14/02/2023 15:04 GMT+7

Về nhà bằng đôi chân ký ức

Trên bước đường chữ nghĩa ở Sài Gòn, chọn ngành y để theo đuổi, tôi thường bắt gặp ánh nhìn khắc khoải của người quê khăn gói lên phố chữa bệnh.

Về nhà bằng đôi chân ký ức - Ảnh 1.

Căn nhà của ngoại

Họ cùng chung nước da màu lam lũ, những ước mơ gói ghém tận đáy lòng, và một nỗi lạ lẫm, ngơ ngác ở nơi chộn rộn người xe, xa vời với khoảng trời quê xứ.

Đó là những người mẹ quê bàn tay chai cứng, móng chân đóng phèn, thời gian đuổi dồn những vệt chân chim hằn đuôi mắt. Bóng người nhỏ thấp, ngả về phía nào cũng thấy lẻ loi.

Đó là những người cha tóc nhuốm màu mây, quanh năm làm lụng, đôi tay hằn xanh những đường gân từ bao mùa sương gió. Nét mặt đăm chiêu trong buổi chiều tà, ngồi giữa buồng bệnh chợt nhớ một tiếng gà xứ sở. Tôi đọc được trong mắt họ bàng bạc niềm bể dâu.

Nằm trên chiếc giường vẫn được ví là chiếc giường "đắt nhất" trong cuộc đời, họ ngày đêm chờ đợi được về nhà trên con đường đã vẽ sẵn trong tiềm thức, từ rất lâu. Con đường dẫu có xa xôi gió bụi, lên xe xuống phà, vẫn không nguôi thôi thúc họ phải mạnh mẽ. Dù đôi khi sinh tử chỉ cách nhau trong gang tấc mong manh.

Buồng bệnh nội trú thường râm ran những câu chuyện về gốc gác quê nhà, về những đứa con mà họ đã dành trọn niềm mong mỏi, yêu thương.

Chuyện mùa màng năm được năm mất, chuyện đàn chó nhỏ mới đẻ sau nhà, chuyện bầy gà thả vườn ăn không hết trứng. Ở quê đang mùa mưa dầm, mà trong này trời lại nắng chang chang…

Về nhà bằng đôi chân ký ức - Ảnh 2.

Đồng chiều trước nhà ngoại

Những câu chuyện cứ thế được truyền tai nhau, sống động và chân thực. Tựa hồ họ đang dang tay ra, mở rộng lòng mình, cùng trao và đón lấy hết thảy bóng hình quê nhà của mỗi người - mảnh đất mà họ đã ăn đời ở kiếp.

Tôi nhớ một bà cụ tóc bạc, hàm răng trống trải chỉ còn vài chiếc răng cửa lấp ló sau khuôn miệng móm mém.

Chuyện xưa, chuyện nay dưới nếp nhà đã năm đời con cháu, bà ngồi bó gối trong buồng bệnh khoa lão, cứ nhẫn nại, ngậm ngùi kể chẳng bận tâm phải có người lắng nghe. Như thể bà sợ rằng ngày mai thức dậy, tâm trí mình chỉ còn dày đặc lớp sương mù tháng năm giữa hai bờ quên, nhớ.

Tôi còn gặp một ông cụ lưng còng nói giọng khàn đục, từng tiếng, từng lời như kết dính vào nhau, xen giữa những tràng ho buốt lòng là bao mới cũ của chuyện nhà, chuyện xóm. Bóng thời gian nghiêng xuống một đời người mênh mông.

Sau cùng ông đinh ninh rằng, dẫu có đi đến cùng trời cuối đất, có cho ông bao của ngon vật lạ, thì cũng không gì sánh bằng được về nhà, với những máu mủ ruột rà luôn chờ ông sau cánh cửa, trong tà khói sớm thanh thao.

Dường như họ đang khơi lại ngọn lửa ký ức vẫn liu riu cháy trong tiềm thức, hơi ấm bắt đầu từ miền cũ xưa sẽ làm họ quên những cơn đau.

Và họ đã kể như thể mỗi ngày trôi qua là còn một cơ hội, để những câu chuyện dưới mái nhà xưa, hàng hiên cũ vẫn được tiếp diễn, trước lúc theo họ vào biền biệt chuyến tàu thời gian.

Tôi nhận ra chính họ đang về nhà bằng đôi chân ký ức, ngôi nhà vĩnh viễn hiện hữu trong miền tâm tưởng bao la. Như người nhắm mắt đi trong đêm tối vẫn không bị lạc đường, bởi những ký ức bền chặt, những thân thuộc từ lâu ngấm vào máu thịt đã dẫn họ tiến về phía trước.

Và chẳng có phương thuốc nào trên thế gian này đủ khả năng chữa lành những vết thương lòng. Chỉ hơi ấm của ngọn lửa thắp lên từ những thâm tình trong mỗi nếp nhà mới đủ sức xua tan cơn bão lòng cuồn cuộn, chữa lành bao vụn vỡ giấu kín. Cơn đau từ thể xác cũng có thể được xoa dịu bằng ánh sáng của yêu thương và niềm tin.

Tôi tìm thấy bóng hình của má và ngoại tôi lẫn trong những bà cụ, những người mẹ quê chân lấm tay bùn ấy. Khi tôi nhớ ngoại, nhớ má thì cũng là lúc tôi được về nhà, dẫu bàn chân đang đứng ở nơi nao. Tôi viết những dòng này khi ngoài trời đang miên miết gió lạnh, cơn mưa rả rích gieo vào lòng đêm nỗi xa vắng, mặc cho tháng giêng đã kín đáo gọi xuân về.

Lòng tôi tự hỏi đêm nay, gió bấc lạc mùa có chòng chành len vào giấc ngủ của ngoại, ông có lại về ngồi lặng im trước cửa nhà giữa những chập chờn tỉnh mê?

Dường như ký ức giờ đã lấp đầy tâm trí ngoại. Trong dằng dặc nhớ quên, người đang đi trên con đường được tạo ra từ dấu chân của ký ức, trở về ngôi nhà cất giấu những xa xưa. Ngôi nhà mà má tôi cùng các cậu đã lớn lên, rồi các mợ về làm dâu, cha tôi về ở rể, cùng dựng nhà xây tổ ấm quây quần xung quanh.

Năm má sinh ra tôi cũng là năm ông tôi mất. Má và ngoại đã neo bóng hình của ông vào trí nhớ tôi, bằng vô vàn chuyện xưa tích cũ, trong nhiều đêm nào đó như đêm nay, mưa lạnh tỉ tê ngoài hiên vắng.

Đã xa rồi một thời ngoại còn xắn cao ống quần, xách gàu nước giếng đổ đầy chum, rồi lụi cụi trong gian bếp linh lang khói củi. Khi tôi lớn lên và bắt đầu thấm thía những đắng ngọt ở đời, cũng là lúc ngoại quay về gần như một đứa trẻ.

Nhưng bên trong đôi mắt luôn nhắm nghiền là cả vùng trời ký ức mãi sáng rỡ, nơi đó ngoại vẫn đợi ông về thắp ngọn đèn dầu, đọc lại bài lục bát: "Nam nhân chi chí ở đời…" ông viết để răn dạy cháu con.

Tôi từng đọc ở đâu đó rằng, thời gian không phải là những con số in trên tờ lịch, đó chỉ là người ta đang đánh dấu thời gian.

Tôi thấy tâm hồn mình đã lớn ngay ở khoảnh khắc thảng thốt nhận ra những hữu hạn. Muốn cảm được những bước đi thời gian nhẹ bẫng mà vun vút, hãy nhìn một đời người. Không ai đứng ngoài chiếc bóng vô tận của thời gian.

Tôi khăn gói về nhà, khẽ ngồi xuống chiếc giường ấm mùi dầu gió của ngoại. Má choàng tay qua ôm ngoại, đợi người thong thả chìm vào giấc ngủ. Ngay lúc ấy, trái tim tôi dường như cất tiếng, rằng tổ ấm của tôi là đây, nơi tôi mãi thuộc về là đây…

Cảm ơn hơn 650 bạn đã gửi bài Về nhà

Cuộc thi viết "Về nhà" là nơi để bạn đọc chia sẻ những cuộc trở về nhà - trở về gia đình yêu dấu của mình trong mùa xuân với những cuộc đoàn tụ đong đầy cảm xúc, để rồi từ đó ở lại hay ra đi rồi cũng hướng tới sống tốt hơn, chăm chút hơn cho gia đình và xã hội.

Cuộc thi Về nhà dành cho mọi bạn đọc trong và ngoài nước. Bài viết không quá 1.200 chữ, ưu tiên kèm ảnh hoặc video giới hạn 5 phút... và gửi về địa chỉ email [email protected].

Giải thưởng: 1 giải nhất - 20 triệu đồng, 1 giải nhì - 15 triệu đồng, 1 giải ba - 10 triệu đồng, 10 giải khuyến khích - 5 triệu đồng/giải.

Tính đến ngày 14-2, cuộc thi đã nhận được hơn 650 bài dự thi. Hạn chót nhận bài: ngày 1-3.

BAN TỔ CHỨC



Về nhà bằng đôi chân ký ức - Ảnh 4.

Phía trước có người đợi, sau lưng có người nhìn Phía trước có người đợi, sau lưng có người nhìn

Tôi từng viết: "Đời người phụ nữ thường có ba ngôi nhà: nhà mình, nhà mẹ và nhà chồng. Ngôi nhà nào cũng có phận sự để lo toan nhưng nhà mẹ luôn là nơi bình yên nhất để những đứa con khao khát được trở về".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên