24/04/2019 17:46 GMT+7

‘Về nhà đi con’: khán giả khóc cùng người làm phim theo mỗi tập

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - ‘Về nhà đi con’ không chỉ khiến khán giả say sưa mà còn khiến chính đội ngũ làm phim bị hấp dẫn để khóc cười cùng nhân vật.

Trailer Về nhà đi con

Nhiều khán giả khóc rưng rức trước cảnh người vợ qua đời để lại người chồng chật vật nuôi ba cô con gái nhỏ. Biên kịch dù đã thuộc lòng kịch bản nhưng khi ngồi xem lại phim vẫn đầy xúc động bởi những xử lý của đạo diễn và diễn viên.

Nước mắt gà trống - Hoàng Dũng bật cười

Về nhà đi con theo dự định ban đầu của nhà sản xuất là remake (làm lại) bộ phim truyền hình Khi người đàn ông góa vợ bật khóc được phát sóng năm 2013. Bởi bộ phim này có đề tài gia đình gần gũi vẫn còn nhiều đất để khai thác.

Nhưng khi đọc lại kịch bản, nhóm biên kịch đã quyết định chỉ giữ lại môtip một người đàn ông góa vợ ở vậy nuôi ba cô con gái, và giữ lại một số tình huống của bộ phim cũ, còn lại làm mới hoàn toàn. Nên cuối bộ phim có ghi "Lấy cảm hứng từ bộ phim Khi người đàn ông góa vợ bật khóc".

‘Về nhà đi con’: khán giả khóc cùng người làm phim theo mỗi tập - Ảnh 2.

NSND Trung Anh vào vai người đàn ông góa vợ, ở vậy nuôi ba cô con gái trong "Về nhà đi con" - Ảnh: VTV

Về nhà đi con lúc mới thai nghén được đặt tên tạm là Nước mắt của gà trống khiến NSND Hoàng Dũng khi nhận được kịch bản bật cười "đây là kịch bản phim hoạt hình à?". Sau đó, trong quá trình tìm một cái tên chính thức, đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã gợi ý cho nhóm biên kịch cái tên Về nhà đi con.

"Chúng tôi đã đồng ý ngay vì cảm thấy đó là cái tên quá hợp. Trong phim cả ba cô con gái đều từng bị cuộc đời đánh cho bầm dập. Mỗi lần các cô ấy tưởng như bơ vơ chống chếnh nhất, thì người bố đều nói câu "Về nhà đi con".

Đó là một câu nói chan chứa tình cảm, cho thấy dù cuộc đời ngoài kia khắc nghiệt như thế nào, cha mẹ cũng là người chở che, là nơi cuối cùng ta có thể nương náu. Về sau, có rất nhiều khán giả chia sẻ rằng, sự cảm tình đầu tiên của họ đến từ tên phim, cảm giác từ tên phim đã thấy gần gũi và ấm áp", biên kịch Nguyễn Thu Thủy nói.

‘Về nhà đi con’: khán giả khóc cùng người làm phim theo mỗi tập - Ảnh 3.

Từ trái qua: Bảo Thanh, Bảo Hân, Thu Quỳnh thủ vai ba cô con gái - Ảnh: VTV

Biên kịch khóc cười với nhân vật

Được giao nhiệm vụ làm phim "mở hàng" cho khung giờ dành cho phim truyền hình 30 phút/ tập trên VTV1, nhóm biên kịch Về nhà đi con phải viết rất tập trung để có kịch bản đưa vào sản xuất sớm.

Họ định hình rằng đây sẽ là câu chuyện một ông bố vượt qua nỗi đau, để nuôi ba cô con gái trưởng thành. Mỗi cô con gái trong gia đình này sẽ là một tính cách thật đặc biệt. Người nhẫn nhịn, người thực tế, người bất cần. Và người cha của ba cô con gái chính là sự tổng hòa của tính cách những cô con gái, nên ông sẽ là một nhân vật đặc biệt.

‘Về nhà đi con’: khán giả khóc cùng người làm phim theo mỗi tập - Ảnh 4.

Mỗi cô con gái một tính cách đem lại màu sắc sinh động cho bộ phim - Ảnh: VTV

Khi làm việc, chúng tôi không ngừng tranh cãi để tìm ra mạch phát triển tốt nhất của nhân vật và câu chuyện; thậm chí cười đùa và đưa cả những tật xấu của biên kịch vào phim. Nhưng, cũng có khi, vừa bàn đến một tình huống cảm động, cả nhóm đã lặng đi, và có người đã khóc. Chính những nhân vật, với sức sống riêng đã tự va chạm, từ xung đột, tự kéo mạch phim đi.

Nguyễn Thu Thủy, biên kịch và biên tập viên chính của bộ phim chia sẻ.

Với phim 30 phút/tập, đội ngũ biên kịch ban đầu khá lo lắng, vì thời lượng càng ngắn thì chuyện phải càng hay, tiết tấu phải tăng, phải có nhiều kịch tính, luôn cần phải có cái cho khán giả xem. Nhưng sau đó họ thích nghi khá nhanh, và bị cuốn vào nhịp điệu của kịch bản với khung giờ khác biệt này.

Diễn viên hồi hộp về số phận của mình

Khi biên kịch "phiêu" như vậy, các diễn viên cũng cảm thấy tò mò với "số phận" của họ ở trên phim. NSND Trung Anh từng nói anh khóc rất nhiều khi đọc kịch bản, và có những cú ngoặt của kịch bản khiến anh rất bất ngờ.

Với riêng nhân vật ông Sơn, NSND Trung Anh luôn trăn trở trao đổi với biên kịch về chặng cuối của nhân vật, để ông Sơn có được sự "về đích" trọn vẹn nhất.

‘Về nhà đi con’: khán giả khóc cùng người làm phim theo mỗi tập - Ảnh 6.

Vẻ khắc khổ của NSND Trung Anh rất hợp vai ông Sơn. Anh còn thêm màu sắc hài hước cho vai này - Ảnh: VTV

Còn Bảo Thanh khi đọc 50 tập kịch bản thì vẫn đầy hồi hộp, cảm thấy "li kì với từng câu thoại" và không biết câu chuyện sẽ dẫn đến đâu, thậm chí, cô liên tục hỏi biên kịch về số phận của nhân vật Anh Thư do cô đảm nhận.

Theo tiết lộ của biên kịch, vào giai đoạn giữa của phim sẽ có một nhân vật đặc biệt xuất hiện. Nhân vật này có thể khá "phi thực tế" trong đời sống, nhưng lại phù hợp với logic tâm lí. Đây cũng là nhân vật sẽ tạo nên những tình huống đột biến và cảm động cho bộ phim.

Trong quá trình viết, biên kịch cũng tìm cách khai thác thế mạnh của diễn viên để bổ sung cho nhân vật. Sau khi xem clip Bảo Hân (vai Dương) thể hiện giọng hát khá hay trên mạng xã hội, họ đã xây dựng thêm các tình huống để nhân vật Dương có cơ hội tỏa sáng ở khả năng đặc biệt này.

NSND Trung Anh cho biết một ông bố như ông Sơn thì phải có đủ sự cứng cỏi, và cả hài hước để đi qua đời sống khó khăn này. Thực tế, vai diễn của NSND Trung Anh đã để lại rất nhiều sự thiện cảm cho khán giả.

Về nhà đi con dự kiến dài 68 tập, mỗi tập 30 phút, phát sóng vào 21 giờ các ngày từ thứ hai đến thứ sáu, bắt đầu từ ngày 8-4. Bộ phim đã phát sóng qua tập thứ 10.

Thành phần làm phim Về nhà đi con

Đạo diễn: Nguyễn Danh Dũng.

Diễn viên: NSƯT Trung Anh, Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Bảo Hân

Biên kịch: Thủy Vũ, Khánh Hà, Thu Trang, Thủy Tiên.

Biên tập viên: Nguyễn Thu Thủy.

Phim truyền hình tết: Hài hước và thời sự

TTO - 5 phim truyền hình tết đã và đang hoàn tất để đến với khán giả màn ảnh nhỏ ngày xuân. Đáng lưu ý là bên cạnh việc khai thác tiếng cười, một số phim “đá xoáy” vào các vấn đề xã hội như nạn mê tín dị đoan, chuyện báo động về thực phẩm độc hại...

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên