Về nhà đi con ngoại truyện là một trong những phim được tìm kiếm nhiều nhất trên Google - Ảnh: VTV
Ý kiến này được đưa ra tại hội thảo "Sản xuất và phân phối nội dung truyền hình trên môi trường Internet" vừa diễn ra ngày 12-12 tại Nha Trang, Khánh Hòa, trong khuôn khổ Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 39.
Ông Chiến cho biết tỉ lệ người xem truyền hình của người Việt năm 2013 là 74%, đến năm 2019 giảm xuống còn 61%.
Với người dân Việt Nam, xu hướng xem VOD (truyền hình video theo yêu cầu, cho phép người dùng có thể lựa chọn nội dung mình muốn xem qua tivi hoặc máy tính) là xu hướng phổ biến, bên cạnh các kênh truyền hình truyền thống: 9/10 khán giả Việt Nam xem VOD ở mọi thể loại, 67% khán giả xem VOD ít nhất một lần/ngày….
Một minh chứng còn nóng hổi mới đây, trong danh sách Google công bố danh sách tìm kiếm nổi bật Việt Nam 2019, có phim Về nhà đi con tập ngoại truyện.
Điều thú vị là phim này được sản xuất sau phim Về nhà đi con "chính thống", thời lượng ngắn hơn, cách thể hiện cũng khác và được phát trên hệ thống Internet của VTV chứ không phải truyền hình truyền thống.
Bà Trần Thanh Nhã - đại diện Đài phát thanh - truyền hình Hậu Giang - một trong ba đài truyền hình có lượng người xem mạnh nhất tại thị trường Cần Thơ, cho biết đang có những bước phát triển mạnh mẽ trong việc phát triển nền tảng số.
Bà Nhã nhấn mạnh truyền hình Internet loại hình truyền hình đầu tư ít nhưng hiệu quả cao, có ưu điểm bất cứ nơi đâu có thể xem được và tương tác với khán giả dễ dàng.
Bà Nguyễn Lệ Quyên, trung tâm tin tức VTV24 - Đài truyền hình Việt Nam, cho biết bây giờ khi sản xuất chương trình, nội dung được quan tâm trước nhất đó là phát trên Internet rồi sau đó mới đến truyền hình truyền thống.
Để làm được những chương trình như vậy, quan trọng là phải hiểu khán giả trên Internet khác với khán giả truyền thống như thế nào, đồng thời các chương trình cũng cần đeo bám, bắt xu hướng với giới trẻ thì hiệu quả mới tốt.
Các khách mời trả lời câu hỏi trong hội thảo - Ảnh: HOÀNG LÊ
Ông Phạm Anh Chiến đề cập đến 7 giây quý báu: "Nếu như một chương trình phát trên truyền hình truyền thống sau vài phút sẽ biết chương trình có hấp dẫn với khán giả không, thì với chương trình phát trên Internet con số đó chỉ là 7 giây".
Vì thế, theo ông Chiến, cách làm chương trình phát trên Internet sẽ khác hơn so với chương trình trên truyền hình truyền thống.
Các ý kiến cho rằng việc kinh doanh trên truyền hình Internet vẫn chưa phải là mục tiêu quan trọng để các nhà đài hướng đến mà mục tiêu chính hiện nay của truyền hình Internet là tương tác nhanh và thu hút khán giả, vì thế nếu người xem ngày càng nhiều, việc kinh doanh các chương trình trên Internet cũng trở nên dễ dàng hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận