Phim (trái) và Tình mẫu tử khai thác hình ảnh cao đẹp của bậc làm cha làm mẹ
Cùng với Về nhà đi con trên VTV, các đài truyền hình hiện cùng đang phát sóng các phim mang chủ đề gia đình.
Khán giả quan tâm những giá trị trong đời sống gia đình
Lấy bối cảnh miền Tây Nam Bộ thời Pháp thuộc, Tình mẫu tử (đã phát trên kênh THVL1 hơn 10 tập) là câu chuyện xoay quanh gia đình bà Sáu với bốn người con Mai, Điểu, Tùng, Lộc.
Hình ảnh người mẹ VN nghèo khó nhưng dành tình yêu thương bao la cho các con được khắc họa qua diễn xuất của nghệ sĩ Kim Xuân lấy đi bao nước mắt của khán giả.
Xem phim, không ít khán giả cũng bày tỏ sự bất mãn với cách đối xử tệ bạc của con dâu với mẹ chồng và cả sự ích kỷ, hẹp hòi của những người con đối với chính mẹ ruột của mình.
Phim Tình mẫu tử - Ảnh: T.L
Hay trên kênh SCTV14 là câu chuyện của Tiên - cô gái trẻ vướng vào những mối quan hệ rắc rối từ cha mẹ mình trong bộ phim Vòng tròn tội lỗi. Cô trở thành nạn nhân của cha dượng rồi trượt dài với những âm mưu trả thù không lối thoát...
Với những dự án phim đang sản xuất, đề tài gia đình vẫn chiếm ưu thế, đáng lưu ý là phần 2 của Gạo nếp gạo tẻ đang được nhà sản xuất khởi động. Bộ phim này được xem là một trong những dự án lớn của HTV2 trong năm 2019, tiếp tục khai thác sâu câu chuyện gia đình.
Phim Vua bánh mì - bộ phim lột tả câu chuyện kinh doanh thực phẩm, những cuộc tranh giành quyền lực, vật chất, tiền bạc trong một gia đình quyền thế - cũng đang được ghi hình...
Câu chuyện hấp dẫn, cảnh đẹp, diễn viên diễn xuất tốt, ăn ý... là những yếu tố tạo nên một bộ phim hay. Tuy nhiên, với phim về đề tài gia đình, bấy nhiêu có lẽ chưa đủ.
Biên kịch Minh Diệu nhận định: "Những va chạm, mâu thuẫn về quan điểm sống trong gia đình vẫn là vấn đề muôn thuở và vẫn luôn thu hút khán giả. Vấn đề là biên kịch có "chạm" được cảm xúc, lý giải được căn nguyên và vẽ được bức tranh để ai cũng thấy mình trong đó, soi mình trong tấm gương phản chiếu đó không?
Gần đây, tôi thấy những "hot trend" thu hút giới trẻ lại là những giá trị đẹp trong đời sống gia đình".
Phim Về nhà đi con - Ảnh: T.L
Một mỏ đề tài gần gũi chờ các biên kịch
Về nhà đi con được khán giả yêu thích bởi phim rất "đời", họ thấy chuyện trong phim cũng xảy ra đâu đó trong chính gia đình mình hay xung quanh mình, như nhiều ý kiến khán giả viết trên trang fanpage của phim. Đặc biệt, Về nhà đi con có nhiều chi tiết mang hơi thở, quan niệm của thời đại mới.
Như chuyện Dương yêu bố của bạn thân nhưng chị và bố Sơn không hề rao giảng những bài học đạo đức thường thấy mà khuyên giải, giúp đỡ Dương hiểu ra chuyện. Hay mới đây, chuyện bố Sơn khuyên con rể nên nhanh chóng ly dị con gái mình cũng khác với "truyền thống" khuyên con hãy hi sinh, giữ gia đình êm ấm cho con cái...
Trên hết, mỗi nhân vật trong phim đều có tính cách rõ ràng, ai cũng có những lỗi lầm và ai cũng có điểm đáng được trân trọng. Ai ngờ một ông chồng vũ phu, tệ bạc như Khải đến phút cuối lại trở nên đẹp đẽ trong mắt bao nhiêu khán giả.
Trailer Về nhà đi con
Sự bất ngờ này khiến Về nhà đi con mang đậm tính nhân văn. Xem phim, ngoài yếu tố giải trí nhẹ nhàng, khán giả tự đúc rút cho mình nhiều bài học sâu sắc về cách làm cha làm mẹ.
Theo dõi phim Về nhà đi con, với vai trò nhà sản xuất phim ở nhiều hãng phim khác nhau, bà Kiều Nhi cho biết bà khá thích thú với những câu thoại đời thường của phim.
Đánh giá tốt sự chuyên nghiệp của nhóm biên kịch của phim này, bà Kiều Nhi cũng cho rằng ở miền Nam không có lớp đào tạo biên kịch chính thống, đội ngũ biên kịch chủ yếu là tự học nên còn yếu chuyên môn; nhiều bạn biên kịch còn trẻ nên thiếu vốn sống, sự trải nghiệm...
Vì thế nhiều kịch bản còn hời hợt, chưa thật sự nắm bắt được hơi thở của cuộc sống hiện nay.
Nhìn lại những phim đề tài gia đình vừa qua ít nhiều thành công trong việc chinh phục khán giả, hi vọng các biên kịch, nhà làm phim Việt có thể khai thác sâu sắc và tinh tế hơn đề tài gần gũi này để "giành" lại khán giả cho phim truyền hình Việt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận