Hình ảnh trong bộ tranh Đói bụng, Sài Gòn ơi! của Sơn Tùng và Ngân Phan
Trong tranh của tụi mình lúc nào cũng có hình ảnh những món ăn quen thuộc đủ để chỉ cần nhìn là có thể liên tưởng được ngay mùi vị món ăn, tiếng rao bán hàng, khói bốc nghi ngút đủ làm dịu đi cái không khí lạnh, ủ dột trong những ngày dông tố ấy, đủ đem lại một nguồn động lực nhỏ nhoi cho mọi người.
Ngân Phan
Ngân Phan
Từ rất lâu rồi, TP.HCM không còn chỉ là một thành phố. Thành phố giống như một người bạn thân được gọi tên kể cả mỗi khi người ta... đói, cô đơn, nhớ nhà, thất tình, bộn bề công việc hay chỉ đơn giản là bỗng dưng thấy yêu thành phố quá.
Sài Gòn đau lòng quá là tên bài hát của nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, viết dành cho những người trẻ từng thất tình, bỏ lại một phần trái tim của mình nơi đó.
Sài Gòn thương còn hổng hết là cuốn sách của tác giả Hoàng My viết về thời thơ ấu ở con hẻm lao động chộn rộn mưu sinh mà vô tư yêu thương. Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian là khi nhà văn Lê Văn Nghĩa hồi tưởng về một thời xa xăm của thành phố thân thương.
Thành phố ngủ xíu thôi mà
“Đói bụng, Sài Gòn ơi!” - tiếng gọi thân tình ấy là của họa sĩ Nguyễn Sơn Tùng (30 tuổi) cách đây 5 năm khi anh đang du học ở Niigata (Nhật), nhớ nhà và nhớ quay quắt các món ăn Sài Gòn.
Để vơi nỗi nhớ, anh ký họa các bức vẽ đen trắng về món ăn đường phố. Rồi cách đây một năm lại cùng họa sĩ Mèo Mập Ú (Ngân Phan) tô màu và hoàn thiện bộ tranh, khi TP.HCM đang oằn mình chống dịch COVID-19.
Suốt 8 tháng giãn cách trong năm 2021, thành phố có lúc gần như chết lặng. Nhiều người vĩnh viễn ra đi, nhiều người từ nay phải mồ côi, nhiều người lâm vào cơ cực, nhiều người chọn rời bỏ... Hai từ “Sài Gòn” lúc ấy gợi nên cảm giác tội nghiệp dữ lắm.
Nhiều năm sống ở thành phố này, Sơn Tùng và Ngân Phan cũng lần đầu nhìn thấy nơi đây trong màu sắc lạ lẫm hơn thường ngày.
Ngân Phan nhớ lại: “Trong suốt 8 tháng đó, quá nhiều mất mát xảy ra, với tôi và anh Tùng cũng không là ngoại lệ. Ngay trong tâm bão, ngoài cảm giác xót xa, tôi thấy bình tĩnh đến lạ thường, vì tôi biết rõ người dân đã cố gắng thế nào, tuân thủ quy định chống dịch ra sao.
Lúc khó khăn và tiêu cực cũng là lúc những điều tích cực, những anh hùng đời thường được tỏa sáng nhất, truyền cảm hứng và sức mạnh cho mọi người nhất. Nhờ họ, nhờ thành phố, tôi tin chắc mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Thành phố ngủ xíu thôi mà, chúng ta vẫn đang mạnh mẽ đến vậy mà”.
Ngân Phan đã có 10 năm gắn bó với TP.HCM, còn Sơn Tùng vừa bước qua tuổi 30 và trở về thành phố nơi anh sinh ra để sống và làm việc. Trong ký ức tươi đẹp của hai họa sĩ trẻ, đường phố luôn rực rỡ sắc màu của những xe hàng rong bán đủ món trên đời, những quán ăn nghi ngút khói.
Đây là quán phở gia truyền đủ món tái, nạm, gầu, gân. Kia là xe hủ tiếu bánh canh với sườn, xí quách. Rồi xe nước mía giải khát với hình cô gái tóc xoăn bí ẩn. Và làm sao thiếu được quán hột vịt lộn hay gánh bánh tráng trộn với đủ vị chua cay mặn ngọt nuông chiều cái lưỡi.
Cuối cùng, đó chính là góc bếp của bà ngoại mà Sơn Tùng vẽ trau chuốt cái bình thủy, cái cà mên, cái bếp gas, hũ đồ chua, ấm nước kiểu cổ đặc trưng của một gia đình Việt cách đây gần 30 năm. Mâm cơm với canh khổ qua dồn thịt, cá kho và đĩa thịt luộc đơn giản vậy mà với người xa quê hương thì chỉ biết nuốt nước bọt.
Người ta thường nói thành phố này không bao giờ ngủ, vậy nên trong thời gian đó, tôi tự an ủi rằng thành phố chỉ đang đi ngủ một chút thôi mà. Mọi người có thể thấy tội nghiệp nhưng tôi lại nghĩ khác. Thành phố của tôi cũng cần được nghỉ ngơi chứ, để rồi lúc thức dậy sẽ mạnh mẽ hơn.
Sơn Tùng
Nắng vàng, gió mát và “chữa lành”
Sơn Tùng
Là người sinh ra, lớn lên cùng bà ngoại ngay trung tâm thành phố, những ngày thơ bé nhẵn mặt “coi cọp” sách ở nhà sách Nguyễn Huệ, Sơn Tùng vẫn hướng về TP.HCM trong những sáng tác của mình.
Nhưng chủ đề anh yêu cũng là “nàng thơ” của nhiều họa sĩ. Đồ ăn đường phố Sài Gòn cũng đã quá quen thuộc trong những bộ tranh của nhiều họa sĩ khác.
Vẽ về thành phố, Sơn Tùng không đặt nặng việc phải vẽ hay, vẽ đẹp hơn đồng nghiệp.
Anh chỉ tập trung vẽ sao cho thể hiện hết những ý tưởng, cảm xúc của mình trong tranh và mong tìm được khán giả đồng điệu. Với Ngân Phan cũng vậy, khi đặt trọn trái tim vào tác phẩm, cô cảm thấy việc tìm ra chất riêng vượt trội không còn quá quan trọng.
Chẳng hạn cũng là vẽ đồ ăn đường phố nhưng bộ tranh Đói bụng, Sài Gòn ơi! đọng lại trong người xem bởi hai khung hình cuối, là những bữa cơm gia đình. Chuyện “đói bụng” có bao giờ là chuyện của riêng cái bụng đâu. Khi người ta nhớ nhung một món ăn, đó là thói quen, đó là kỷ niệm.
Với Sơn Tùng cũng vậy, anh nhớ những hàng quán là nơi mình tụ tập cùng bạn bè bên những cuộc trò chuyện sôi nổi. Nhưng anh nhớ nhất gian bếp của ngoại, nơi ngoại nấu cho anh những món ăn giản dị thân thương nhất, nhiều khi đơn giản chỉ là bát cơm rang mà ngon hơn cả những hàng quán kia.
Trong thời COVID-19, nhiều họa sĩ vẽ để chữa lành cho mọi người và cho chính tâm hồn của mình. Sơn Tùng chia sẻ khi thành phố “đóng cửa”, anh rơi vào những ngày tháng stress nặng nề vì cả chuyện công việc lẫn đời sống riêng.
Đến bây giờ, khi bước ra khỏi dịch bệnh, mọi ngành nghề vận hành trở lại, sự bận rộn lại khiến anh và nhiều người stress theo cách khác. Anh đang dần chữa lành cho bản thân bằng sáng tác và các hoạt động khác. Một bộ tranh khó có thể chữa lành cho tất cả, nhưng nhiều bộ tranh sẽ làm nên sự khác biệt.
Và bây giờ, một năm sau ngày “say ngủ”, thành phố đã bừng tỉnh giấc. Khi bước ra đường, chúng ta không còn cảm giác của một thành phố “ốm”. Nói một cách nhẹ nhàng, thành phố đỡ mệt nhiều rồi.
Hình ảnh trong bộ tranh Đói bụng, Sài Gòn ơi! của Sơn Tùng và Ngân Phan
Hình ảnh trong bộ tranh Đói bụng, Sài Gòn ơi! của Sơn Tùng và Ngân Phan
Hình ảnh trong bộ tranh Đói bụng, Sài Gòn ơi! của Sơn Tùng và Ngân Phan
Hình ảnh trong bộ tranh Đói bụng, Sài Gòn ơi! của Sơn Tùng và Ngân Phan
Hình ảnh trong bộ tranh Đói bụng, Sài Gòn ơi! của Sơn Tùng và Ngân Phan
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận