Hàng không và du lịch như răng với môi nhưng dường như có dấu hiệu mạnh ai nấy làm, ngành nào biết lợi ích ngành đó.
Các hãng có quyền mở bán vé máy bay linh hoạt theo nhu cầu thị trường, miễn không vượt khung giá quy định. Chính sự kỳ vọng quá cao về nhu cầu, tối đa cách để có lợi nhuận nên đẩy giá sát trần. Ngay lập tức đã có những lo ngại tác động lớn về nhu cầu đi lại, ảnh hưởng đến các ngành nghề khác như du lịch, nhà hàng, khách sạn...
Những lo ngại trên rõ ràng có cơ sở. Trong dịp lễ gần đây, thị trường du lịch nội địa tưởng chừng ăn nên làm ra nhưng lại méo mặt do vắng vẻ khách, thua ngay trên sân nhà. Nhiều khách sạn ở Nha Trang, Phú Quốc "kêu than" vì công suất phòng chưa đạt mức 60% dù là mùa cao điểm.
Có lý do chỉ ra vé máy bay khứ hồi chặng nội địa gần bằng tour trọn gói du lịch nước ngoài như Thái Lan, Singapore... Nhiều gia đình đã thay đổi kế hoạch, chọn du lịch nước ngoài vì giá vé phải chăng, thậm chí một số chặng còn rẻ hơn rất nhiều so với trong nước.
Dư âm của sự xáo trộn thị trường vé máy bay dịp lễ 30-4 vẫn còn đó. Giá vé máy bay lên cao ngất nhưng do cầu yếu nên đã phải giảm xuống. Ngay lập tức, nhiều điểm đến tăng khách đặt phòng. Nhiều ý kiến vẫn lo hãng bay "chơi chiêu", bệnh cũ lặp lại trong dịp Tết này.
Giá vé cao hơn vào dịp Tết vì hãng bay phải bay rỗng một chiều, nhưng cũng cần lắm sự chia sẻ bởi người dân đang khó khăn, nếu họ hạn chế về nhà vì giá vé cao, doanh thu của hãng bay cũng giảm. Chưa kể, giá vé máy bay cao đang được nhận định ảnh hưởng lớn đến phục hồi du lịch bởi giá vé máy bay chiếm từ 40 - 60% giá thành tour.
Phú Quốc nổi tiếng là "đảo ngọc" được du khách ưa chuộng nhưng nay đã thưa vắng khách. Có lý do giá vé bay đến Phú Quốc thời gian qua cao hơn tour trọn gói đi Thái Lan, Malaysia, Campuchia... Khách du lịch nước ngoài cũng chọn điểm đến khác có giá cả dịch vụ thấp hơn.
Giá vận tải cao có thể khiến du lịch nội địa giảm, các ngành có dịch vụ đi kèm sẽ thất thu. Đừng xem đây là việc riêng của một lĩnh vực mà là việc không nhỏ sẽ gây hậu quả lớn nếu không được giải quyết nhanh.
Trong khi đó, Thái Lan đang nỗ lực kích cầu du lịch bằng cách hạ giá, trợ giá, nhiều giải pháp thực sự quyết liệt và nhất quán. Chính hãng hàng không cũng chủ động đề nghị giảm chi phí đi lại. Thái Lan cho thấy còn nhiều giải pháp để giảm giá vé máy bay.
Trong đó có việc khuyến khích các hãng bay trả lại slot (lượt cất, hạ cánh) nếu không thể khai thác để phân bổ lại cho hãng khác nhằm tăng chuyến bay hiệu quả, tăng cung.
Ở Việt Nam cũng có chính sách này nhưng để các hãng "nhả" slot khi không khai thác là chuyện rất khó khăn, gần như bất khả thi.
Nhiều địa phương đã vào cuộc, họp bàn với các hãng hàng không về giảm giá vé để kích cầu du lịch nhưng chưa có kết quả.
Để có một chính sách nhất quán và đồng bộ, vẫn cần một "nhạc trưởng", có thể là Cục Du lịch quốc gia, để bàn thảo, định hướng, hài hòa lợi ích các ngành hàng không, du lịch... Nếu vẫn giữ cách làm không đồng bộ thì các ngành sẽ tự làm mất cơ hội của nhau ngay tại thị trường trong nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận