16/04/2013 19:30 GMT+7

Về Lạc Hồng xem Đánh trăng cầu mưa

ĐỨC HIẾU
ĐỨC HIẾU

TTO - Tiếng trống, tiếng chiêng dồn dập... Nườm nượp du khách hòa vào đám rước lễ hội Tứ Pháp cầu mưa (ngày 6 đến 8-3 âm lịch hằng năm) tại xã Lạc Hồng (huyện Văn Lâm, Hưng Yên).

Lễ hội đã có gần 2.000 năm lịch sử, đi cùng chiều dài nền văn minh lúa nước đồng bằng sông Hồng.

FEhCaW12.jpgPhóng to

Giai kiệu làm lễ trước khi rước ngai - Ảnh: Đức Hiếu

FfrwmJRl.jpgPhóng to

Rước ngai Pháp Vũ - Ảnh: Đức Hiếu

Giữa sân chùa Nhạc Miếu (thờ bà Pháp Lôi), gần hai chục giai kiệu tráng kiện, đầu chít khăn đỏ, cởi trần đóng khố, cúi rạp đầu lễ Bà theo mỗi nhịp hô dõng dạc của một vị hương lão. Đây là những trai làng được chọn cho đoàn rước từ trước đó khá lâu.

Lời vị hương lão vừa dứt, tiếng chiêng tiếng trống gióng một hồi dài, đoàn rước ùn ùn kéo ra khỏi sân chùa, già trẻ lớn bé hoan hỉ nối gót theo hương án đi trước. Được một quãng, chiếc kiệu rước ngai từ phía sau lao vun vút lên, cơ hồ như có bàn đẩy thúc mạng từ sau vọt lên, tiếng chân rầm rập mạnh mẽ đánh tung bụi đường thành làn sương mỏng trong không trung.

Nếu có dịp về Hưng Yên những ngày này, bạn hãy ghé thăm Lạc Hồng, xem lễ hội Tứ Pháp cầu mưa, hòa cùng lễ hội dân tộc mang đậm bản sắc một nền văn minh lúa nước lâu đời.

Tục truyền, bà Pháp Lôi là em út, đi cùng các chị, do mê mải thưởng ngoạn cảnh vật nên tụt lại phía sau, khi các chị đã đi được một quãng xa liền đạp mây cưỡi gió đuổi theo. Vì thế, trong cả đoàn kiệu rước các bà, chỉ có ngai của bà Pháp Lôi là chậm hơn cả, nhưng cũng “bay” theo nhanh hơn cả.

Không chỉ người dân Lạc Hồng, khách phương xa và các vùng lân cận về đây ai cũng háo hức được chui qua kiệu các ngài đủ 3 lần để lấy lộc Phật trong năm.

Đoàn rước đến ngã tư cũng vừa lúc gặp đoàn rước bà Pháp Vũ đi ra, hai bà “làm lễ chào nhau” rồi hai đoàn kiệu nhập làm một rước các bà đến chùa Thái Lạc, nơi thờ chị cả Pháp Vân, nghỉ qua một đêm.

Dưới cái nắng nghệ oi ả sau rét nàng Bân, các cụ già lưng còng chống gậy vẫn cùng đám thanh niên nhập vào đoàn rước trên chặng đường làng dài cả cây số đưa các bà hội ngộ.

q5GguMAD.jpgPhóng to

Đoàn người rước Ngài đông đảo - Ảnh: Huy Ba

Ngày mùng 7, đoàn rước đông hơn cả, rước 3 bà về ngự tại chùa Hồng Thái thờ bà Pháp Điện. Sang đến mùng 8 lại rước các bà về chùa hoàn cung ngự tại chùa của mình và làm lễ Yên vị.

Bên cạnh phần lễ, những trò chơi dân gian cũng được bảo tồn và được đông đảo bà con hưởng ứng với các trò kéo co, đập niêu, bịt mắt bắt dê… Đặc biệt, Đánh trăng (còn gọi Đánh giăng) là trò chơi lễ cho các giai kiệu của 4 ngôi chùa, không mang tính thắng thua mà với mục đích cầu mưa.

Toàn bộ giai kiệu của bốn ngôi chùa thờ Tứ Pháp tập hợp thành một hàng, chạy theo hình trôn ốc, hình xoắn theo chiều các đám mây vần vũ, càng lúc càng nhanh tượng trưng cho những cơn mưa sắp đến đem theo mùa màng bội thu. Đây là một trò chơi lễ cổ xưa được gìn giữ nguyên bản, cũng là một nét truyền thống độc đáo không thể thiếu của lễ hội cầu mưa.

vqZHJDa2.jpgPhóng to

Chui kiệu Ngài lấy may - Ảnh: Huy Ba

Ông Võ Hồng Khanh năm nay đã 67 tuổi, trưởng ban hương lão chùa Nhạc Miễu, nói: "Tứ Pháp cầu mưa là lễ hội mang nhiều giá trị tâm linh đối với người dân trong làng, đại diện cho lễ hội cầu mưa ở khu vực đồng bằng làm lúa nước với ước mong mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt, nhân dân no đủ. Đây cũng là bản sắc đặc trưng mỗi người dân Lạc Hồng đều tự hào và hết lòng gìn giữ".

ĐỨC HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên