Để canh tác được trên vùng đất này, người dân lèn từng khe đá để gieo hạt - Ảnh: ĐỨC LẬP
Xã Buôn Choah nằm gần như trọn vẹn trên khu vực phun trào núi lửa, nơi hình thành hang động Krông Nô – hang động dài, đẹp nhất Đông Nam Á - với hàng triệu viên nham thạch xếp dày trên mặt đất. Nếu vào mùa khô, nhìn từ chân lên đỉnh đồi, đâu đâu cũng một màu đen của đá, không ai nghĩ sẽ có mầm xanh được phủ kín nơi đây.
Hiện nay trên diện tích núi đá, người dân đã chuyển đổi sang các cây chịu hạn nhưng năng suất không cao vì khan hiếm nước - Ảnh: LINH ĐAN
Do diện tích đất thịt sát bờ sông Krông Nô quá ít, người dân phải canh tác thêm "trên đá" để trồng hoa màu. Mỗi năm, sau khi mưa xuống, bà con dùng cây tre nhọn đầu, lèn vào từng khe đá mà thọc lỗ, rồi cúi thật sát đất để bỏ từng hạt bắp, hạt đậu để gieo mầm xanh.
Người dân Buôn Choah canh tác hết sức khó khăn vì thiếu nước... - VIDEO: LINH ĐAN
Canh tác vất vả nhưng mỗi năm cũng đem lại cho người dân hàng trăm tấn đậu, bắp, tạo nguồn thu đáng kể cho người dân ở đây…
Ông Nông Văn Chon cho biết canh tác, mưu sinh trên núi đá vô cùng khó khăn - Ảnh: LINH ĐAN
"Nhưng gieo hạt xong cũng phải phó mặc cho trời vì ở khu vực này nước tưới vô cùng khan hiếm, quá xa dòng sông, không có ao hồ vì bề mặt toàn đá. Mấy năm gần đây, một số hộ dân lên đây khoan giếng để có nước tưới nhưng phần lớn đều không có nước. Nhiều hộ cũng chuyển đổi sang cây lâu năm để ít phải tưới hơn nhưng thiếu nước, cây trồng cũng ít năng suất", ông Nông Văn Chon, trú thôn 1 xã Buôn Choah, cho biết.
Trường THCS Buôn Choah cũng được xây dựng trên khu vực dày đặc đá, nguồn nước rất khan hiếm
Về khu dân cư, nước sinh hoạt cũng là một khó khăn của địa phương này. Năm 2004, Chính phủ Đan Mạch tài trợ một công trình nước sạch nhưng chỉ đáp ứng một phần nhỏ dân số ở đây. Phần còn lại từ trường học, trạm y tế và người dân đều phải khoan giếng để khơi dòng, lấy nước sinh hoạt.
Giếng nước của Trường THCS Buôn Choah đã nhiễm phèn nặng - Ảnh: LINH ĐAN
Tài trợ công trình nước sạch cho Trường học
Không chỉ người dân thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, các trường học cũng hết sức chất vật vơi nguồn nước. Nhiều trường học tại Buôn Choah đã khoan giếng gần bờ sông để lấy nước đưa lên máy lọc cho học sinh uống, và vệ sinh. Thế nhưng chẳng bao lâu thì giếng nước nhiễm phèn, rửa tay cũng đầy mùi hôi.
Tại Trường THCS Buôn Choah cũng có một giếng khoan nhưng đến nay đã bị nhiễm phèn nặng. "Nước chỉ dùng rửa tay, dội vệ sinh chứ cũng không thể lọc vì máy sẽ rất nhanh hư", anh Nguyễn Văn Nam, bí thư đoàn xã Buôn Choah nói.
Hiểu được nỗi vất vả đó, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với tỉnh đoàn Đắk Nông hỗ trợ Trường THCS Buôn Choah một công trình nước sạch bao gồm một giếng khoan, trạm bơm, bồn chứa để nước phục vụ 97 hộ dân và Trường THCS Buôn Choah.
Dự án nằm trong Chương trình "Sẻ chia nước sạch" 2018 do báo Tuổi Trẻ phát động với sự đồng hành của nhãn hàng Comfort 1 lần xả, Công ty Unilever nhằm hỗ trợ nước sạch cho người dân vùng sâu vùng xa, vùng hạn mặn, thiếu nước sinh hoạt...
Ông Lương Văn Đoàn, chủ tịch UBND xã Buôn Choah, cho biết địa phương đang đối mặt với một tình huống hết sức khó khăn, đó là nhiều giếng nước đang bị tụt mạch ngầm do đây là vùng đất núi lửa. Một số giếng khoan gần bờ sông Krông Nô hiện nay đã có tình trạng nhiễm phèn, không sử dụng được.
Một vòi nước duy nhất để thầy cô giáo, học sinh sử dụng còn "đảm bảo vệ sinh" lấy nhờ từ một hộ dân sau trường - Ảnh: LINH ĐAN
"Hiện nay nhiều giếng trong xã múc lên nước vẫn trong nhưng khi đun sôi thì nước đổi màu đục ngầu. Về mặt cảm quan thấy vậy nhưng xã không đủ chuyên môn, kinh phí để đi kiểm tra nên cũng đành phải sử dụng nguồn nước khan hiếm này. Vậy nên địa phương rất mong có thêm nhiều công trình nước sạch, đạt chuẩn để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân", ông Đoàn mong mỏi.
Ông Lương Văn Đoàn cho biết toàn xã có diện tích hơn 4.600ha nhưng chỉ khoảng 1.000ha trồng hoa màu gần bờ sông thuận lợi, diện tích còn lại là núi đá, khan hiếm nước - Ảnh: LINH ĐAN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận