Về nhiệt độ ở eo biển Đài Loan

DANH ĐỨC 18/10/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Thỏa thuận với ông Tập Cận Bình được ông Joe Biden công khai tuần rồi đã ngay tức khắc khiến tình hình Đài Loan đang nóng hổi bỗng nhẹ nhàng hơn. Điều gì đã và sẽ xảy ra?

“Tôi đã nói chuyện với ông Tập về Đài Loan. Chúng tôi đồng ý... sẽ tuân theo thỏa thuận Đài Loan”, Tổng thống Mỹ Biden bất ngờ tiết lộ hôm thứ ba tuần rồi 5-10 giữa lúc máy bay chiến đấu của Trung Quốc mấy ngày qua bay thành đoàn hướng về Đài Loan. 

Một phi đội phản lực chiến đấu của Trung Quốc sắp xuất kích. Ảnh: globaltimes.cn

 

Ông Biden cho biết thêm: “Chúng tôi đã nói rõ rằng tôi không nghĩ ông ấy nên làm bất cứ điều gì khác ngoài việc tuân thủ thỏa thuận Đài Loan”. 

Như một cây đũa thần, những tiết lộ của ông Biden đã khiến tình hình eo biển Đài Loan dịu lại hẳn, ngày Song Thập 10-10, ngày lễ chính thức lớn của Đài Loan, đã yên tĩnh hơn mong đợi.

Nguy cơ trước ngày Song Thập

Hôm mà ông Biden thuật lại thỏa thuận với ông Tập 6-10, căng thẳng giữa Đài Bắc và Bắc Kinh đang “ở mức tồi tệ nhất trong hơn 40 năm qua”, người đứng đầu cơ quan quân sự Đài Loan Chiu Kuo-cheng (Khâu Quốc Chính) cho biết. 

Lý do là gần đây các máy bay quân sự Trung Quốc đã gia tăng xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo này, NPR News của Mỹ thuật lại, kèm nhận xét: “Mặc dù đã không có phát súng nào được bắn, nhưng Đài Loan nói gần 150 máy bay thuộc lực lượng Không quân Trung Quốc đã vào khu vực này trong khoảng thời gian 4 ngày kể từ thứ sáu tuần trước [1-10], một phần của chiến lược mà Đài Loan gọi là “chiến lược quấy rối””.

Thật ra, từ tháng 9-2020, không quân đại lục đã bắt đầu thao dợt tấn công vào Đài Loan, với những bài tập trong đó các máy bay chuyên không chiến như J-10 và J-11 được tung đến các khu vực mà đối phương có lực lượng yếu thế hơn như Tân Trúc và Đài Trung, Global Times 20-9-2020 cho biết.

Những động thái đó khiến ông Khâu Quốc Chính, sinh năm 1953, đánh giá tình hình là “nghiêm trọng nhất trong hơn 40 năm” kể từ khi ông gia nhập quân đội. 

Có lẽ giai đoạn mà ông cho là còn nghiêm trọng hơn hiện giờ là cuộc khủng hoảng Đài Loan lần thứ ba 21-7-1995 tới 23-3-1996, vốn căng thẳng hơn hai lần trước đó 1954 - 1955 và 1958, đi kèm là các cuộc nã pháo qua lại hằng ngày vào các đảo Kim Môn, cách thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến chỉ 10km; và Mã Tổ, cách thành phố Phúc Châu khoảng 50km, song lại cách đảo chính Đài Loan cả trăm cây số.

Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhất nổ ra năm 1954 sau khi Tưởng Giới Thạch cho xây dựng nhiều công trình trên hai đảo Mã Tổ và Kim Môn. 

Với Bắc Kinh, đây là hành động khiêu khích. Tưởng Giới Thạch khi đó đã yêu cầu Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower hỗ trợ theo tinh thần Hiệp ước phòng thủ Mỹ - Đài Loan 1954, dù hiệp ước này không nêu rõ Hoa Kỳ cam kết bảo vệ các đảo nói trên.

Hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ đã được phái đến. Tháng 1-1955, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua “Nghị quyết Formosa” (Formosa là một tên gọi khác của Đài Loan), trao cho Tổng thống Eisenhower toàn quyền bảo vệ Đài Loan và các đảo xa bờ. 

Đổi lại, Tưởng Giới Thạch đồng ý rút quân khỏi quần đảo Đại Trần, ngoài khơi Chiết Giang, như một chút xuống thang.

Tại Hội nghị Á - Phi tháng 4-1955 ở Bandung, Indonesia, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên bố mong muốn đàm phán với Hoa Kỳ. 

5 tháng sau, hai bên bắt đầu đàm phán tại Geneva để giải quyết vấn đề hồi hương công dân, và thảo luận về ngăn chặn sự leo thang xung đột trong tương lai.

Đến năm 1958, vào lúc quốc tế đang tập trung chú ý vào sự can thiệp của Hoa Kỳ ở Lebanon, Bắc Kinh ra lệnh nã pháo trở lại vào Kim Môn và Mã Tổ lúc đó đang kẹt tiếp tế. 

Cuộc khủng hoảng lần thứ nhì nổ ra. Một lần nữa, Tổng thống Eisenhower sắp xếp việc cung ứng cho các đơn vị đồn trú của Đài Loan ở hai đảo này, và xoa dịu cuộc khủng hoảng.

Đừng phạm điều tối kỵ!

Nói chung kịch bản của các cuộc khủng hoảng Đài Loan khá giống nhau: có một chút gì “lỏng lẻo” giữa Mỹ và Đài Loan; Đài Loan thể hiện một hành động khiêu khích nào đó, đại lục liền ra tay; song, cuối cùng đàm thoại Mỹ - Trung sẽ giải tỏa khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng lần thứ ba năm 1996 cũng vậy.

Năm đó Đài Loan lần đầu tiên kể từ 1948 tổ chức bầu cử trực tiếp chức vụ người đứng đầu hòn đảo. 

Sự phá lệ đó “chọc giận” Bắc Kinh vô cùng khi tạo ra sự tương phản quá rõ ràng và tất nhiên vi phạm chính sách “Một Trung Quốc”. 

Thế là đại lục “thử tên lửa” với điểm rơi quanh Đài Loan từ 21-7-1995, tức từ trước bầu cử, tới 23-3-1996, tức cho tới ngày bầu cử.

Cũng những năm đó, người sẽ chiến thắng cuộc bầu cử lịch sử, ông Lý Đăng Huy, thêm dầu vào lửa khi đòi nhập cảnh Mỹ thăm “trường cũ” (Đại học Cornell). 

Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết cho phép ông này nhập cảnh với tỉ lệ phiếu 396-0 ở Hạ viện và 97-1 ở Thượng viện. Không lạ khi tên lửa bay tới tấp quanh Đài Loan.

Để rồi đến tháng 3-1996, Tổng thống Mỹ Bill Clinton phái hai nhóm tàu sân bay USS Independence và USS Nimitz tới đây. 

Cuộc bầu cử yên ổn diễn ra, thu hút 76% cử tri tham gia, ông Lý thắng với đa số tuyệt đối 54%. 21 năm sau, National Interests 10-3-2017 rút ra kết luận: “Theo các nhà sử học, đe dọa quân sự từ Trung Quốc đã giúp ông Lý tăng 5 điểm phần trăm trong cuộc bầu cử ngày 23-3”!

Cuộc khủng hoảng lần thứ tư đã không nổ ra tháng 10 năm nay, song so với ba cuộc khủng hoảng trước cũng cho thấy nhiều điều.

Thứ nhất là không thể giỡn mặt với Trung Quốc được, nhất là khi nay thế và lực của họ đã khác xưa. 

Điều đó thể hiện ít nhiều từ năm ngoái, khi đại dịch bắt đầu và Đài Loan được xem là hình mẫu chống dịch và muốn gia nhập Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mà với Bắc Kinh là sự khiêu khích “không thể tha thứ”, và là sự vi phạm chính sách “Một Trung Quốc” (tương tự là vụ gia nhập CPTPP đang lừng khừng, dù có lẽ ở một mức độ thấp hơn).

Thứ hai là Mỹ đang có những tính toán mới. Sự ưu ái Đài Loan từ thời Tổng thống Donald Trump, kéo dài sang thời Biden là điều khiến Bắc Kinh không thể chấp nhận. 

Việc năm ngoái Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Alex Azar cùng Thứ trưởng Ngoại giao Keith Krach bay sang Đài Loan là một trong những “vi phạm” khó chịu nhất với Bắc Kinh. 

Cần nhắc, từ năm 1979 - khi Washington cắt đứt quan hệ với Đài Bắc và công nhận Bắc Kinh là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc - đến đó, không một quan chức nào của Hoa Kỳ đến Đài Loan nữa.

Thứ ba là chuyện năm 2020, Mỹ bán cho Đài Loan số vũ khí trị giá 5,1 tỉ USD, bao gồm 2,4 tỉ USD cho 100 hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển, và 1,8 tỉ USD cho các hệ thống tên lửa phòng thủ tầm xa (Reuters 8-12-2020).

Thứ tư, dù nói và làm ngược ông Trump trong nhiều chuyện, ông Biden đang tiếp nối “di sản của người tiền nhiệm” về Đài Loan, nói như Hannah Grothusen của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế hôm 20-8, tức chính sách của Mỹ với Đài Loan là lâu dài, nhất quán, dù cho dưới chính quyền nào.

Cuối cùng là việc ngoài Mỹ, một số nước khác cũng đang “gần gũi” Đài Loan hơn, mà mới nhất là việc hôm 1-9, Ủy ban Đối ngoại Nghị viện EU thông qua báo cáo về điều chỉnh quan hệ chính trị EU - Đài Loan, với 60 phiếu thuận, 4 phiếu chống và 6 phiếu trắng.

Hòa giải

Chính trong bầu không khí hừng hực đó, ông Biden tiết lộ nội dung đàm đạo với ông Tập: hai bên nay cam kết giữ vững thỏa thuận Đài Loan. 

Thỏa thuận này như thế nào? Reuters khi loan tin trên hôm 5-10 đã bình luận: “Có vẻ như Biden đang đề cập đến chính sách “Một Trung Quốc” lâu đời của Washington, theo đó họ chính thức công nhận Bắc Kinh, chứ không phải Đài Bắc, và Đạo luật quan hệ với Đài Loan, trong đó nói rõ quyết định của Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh thay vì Đài Loan là phụ thuộc vào kỳ vọng rằng tương lai của Đài Loan sẽ được xác định bằng các biện pháp hòa bình”.

Việc ông Biden chọn ngày 7-10 tuần rồi để công bố thỏa thuận với ông Tập cũng là có tính toán: 3 ngày trước lễ Song Thập của Đài Loan, đồng thời là kỷ niệm Cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc. Đến ngày 9-10, tới phiên ông Tập có dịp tuyên bố: “Thống nhất Đài Loan một cách hòa bình sẽ phục vụ lợi ích dân tộc Trung Hoa”.

Sự nhất trí đó chính là quay trở lại với vị trí chính thức của Trung Quốc trong chính sách “Một Trung Quốc” không suy suyển và Đài Loan “về chỗ cũ”. 

Cần nhắc, đạo luật Đài Loan năm 1979 có cả lá phiếu của ông Biden, khi đó là thượng nghị sĩ, bao gồm nhiều điều khoản bảo vệ Đài Loan dù khẳng định rõ thiết lập quan hệ với Trung Quốc. Nôm na mà nói, Đài Loan giống như một loại “tiểu tam”, “trà xanh” trong quan hệ Trung - Mỹ vậy!

Tương quan không quân

Ngày 1-10 (Quốc khánh Trung Quốc), 38 máy bay Trung Quốc xuất hiện, qua thứ bảy 2-10 tăng lên 39 chiếc, sang thứ ba 5-10 là 56 chiếc, một kỷ lục. Các máy bay được huy động gồm đủ loại: máy bay chiến đấu J-16 và Su-30, máy bay tuần thám Y-9, máy bay cảnh báo sớm KJ-500, máy bay ném bom H-6... 

Cán cân lực lượng nghiêng hẳn về phía không quân đại lục không chỉ về quân số, mà cả về chủng loại máy bay.

J-16 do Trung Quốc tự sản xuất, được Trung Quốc đánh giá là “tiên tiến hơn dòng Su-30 do Nga sản xuất một thế hệ” (Global Times 25-3), còn H-6 là máy bay ném bom sao chép từ dòng Tu-16 của Nga, mang cả tên lửa siêu âm có thể bắn trúng mục tiêu cách xa 3.000km. 

Bên phía Đài Loan, không quân chỉ có trong tay những chiếc F-16 đời A/B của Mỹ mua từ thời Reagan, Mirage 2000 của Pháp cũng đã lỗi thời và dàn máy bay nội địa F-CK-1C/D.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận