25/06/2019 08:41 GMT+7

Về nhà đi con: Khán giả khóc, cả đoàn phim cũng khóc

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Đoàn làm phim Về nhà đi con đã đóng máy, đạo diễn về quê nghỉ dưỡng đào ao bắt cá, biên kịch tiếp tục cày cuốc kịch bản mới, diễn viên chuẩn bị cho phim mới… Còn bộ phim vẫn đang 'sốt' trên sóng.

Trailer "Về nhà đi con" - Video: VTV

Xem trailer và trích đoạn phim, cả nhóm cảm thấy rất lo vì mạch cảm xúc chưa tốt, màu phim hơi tối, đề tài không mới, không biết khán giả sẽ đón nhận thế nào? Đến khi xem tập 1 chúng tôi mới thở phào.

Khi họp báo ra mắt phim, biên kịch Nguyễn Thu Thủy khá lo lắng

Dù chỉ là một phim gia đình giản dị, nhưng Về nhà đi con đề cập đến câu chuyện phổ biến của các gia đình thời hiện đại, chạm đến cảm xúc của nhiều cha mẹ và con cái, do đó đã tạo nên một làn sóng hâm mộ rất lớn.

Tuổi Trẻ Online trò chuyện với đoàn làm phim khi bộ phim đã đóng máy.

Vừa làm vừa canh khán giả

Về nhà đi con có trọng trách "mở hàng" cho khung giờ phim truyền hình 30 phút trên VTV1 nên êkíp bị áp lực khá lớn. Dù bắt tay vào việc với quyết tâm cao nhất, nhưng ban đầu êkíp Về nhà đi con không ai dám chắc về mức độ ăn khách của bộ phim.

Về nhà đi con: Khán giả khóc, cả đoàn phim cũng khóc - Ảnh 3.

Ba cô con gái trong "Về nhà đi con" do Thu Quỳnh, Bảo Hân, Bảo Thanh (từ trái sang) đóng - Ảnh: VTV

Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng đã lên dây cót tinh thần cho cả đoàn: "Phim này vừa quay vừa phát sóng nên nếu phản ứng của khán giả sau 20 tập đầu tốt thì chúng ta sẽ bị áp lực phải làm tốt hơn nữa. Nếu phản ứng không tốt thì đừng nhụt chí, phải tiếp tục chiến đấu".

Phim quay theo hình thức cuốn chiếu, vừa phát sóng, vừa ghi hình nên rất áp lực, vất vả. Có giai đoạn cả đoàn ốm như ngả rạ. Biên kịch Nguyễn Thu Thủy cúm mất 10 ngày, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng ho suốt, một thành viên nhóm sản xuất bị chảy máu dạ dày. Việc ghi hình giai đoạn sau khó khăn gấp bội vì bộ phim đã rất nổi tiếng.

Về nhà đi con: Khán giả khóc, cả đoàn phim cũng khóc - Ảnh 4.

Mỗi lần quay ngoại cảnh diễn viên phải rất tập trung vì khán giả tới xem rất đông - Ảnh: VTV

Cứ quay ngoại cảnh là bị khán giả xúm lại chụp ảnh, quay phim. Dù đoàn làm phim van xin, nhưng không thể bảo tất cả mọi người phải giữ bí mật nội dung được, nên đành sống chung với lũ. Anh quay phim gạo cội của đoàn nói cả đời làm phim chưa bao giờ thấy vừa cảm động, vừa áp lực khi "bị" công chúng yêu mến như thế này!

Biên kịch Nguyễn Thu Thủy

Có một điều thú vị là không chỉ biên kịch xúc động với chính kịch bản họ viết, mà còn "lây lan" cảm xúc đó cho đạo diễn, diễn viên và các thành phần của đoàn làm phim. Từ sự đồng cảm, đoàn Về nhà đi con đã tạo ra một bộ phim gần gũi như chính câu chuyện gia đình họ.

Nhóm biên kịch nhiều lần khóc khi viết về ông Sơn. Đây là một bộ phim mà nhân vật người mẹ đã mất, nhưng hình ảnh của bà luôn hiện hữu, và những phân đoạn nhắc đến bà nhiều lần khiến nhóm biên kịch rơi nước mắt.

Về nhà đi con: Khán giả khóc, cả đoàn phim cũng khóc - Ảnh 6.

Câu chuyện về người đàn ông góa vợ nuôi ba đứa con gái lớn trưởng thành đã làm khán giả xúc động - Ảnh: VTV

"Trong đoàn có chị hóa trang bố vừa mới mất 1-2 năm, chị ấy nói kịch bản đã khiến chị rất xúc động vì nhớ bố. Bảo Thanh nhiều lần gửi cho tôi hình ảnh mắt cô ấy đỏ lên vì khóc trên trường quay", biên kịch Nguyễn Thu Thủy nói.

Có rất nhiều cảnh quay cả đoàn nước mắt sụt sùi, có những công nhân kĩ thuật xúc động quá quên mất cả công việc của mình. Tôi là đạo diễn phải kiềm chế cảm xúc nhưng có cảnh cũng cảm thấy cổ họng mình nghèn nghẹn.

Đạo diễn Danh Dũng chia sẻ.

Vị đạo diễn này cho biết bộ phim thành công bởi vì cả đoàn làm phim coi nhau như gia đình, hết lòng sáng tạo để đem tới cho khán giả sản phẩm tốt nhất.

Ba cái tát là quá đủ

"Thuyền trưởng" của Về nhà đi con, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng rất khiêm tốn khi nói về vai trò của anh với bộ phim: "Vai trò của tôi bé nhỏ lắm. Tôi là người giữ nhịp, tạo không khí, gợi mở cho mọi người sáng tạo, chỉ thế thôi".

Đạo diễn Khi đàn chim trở về cho biết cả anh và biên kịch lẫn diễn viên đều muốn Về nhà đi con khó đoán hơn một chút. Biên kịch đã nhiều lần tạo ra những cú ngoặt bất ngờ. Đơn cử nhân vật Khải ban đầu gây ấn tượng thô lỗ, cục cằn, nhưng ở phút cuối đã làm người xem rưng rưng khi quyết định đi tù để trả món tiền anh ta vay bố vợ.

Về nhà đi con: Khán giả khóc, cả đoàn phim cũng khóc - Ảnh 8.

Khải (Trọng Hùng đóng) khiến khán giả rất ghét nhưng sau đó lại khiến khán giả thương - Ảnh: VTV

Trên trường quay diễn viên cùng đạo diễn đã "bão não" để sáng tạo thêm tình huống cũng như thoại. Cả đạo diễn Nguyễn Danh Dũng và diễn viên Trung Anh đã tìm cách tạo thêm màu sắc cho nhân vật ông Sơn.

"Một người vất vả, đau khổ như ông Sơn, nếu không có niềm vui sao có thể đi qua được cuộc sống này. Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng và diễn viên Trung Anh đã nói với tôi như thế. Trên phim, rất nhiều lần Trung Anh đã tạo thêm nét hài hước cho ông Sơn, khiến nhân vật này trở nên thú vị hơn rất nhiều", biên kịch Nguyễn Thu Thủy nói.

Trong kịch bản có rất nhiều cảnh ông Sơn ngồi một mình. Chúng tôi tránh để thời gian chết, diễn viên phải có tương tác với hồi ức hoặc tương tác với diễn viên khác. Tôi triệt tiêu tối đa cảnh đi ra đi vào không cần thiết, nhân vật phải được va đập liên tục, phải liên tục có tình huống bất ngờ trong hơn 20 phút phim để khán giả không rời bỏ màn hình.

Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng

Nghệ sĩ Trung Anh sau ba lần tát Bảo Hân (vai Dương), Thu Quỳnh (Huệ) và Trọng Hùng (vai Khải) đã xin đạo diễn không… tát nữa.

Trong phân cảnh Bảo Thanh (vai Thư) xúc phạm người phụ nữ gánh hàng hoa, đáng lẽ theo kịch bản Trung Anh (vai ông Sơn) sẽ phải tát Bảo Thanh.

Thay vì thế, Trung Anh diễn theo cách của anh: Ông Sơn lặng người nhìn con, nhặt túi hoa lên, và bước đi thẫn thờ. Những ngày sau đó ông rơi vào trạng thái trầm cảm. Bước chân của ông nhiều khi có cảm giác không chạm đất.

Về nhà đi con: Khán giả khóc, cả đoàn phim cũng khóc - Ảnh 10.

Cảnh ông Sơn không tát con mà bỏ đi khiến người xem rơi nước mắt bởi diễn xuất rất đạt của Trung Anh cũng như Bảo Thanh, Thu Quỳnh, Bảo Hân - Ảnh: VTV

"Có những cảnh quay chưa vừa lòng cả đoàn quay ra trao đổi, phản biện, làm bằng được mới thôi. Có những lời thoại dùng cho nhân vật này triết lý, giáo điều, nhưng chuyển cho nhân vật khác lại ổn. Hoặc có những phân đoạn quay không được, khi chuyển sang bối cảnh khác lại được.

Quan trọng phải đặt được diễn viên vào hoàn cảnh, trạng thái tốt nhất để họ bộc lộ tốt nhất cảm xúc. Khi người diễn viên thực sự yêu vai diễn, họ sẽ tự tìm ra hướng phát triển", đạo diễn Danh Dũng chia sẻ.

Về nhà đi con: Khán giả khóc, cả đoàn phim cũng khóc - Ảnh 11.

Anh Thư do Bảo Thanh đóng về giai đoạn sau có rất nhiều biến cố - Ảnh: VTV

Với trường hợp MC Tuấn Tú mới quay trở lại đóng phim ban đầu bị áp lực khi phải nói tròn vành rõ chữ. Đạo diễn đã hướng dẫn anh thoải mái nói đúng tông giọng của mình, quên dấu chấm, dấu phẩy ở kịch bản, nắm lấy ý và nói theo cách của mình.

Theo tiết lộ của biên kịch về cuối phim có một cảnh chủ đề, rất cảm động khiến tất cả đoàn làm phim phải khóc. Nhân vật Anh Thư (Bảo Thanh) sẽ phải trải qua giai đoạn cảm thấy kiệt quệ vì yêu không được đáp trả. Cô sẽ hiểu ra trong cuộc sống tính toán quá không mang lại điều gì. Câu chuyện của Thư và Vũ sẽ rất hay, với nhiều tình tiết cảm động.

Bộ phim đang trong giai đoạn hậu kỳ và dự kiến kéo dài khoảng 80-85 tập.

TTO - Đã lâu rồi khán giả mới được xem bộ phim truyền hình Việt có đề tài gia đình hấp dẫn như Về nhà đi con.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên