong hướng dẫn 4800, tức là chỉ cách ly y tế với người đến từ vùng dịch cấp độ 4 hoặc vùng đang cách ly y tế. 

"Các khu vực khác chúng tôi hướng dẫn người dân khai báo y tế, sau đó cơ quan y tế sẽ nắm được người về từ vùng nào, nguy cơ ra sao và từ đó phân loại để quản lý, chúng tôi không yêu cầu chung" - ông Phòng nói.

Trả lời Tuổi Trẻ về các biện pháp phòng chống dịch (dự kiến) khác nhau ở các địa phương - đặc biệt vào dịp Tết cao hơn quy định trong hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế, cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Thị Liên Hương cho biết nếu địa phương áp dụng mức cao hơn (hướng dẫn 4800 chỉ yêu cầu cách ly với người từ vùng dịch cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế) thì phải có đề nghị gửi Bộ Y tế.

Bà Hương cho biết đến nay mọi quy định để áp dụng các biện pháp y tế vẫn thực hiện theo hướng dẫn 4800. Tuy nhiên, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo mới thay thế 4800 để thích ứng với tình hình dịch hiện nay. 

Theo một chuyên gia của Bộ Y tế, dự thảo mới quy định rõ ràng hơn về tiêu chí khả năng thu dung điều trị, số giường hồi sức cấp cứu, số ca mắc mới/tuần.

Quảng Nam: chủ động và tạo yên tâm hơn thôi

Là một địa phương cũng gửi thư ngỏ, ông Lê Trí Thanh - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - chia sẻ dịp Tết bà con về quê là bình thường, tỉnh chỉ khuyến cáo những người ở vùng dịch (vùng cam, đỏ) nên hạn chế nếu không thực sự cần thiết chứ không cấm.

"Điều này vừa thực hiện chủ động trong phòng chống dịch vừa tạo yên tâm cho bà con đón Tết yên vui. Tôi nghĩ bà con sẽ hiểu thôi, tỉnh chỉ khuyến cáo chứ không cấm" - ông Thanh lý giải.

Anh Nguyễn Văn Danh (Đà Nẵng): một năm lo lắng, dồn hết yêu thương cho Tết

Trong dây chuyền sản xuất của tôi cũng từng có ca mắc COVID nên tôi hiểu hết những phiền phức một khi có ai đó là F0.

Nhưng bây giờ hầu như tất cả các địa phương đều đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người dân, cũng đã đến lúc giải tỏa căng thẳng cho những nhớ thương, nhất là những người xa quê như tôi.

Hơn 7 tháng trời, nhiều thời điểm dù rất nhớ vợ con nhưng tôi không dám về quê ở Quảng Trị. Tôi muốn dồn hết nhớ thương cho chuyến về nghỉ Tết, nên khi công ty cho nghỉ tôi sẽ chạy xe máy về nhà.

Anh Đào Văn Hùng (quê Thanh Hóa): lý do thiết yếu khó giãi bày

Việc đưa ra khuyến cáo chung vận động bà con ngoại tỉnh không về sum vầy dịp Tết sẽ gây tổn thương cho người xa quê. Chính quyền nói lý do thiết yếu, lý do cần thiết mới về thì khó ai có thể trình bày đầy đủ. Trong năm qua gia đình tôi có người qua đời nhưng tôi không về được để đưa tang. Tôi muốn tranh thủ dịp nghỉ Tết để thắp cho người thân một nén nhang.

L.TRUNG - TR.TRUNG ghi

Hẹn cha mẹ đến mùa hè

Chị Đỗ Thị Hằng (35 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM) cho biết thời điểm này năm ngoái, cả gia đình đã đặt vé máy bay hoặc vé tàu để về quê Hà Nam, nhưng năm nay mọi dự định về quê của gia đình đã bị phá vỡ.

Nhà có 2 ông bà đã lớn tuổi, trước sự hoành hành của dịch bệnh, còn mới xuất hiện thêm biến chủng mới, quy định cách ly của mỗi địa phương mỗi khác chưa rõ ràng nên cả nhà chị và em dâu 8 người đã quyết định ở lại TP.HCM ăn Tết.

Là giáo viên dạy yoga, dịch khiến công việc gián đoạn, chỉ quanh quẩn tại nhà do vậy thu nhập cũng không có, tiền thưởng Tết thì không có với một công việc tự do, cả nhà đều trông vào nguồn thu duy nhất của chồng chị tại công ty.

Chị Hằng lo lắng thêm về việc mình có 2 cháu nhỏ chưa được tiêm vắc xin vì chưa đủ tuổi, nên nhỡ không may trên đường có xảy ra chuyện gì khổ cả gia đình lẫn ông bà.

"Không về ông bà buồn lắm nhưng cũng giải thích nên mọi người đều thông cảm, gia đình đành hứa hẹn cha mẹ vào một mùa hè gần nhất" - chị Hằng nói.

T.HIẾN

Tự do đi lại thì tự ý thức

photo-1

Người dân về quê miền Tây trên tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua huyện Bình Chánh) vào chiều 7-1 - Ảnh: NHẬT THỊNH

Tại Hải Phòng và Thái Bình, do không còn chốt kiểm soát y tế ở các cửa ngõ ra vào như trước kia nên người dân có thể đi lại tự do.

Ông Phạm Quang Hòa - giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình - cho biết tỉnh chỉ yêu cầu cách ly tại nhà đối với người trở về từ vùng đỏ, những người về từ các vùng khác chỉ đề nghị tự theo dõi sức khỏe, hạn chế di chuyển và nên chủ động tầm soát COVID-19 thông qua xét nghiệm nhanh là tốt nhất. Người về từ vùng đỏ thì đòi hỏi sự giám sát chặt hơn của chính quyền địa phương.

Lãnh đạo Hải Phòng cũng cho rằng việc phòng chống dịch hiện nay phụ thuộc nhiều vào ý thức tự giác của mỗi người dân, giữ gìn sức khỏe cho chính bản thân và gia đình bởi lực lượng chức năng cũng không thể mỗi ngày rà soát, bao quát được hết người trở về.

Tại tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Ký - bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh - yêu cầu ban chỉ đạo, trung tâm chỉ huy cấp huyện, cấp xã phải tăng cường giám sát tại cộng đồng từ xa, từ cơ sở để phát hiện sớm nhất tất cả các trường hợp nghi ngờ, điều trị và khoanh vùng sớm.

Đối với việc đi lại của người dân thực hiện theo đúng nghị quyết 128 của Chính phủ và ông Ký đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm tự phòng, tự tránh, tự bảo vệ bản thân và mỗi cộng đồng dân cư; khuyến khích tối đa hằng ngày người dân tự làm xét nghiệm nhanh.

"Ở thời điểm này, mỗi người dân có vai trò quyết định đối với công tác phòng chống dịch. Mọi người dân cần thay đổi nhận thức để đảm bảo an toàn trước dịch bệnh, nhất là tuân thủ nghiêm quy định 5K; gương mẫu trong việc khai báo y tế, quét mã QR.

Khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở thực hiện xét nghiệm nhanh tại nhà, đến cơ sở y tế" - ông Ký nhấn mạnh.

TIẾN THẮNG

Ráng cày cục để về quê ăn Tết: Người chắt chiu tiền về, kẻ hẹn mùa sau Ráng cày cục để về quê ăn Tết: Người chắt chiu tiền về, kẻ hẹn mùa sau

TTO - Mong ước sum họp gia đình sau một năm dịch giã, nhiều lao động ngoại tỉnh ở TP.HCM đang cố xoay xở nhiều cách, thậm chí cầm cố, vay mượn làm lộ phí về quê. Song cũng có người đành hẹn năm sau...

H.ĐỒNG - L.ANH - K.TÂM - B.ĐẤU - T.LŨY - C.CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên