Đề tài gia đình, tình yêu... với tất cả những cung bậc cảm xúc đều dễ chạm đến khán giả. Trong ảnh: cảnh trong phim Về nhà đi con - Ảnh: ĐPCC
Còn với khán giả, Về nhà đi con nhanh chóng được bình chọn là "bộ phim quốc dân", như ý kiến khán giả: phim dành cho triệu gia đình, mỗi tình tiết là một bài học, mỗi lời thoại là lời nhắc nhở.
Nhưng sự thành công của Về nhà đi con khiến giới làm phim càng có dịp nhìn về đường dài phía trước.
Lối thoát chưa có?
Theo những người trong nghề, sự thành công này một phần bởi do đây là sản phẩm của VFC - đơn vị trực thuộc Đài truyền hình VTV. Hãng phim này đang có những sự bứt phá rõ rệt trong việc giành thị phần khán giả. Ngoài "ông trùm" VFC, các hãng phim khác vẫn đang hoạt động khó khăn, chưa tìm ra lối thoát.
Nhìn lại một số phim phát sóng gần đây như Đảo khát, Sống gượng, Tình mẫu tử, Oan trái nghĩa tình... đều được sản xuất từ 2-3 năm trước. Bà Bích Liên - giám đốc Công ty Mega GS, ở góc độ kinh doanh - cho biết việc phát sóng chậm trễ như vậy ảnh hưởng rất nhiều đến việc kinh doanh của công ty.
Bà lý giải: "Mỗi phim chúng tôi bỏ cả chục tỉ đồng cho khoảng 30 tập phim. Phim chậm phát sóng tức là số tiền đầu tư ấy bị đóng băng. Sau khi phim phát sóng, cùng lắm lời được 1 tỉ đồng, chưa trừ các khoản chi tiêu khác. Nếu số tiền này đưa vào ngân hàng để lấy lãi thì số tiền lời nhiều hơn sản xuất nhiều lần".
Và để tránh bị lỗ, nhiều công ty đã siết lại ngân sách làm phim. Tiền ít, dĩ nhiên phim khó làm cho tới. Đạo diễn Minh Cao chua xót nhận định khán giả chê phim Việt cũng đúng thôi. Một tập phim dài 42 phút, đoàn phim khống chế quay một ngày rưỡi, kịch bản có 22 phân đoạn.
Có những phân đoạn dài 4-5 phút chỉ có mỗi cảnh các nhân vật thoại với nhau. Còn nếu mỗi tập có 28-30 phân đoạn, để khán giả không bị chán phải quay hai ngày rưỡi, mà số tiền chi sản xuất không đủ!
Về câu chuyện kinh phí, đạo diễn Võ Thanh Hòa cũng chia sẻ: "Tôi được biết ở Hàn Quốc, các nhà sản xuất, biên kịch có thể ngồi "chung mâm" với nhà đài cùng bàn bạc, thương lượng số tiền mỗi bên nhận khi phim phát sóng. Nếu số lượng người xem cao, cả hai được hưởng lợi và ngược lại. Ở Việt Nam bao năm qua, số tiền nhà đài trả cho các hãng phim vẫn không thay đổi trong khi vật giá, catsê ngày càng tăng, thử hỏi làm sao có phim hay".
Mặt khác, theo đạo diễn Minh Cao, phim Việt đang vướng chuyện kiểm duyệt. Chính vì lo sợ trách nhiệm nên nhiều yếu tố có vẻ "nguy hiểm" đã bị chặn ngay từ trứng nước, khiến phim đôi khi chẳng có gì để xem vì sạch sẽ quá...
Đề tài gia đình, tình yêu... với tất cả những cung bậc cảm xúc đều dễ chạm đến khán giả. Trong ảnh: cảnh trong phim Tiếng sét trong mưa - Ảnh: ĐPCC
Tự cứu mình
Nói về tương lai của phim truyền hình Việt, đạo diễn Võ Thanh Hòa tự tin rằng sau những ngày u ám, phim Việt phải thay đổi. Chìa khóa quan trọng nhất chính là sự đầu tư vào kịch bản. Truyền hình miền Nam không có lớp "biên kịch vàng" nên một số hãng phim đang tự lập ra tổ biên kịch, tìm những cộng tác viên làm việc theo nhóm.
"Trước đây các nhà biên kịch sau khi tham gia khóa học, dựa trên những gì tích lũy, họ sẽ viết kịch bản phim. Bây giờ khác, biên kịch cần tìm hiểu nhu cầu khán giả là gì, sau đó mỗi người đưa ra những phương án giải quyết phù hợp, rồi lựa chi tiết đắt giá nhất đưa vào kịch bản. Cách làm này đòi hỏi tinh thần làm việc tập thể cao" - đạo diễn Võ Thanh Hòa cho hay.
Bên cạnh yếu tố kịch bản, hình ảnh trong phim cần được chăm chút hơn. Điều đó khiến các đạo diễn tuy đau đầu nhưng phải rất cố gắng. Trong buổi họp báo ra mắt phim Tiếng sét trong mưa (lên sóng THVL1 từ ngày 2-9), đạo diễn Nguyễn Phương Điền bật khóc nhớ lại quá trình làm phim.
Anh kể vì muốn hình ảnh trong phim phải mới lạ hơn nên đoàn phim lùng sục nhiều nơi tìm bối cảnh. Khi tìm được thì phải tính kỹ để chi phí không bị lố với số tiền đầu tư.
"Tôi tìm ra ngôi nhà xưa kiểu dáng đẹp, khi đề nghị thuê quay phim, ông chủ người nước ngoài đưa ra giá là 18 triệu đồng/ngày, đoàn phim không kham nổi. Tôi năn nỉ vợ ông ấy vốn là người Việt và nhận được sự giúp đỡ, số tiền giảm xuống một nửa, còn 9 triệu đồng/ngày. Mọi người phải quay từ sáng đến khuya để không trễ lịch, vậy mà cũng bị dư ra mấy ngày".
Phim truyền hình Việt có khiến khán giả dõi theo, có khiến họ mang phim vào bữa cơm gia đình, thành "món ngon" để cùng đàm luận hay không... rất cần những sự tự cứu mình thật quyết liệt!
Phim truyền hình Hàn cũng gặp khó
Theo thông tin trên www.koreatimes.co.kr thì ba ông lớn KBS, MBC, SBS cũng lên kế hoạch cắt giảm sản xuất phim truyền hình vì lý do tài chính. Một số đơn vị đang tìm các chương trình thay thế để giảm bớt gánh nặng chi phí.
Khoản lỗ hoạt động của KBS được ghi nhận là 58,5 tỉ won (48 triệu đôla) vào năm ngoái và ước tính sẽ tăng trong năm nay. Khoản lỗ hoạt động của MBC năm ngoái là 123,7 tỉ won (102 triệu đôla), cao hơn 80,6 tỉ won (66 triệu đôla) so với năm trước... Nguyên nhân của các khoản lỗ là do một số phim truyền hình đình đám gây thất vọng, tỉ suất người xem giảm...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận