Phố Hàng Bè - Tranh: Trần Thị Thanh Thủy
Được trình bày song ngữ Anh - Việt trong dạng artbook, sách tập hợp hơn 200 bức tranh ký họa bằng nhiều chất liệu và những bài viết giàu cảm xúc về phố cổ Hà Nội trong dòng chảy thời gian, gắn với những nét đẹp văn hóa, lịch sử và quá trình đô thị hóa.
Đây cũng là ấn phẩm kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng thủ đô (10-10-1954), và là sản phẩm ra đời ngay sau khi nhóm tác giả được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 12 năm 2019.
Phố cổ Hà Nội - Kí họa và hồi ức là nơi gặp nhau của những tấm lòng yêu Hà Nội tha thiết, không chỉ thế, từ những tác phẩm ký họa đến những trang viết tâm sự cho thấy có một Hà Nội đáng yêu sống động trong lòng người qua nhiều thế hệ (tác giả nhỏ nhất chỉ mới 8 tuổi), đến từ nhiều ngành nghề: họa sĩ, kiến trúc sư, chuyên gia, nhà văn, nhà báo, hay đơn giản chỉ là một người Hà Nội...
Phố Hàng Thùng - Tranh: Trần Kim Oanh
Tập sách cũng mang lại những thông tin cơ bản về lịch sử hình thành phố cổ Hà Nội: Khởi đầu từ sự quần tụ của những phố nghề, phường hội thủ công và buôn bán tại ngã ba sông, nơi gặp nhau của sông Tô Lịch (cổ) và sông Hồng, dần dà trở thành một nơi chốn lừng danh gọi là "Kẻ Chợ" ở chốn Thăng Long xưa.
Thời cận hiện đại, phố cổ Hà Nội đã trải qua nhiều lần biến đổi: từ các chương trình cải tạo và chỉnh trang đô thị những năm 1900; quá trình thống nhất đất nước và sự tái phân bố nhà đất; "Đổi mới" và bùng nổ thị trường hàng hóa dịch vụ; toàn cầu hóa và kinh tế du lịch...
Ở mỗi giai đoạn, phố cổ Hà Nội đều ghi dấu những biến đổi khác nhau cả về mô hình kinh tế, mật độ cư dân, văn hóa và kiến trúc. Nhưng vẻ đẹp của phố cổ Hà Nội trên 1.000 năm tuổi vẫn có một sức hút khó cưỡng đến từ sự hòa quyện của những giá trị truyền thống, cổ xưa với hơi thở của cuộc sống đương đại.
Trong dòng cảm xúc đó, các tác giả ký họa ghi lại những nét đẹp của phố Hà Nội: những tên tuổi Bát Đàn, Cao Thắng, Cổng Đục, Chả Cá, Chân Cầm, Lý Quốc Sư, Chợ Gạo, Gầm Cầu..., những cửa hàng, cửa hiệu san sát, bày bán cả trên vỉa hè, những ngôi nhà nhỏ với màu sơn vàng quen thuộc và hàng dây điện bắc qua, những công trình kiến trúc đã ngàn năm nằm bên những khách sạn, siêu thị, nhà hàng... mới xây dựng.
Lần giở từng trang sách, chúng ta sẽ có những cảm nhận riêng về phố cổ Hà Nội, nhưng chắc chắn là mỗi chúng ta sẽ thêm yêu Hà Nội hơn.
GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông - phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam
Bạn đọc sẽ bắt gặp họa sĩ Nguyễn Thành Phong tìm về vẻ đẹp của những làng nghề, phường hội trong phố Hà Nội xưa; kiến trúc sư Nguyễn Quang Minh say mê với sự duyên dáng của nhà Pháp trong phố cổ Hà Nội; Đỗ Đình Ngân nhớ lại một tuổi thơ trong trẻo nơi ngõ Phất Lộc, với những ngôi nhà có "lỗ thủng".
Một Hà Nội như mơ như thực về đêm trở lại trong ký ức của tác giả Nguyễn Mạnh Tuấn; nhà văn Nguyễn Trương Quý lại tìm về nguồn cảm hứng vẽ phố Hà Nội của các họa sĩ trong quá khứ, và trong dòng chảy đương đại...
Và sách còn dành một phần riêng giới thiệu về Đình trong phố cổ Hà Nội, gắn với tín ngưỡng thờ cúng, sự đa dạng của các phường nghề... là những di sản quý giá cần được trân trọng và giữ gìn.
Sách vừa ra mắt bạn đọc cả nước - Ảnh: K.Đ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận