10/02/2017 16:38 GMT+7

Về Hải Phòng xem các bô lão thề không tham nhũng

TIẾN THẮNG
TIẾN THẮNG

TTO - Ngày 10-2 (14 tháng Giêng) tại đình làng thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng lại long trọng tổ chức khai hội thề không tham nhũng.

Ông chủ tế thực hiện nghi thức
Ông chủ tế thực hiện nghi thức "vạch trời chỉ đất" xung quanh một vòng tròn bán kính khoảng 2 mét ở giữa sân miếu để làm đài thề - Ảnh: Tiến Thắng

Theo ban tổ chức, lễ hội Minh thề của thôn Hòa Liễu (một lễ hội mà ở đó người dân sẽ thề luôn "trung thực, ngay thẳng" và quan chức thề không tham nhũng) được khôi phục đến nay đã được 14 năm và vị quan chức cấp cao nhất đứng ra thề không tham nhũng đến nay là trưởng thôn cùng các vị bô lão trong làng.

Ngay từ sáng sớm, tại ngôi miếu thiêng thờ Thành hoàng bản thổ của thôn Hoà Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) đã có hàng trăm người dân đổ về để tham dự ngày khai hội Minh thề, chứng kiến phần nghi lễ quan trọng nhất khi mà quan chức, già làng sẽ thề luôn giữ gìn sự thanh liêm, chí công vô tư.

Nhiều người dân trong thôn cho biết thời xưa khi diễn ra hội Minh thề là dân làng tổ chức lễ tế Thánh cùng với sự có mặt đông đủ của chức dịch hàng tổng, quan lại hàng phủ (tương đương cấp xã, phường, quận, huyện ngày nay) về tham dự để cùng giơ cánh tay thề biểu thị sự thanh liêm, quyết không lấy của công dùng làm của tư.

Tuy nhiên, 14 năm trôi qua kể từ khi hội thề được khôi phục đến nay, vị "quan chức" cao nhất tham gia thề cũng chỉ có trưởng thôn, song trên thực tế trưởng thôn ngày nay không phải là cán bộ công chức nhà nước và càng không có quyền hành để có thể nắm giữ "của công" mà tư túi được.

Những thời Minh thề có Hịch văn được đọc dõng dạc trước đài thề cùng người dân tham dự - Ảnh: Tiến Thắng
Hịch văn được đọc dõng dạc trước đài thề - Ảnh: Tiến Thắng

Trong không gian linh thiêng bởi tiếng trống, tiếng nhạc uy nghiêm réo rắt, ông chủ tế thắp ba nén hương thơm trước bàn thờ thần linh đồng thời thực hiện động tác "vạch trời chỉ đất" xung quanh một vòng tròn bán kính khoảng 2 mét ở giữa sân miếu để làm đài thề rồi cắm thẳng con dao nhọn vào giữa tâm của vòng tròn trước khi những lời thề trang nghiêm được đọc to trước hàng trăm người dân.

Trực tiếp chứng kiến cảnh đó mới thấy được nét độc đáo và ý nghĩa của lễ hội này.

"Ai dùng của công vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử… làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt". Ngay sau những lời ấy là những cánh tay giơ cao cùng tiếng hô lớn "xin thề, xin thề" của các cụ bô lão trong làng.

Theo một lãnh đạo UBND huyện Kiến Thụy, hiện nay huyện này vẫn đang họp bàn việc "nâng tầm" lễ hội, đề xuất để lãnh đạo "cao hơn" sẽ tham dự cùng thề tại lễ hội vào những năm tiếp theo, tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau cần phải thống nhất.

Lễ hội Minh thề năm nay vẫn chỉ có các cụ bô lão xung phong đứng ra thề sống trung thực, không tham nhũng của công làm của tư - Ảnh: Tiến Thắng
Lễ hội Minh thề năm nay vẫn chỉ có các cụ bô lão xung phong đứng ra thề sống trung thực, không tham nhũng của công làm của tư - Ảnh: Tiến Thắng

Lễ hội Minh thề của làng Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) diễn ra trong ba ngày, bắt đầu từ ngày 14 đến hết ngày 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Tương truyền, từ giữa thế kỷ XVI, vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản đã đến ấp Lan Niểu (thôn Hoà Liễu ngày nay) tự bỏ tiền và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc cả thảy 35 vị góp tiền của để tu tạo lại ngôi chùa cổ.

Thái hoàng Thái hậu đã cùng với dân làng lập ra một Hịch văn hội Minh Thề quy định lấy chí công làm trọng - người nông dân không phân biệt giàu - nghèo đẳng cấp xã hội, với khí phách kẻ sĩ giữ tiết tháo không vì cơ hàn mà xâm phạm của công.

TIẾN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên