TTCT - Mỗi lần đón bạn bè, đồng nghiệp là dân Quảng Nam xa quê về lại, câu đầu tiên sau cái bắt tay chào hỏi là “đi mô tìm tô mì Quảng ăn hè”. Dường như với những người Quảng xa quê, nỗi nhớ quê và những hồi ức tuổi thơ đọng lại rất cụ thể qua tô mì Quảng. Phóng to Minh họa: Salem Mì Quảng là tên gọi của một món ăn đã quá quen thuộc trong đời sống hằng ngày của cư dân xứ Quảng Nam - Đà Nẵng. Dân Quảng gốc chỉ gọi một từ là mì. Danh xưng mì Quảng chỉ xuất hiện khi dân Quảng trên đường vào Nam làm ăn, đem theo món ăn truyền thống của quê mình - và gọi tên mì Quảng để phân biệt với các loại mì xíu, mì hoành thánh, mì xào giòn... của người Hoa. Sài Gòn là vùng đất mở, đã hào phóng tiếp nhận những con dân xứ Quảng và không phân biệt gốc gác, xuất thân, mì Quảng cũng ngang hàng với các món ăn của bốn phương hội tụ về. Ở đâu có người Quảng Nam cư ngụ ở đó có mì Quảng và ngược lại. Và hễ nhớ quê thì bà con lại í ới nhau đi ăn mì. Từ đó có câu hát vui: “Mì tôm anh Tốm Quảng Nôm/Khi mô đói bụng vô lồm một tô”. Quê ngoại tôi ở làng Phú Chiêm - vốn được gọi là xứ mì Quảng vì hầu hết đàn bà con gái ở đây đều nấu mì rất ngon và lấy gánh mì làm kế sinh nhai. Cứ sáng sớm, hàng chục gánh mì theo chân các bà, các chị kẽo kẹt ra khỏi lũy tre làng, tỏa về các hướng Hội An, Tam Kỳ, Đà Nẵng... đem cái ngon của sợi mì tráng bằng gạo quê được thoa một lớp dầu phụng khử với củ nén thơm lừng, cái ngọt đậm đà của nồi nước nhưn nấu bằng tôm tươi với thịt heo ba chỉ, mùi thơm của mớ rau sống quyện với vị ngọt của bắp chuối sứ mới hái từ vườn... đến với phố phường nhộn nhịp. Tất cả cái ngon của sản vật đất đai, sông hồ như gom hết vào một tô mì. Những năm còn đi học, cứ mùa hè tôi theo ghe của chị ngược lên núi kiếm củi về bán lấy tiền mua sách vở. Mỗi lần ghe của gia đình tôi cập bến Bãi Hoa (thôn Hội Khách, xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc) kiểu gì cũng phải ăn mì cá rồi mới thả xuôi. Quán mì lợp tranh lụp xụp trên bãi cạn, bàn ăn ghép bằng cây rừng, ghế cũng bằng cây rừng cột dây mây, khách sơn tràng ngồi ăn chen chúc bỏ cả hai chân lên ghế bên cạnh là lò tráng mì nghi ngút khói. Bà chủ quán vừa tráng mì, vừa nấu nước nhưn bằng cá leo, rau sống chỉ có thân chuối rừng, nhưng vị ngon của tô mì ăn ở trên bãi cát giữa sông nước như theo tôi suốt mấy chục năm qua. Ở Sài Gòn cũng có mì Quảng với đủ các nguyên liệu như ở chính quê nhà. Cũng mì, cũng nước nhưn nấu bằng tôm, cua, thịt heo, thịt gà, cá lóc..., cũng rau húng, cải con, bắp chuối sứ, cũng ớt xanh, đậu phụng rang, bánh tráng nướng đưa từ Đà Nẵng vào, nhưng sao tô mì không ngon như khi mẹ nấu. Nhiều anh chị ở Sài Gòn lâu năm cũng nhận xét như vậy khi trở về quê ăn mì Quảng. Chợt nhận ra tô mì Quảng trong hoài niệm ngon hơn, hấp dẫn hơn và thôi thúc mình trở về quê nhà. Về chỉ để ăn ngấu nghiến một tô mì, để hít hà vị cay của ớt xanh và uống một hơi bát nước chè xanh mẹ nấu trong ấm đất, rồi nằm trên bộ phản gỗ giữa nhà nghe làn gió mát rượi từ sông Thu Bồn thổi qua, nghe tiếng gà gáy trưa xao xác ngoài bờ rào để thấy mình hạnh phúc vì còn một nơi chốn để trở về. Chiếc cầu 20 bước chân Cây cầu dài đúng 20 bước chân. Chắc thế. Tôi chưa bước qua nó lần nào nên áng chừng bằng mắt. Một bên cầu có một cánh cửa sắt to, mắt lưới hẹp, nhưng cũng đan bằng bản sắt to không kém khung cửa. Khóa chặt. Phía bên này cầu là khu du lịch to nhất nhì nằm ngay cửa ngõ thành phố, tận dụng mọi lợi thế của hồ, sông, nước và làn gió của sông Sài Gòn đổ vào. Ở đó có những ngôi nhà trên tầng 15 ngắm mây bay, vài cô gái váy ngắn chạy bộ tung tăng trong khu du lịch. Mở cửa ra, đi qua 20 bước chân, kết thúc cây cầu, là một dòng kênh màu đen thuần túy, chứa hằng hà sa số những búi rác ngột ngạt lấp đầy tất cả những cái chân nhà được gia cố một cách chắp vá xuống mặt nước. Đó là khu ổ chuột. Với vài người đàn ông có ánh mắt mệt mỏi và làn da thẫm sì đang đẩy những chiếc xe hoa quả kêu cút kít một cách ngột ngạt. Hai bên của cây cầu 20 bước chân. TTCT cảm ơn các bạn: Sơn Khê, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Hương, Lê Phương, Lê Tấn Thời, Trung Oanh, Hoài Sang... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: [email protected], mục Nhật ký thành phố. Tags: Nhật ký thành phố
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.