Rẽ mỏ thìa được các nhà điểu học quốc tế gọi là loài chim lội nước dễ thương nhất thế giới. Còn tại sao gọi rẽ mỏ thìa là vị khách quý hiếm đến từ nước Nga?
Đơn giản thôi, nơi "chôn nhau cắt rốn" của loài chim này là ở các bán đảo Chukotka, Kamchatka (Đông Bắc nước Nga).
Hằng năm, sau khi sinh sản vào mùa thu, nó di chuyển 8.000km để tránh mùa đông lạnh giá, tìm đến những nơi ấm áp để kiếm ăn như Bangladesh, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam và miền nam Trung Quốc.
Tuy nhiên, năm ghi nhận loài rẽ mỏ thìa đến Việt Nam nhiều nhất cũng chỉ là… 6 con. Còn năm nay, tính đến giờ này, chỉ mới phát hiện một con ở Tân Thành, Gò Công.
Rẽ mỏ thìa trên bãi biển Tân Thành, Gò Công - Ảnh: H.THỌ
Ngất ngây khi diện kiến vị khách quý
Cách đây nửa tháng, nhiếp ảnh gia nổi tiếng trong lĩnh vực chụp ảnh chim hoang dã Việt Nam là Thuần Võ (quê ở Gò Công) cùng "thánh chim" Bùi Thanh Trung đi tìm ở bãi Tân Thành xem rẽ mỏ thìa đã xuất hiện hay chưa.
Và cả hai phát hiện một con. Điều đặc biệt, theo Thuần Võ, là chưa bao giờ lại có một con rẽ mỏ thìa dạn như con chim các anh vừa phát hiện.
Nếu những năm trước, anh chỉ có thể tiếp cận nó ở khoảng cách 15-20m và thường lẫn trong một đàn chim rẽ mỏ nhọn nên rất khó chụp, thì hôm 16-11, có lúc nó kiếm ăn chỉ cách Thuần Võ… 5m.
Những bức ảnh của Thuần Võ vừa được giới thiệu trên trang cá nhân của anh đã làm dậy sóng làng chụp ảnh chim hoang dã.
Có điều, việc chụp ảnh nó không chỉ cực, khi phải dán bụng xuống bãi biển đầy bùn của Tân Thành, bò trườn từng tí một để không làm nó sợ, mà còn phụ thuộc vào con nước.
Nghĩa là sau đợt chụp vài ngày giữa tháng 11, thời điểm kế tiếp để có con nước rút vào sáng sớm chính là ngày 1-12.
Thế là sáng 1-12, hơn 20 tay máy chụp ảnh chim hoang dã đã có mặt ở bãi Tân Thành khi mặt trời chưa ló dạng.
Trong đó có cả những tay máy rất nổi tiếng như Huỳnh Thanh Danh, Sâm Thương, Bùi Trọng Hiếu, Khuê Dương…; những người đều đã có ảnh rẽ mỏ thìa hàng năm, nhưng vẫn cứ chịu khổ bò trườn trên bãi bùn để săn ảnh nó.
Điều đó cho thấy sức hút mãnh liệt từ con rẽ mỏ thìa lớn như thế nào.
Với tôi, đây là lần đầu tiên đi chụp rẽ mỏ thìa, nên khi nghe mọi người kêu khẽ "nó về" là tim đập nhanh, nín thở, căng mắt nhìn vào kính ngắm chờ nó đến gần.
30m… 25… 20m là đã nhấn nút chụp liên hồi kỳ trận.
Nhưng rồi nó mải mê kiếm ăn, tiến đến gần hơn nữa, khi xuống còn 15m, rồi dưới 10m, nhìn thấy cái mỏ thìa độc đáo của nó rõ mồn một.
Thật là một cảm giác hạnh phúc khó tả. Bởi nó đẹp, và độc đáo nhất là chiếc mỏ, rồi chưa kể nó là một trong chưa tới 500 con còn lại trên thế giới, lại càng thêm ấn tượng.
Cả thế giới nỗ lực cứu rẽ mỏ thìa
Vào năm 2002, Christoph Zöckler - một nhà nghiên cứu về chim di cư - đã cho rằng nếu không quyết liệt hơn nữa trong việc bảo vệ chúng, không loại trừ khả năng rẽ mỏ thìa sẽ tuyệt chủng vào cuối thập kỷ này (tức là thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21)!
Những nguyên nhân khiến rẽ mỏ thìa ngày càng hiếm hoi là bởi khi chúng sinh ra thì bị những loài như chồn, chuột tấn công trứng, chim non. Kế đến là nạn săn, bẫy của con người khi chúng thực hiện cuộc di cư trú đông dài 8.000km.
Nhưng, nguyên nhân lớn nhất là môi trường sinh sống của rẽ mỏ thìa khi đi trú đông đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ví dụ như ở Hàn Quốc, trước đây là một nơi chúng đến và có năm ghi nhận cả trăm con.
Tuy nhiên, những con đập chắn sóng biển được xây dựng đã làm mất đi nơi rẽ mỏ thìa kiếm ăn. Bây giờ Hàn Quốc không còn thấy một con rẽ mỏ thìa nào!
Còn ở Việt Nam, ngay ở bãi Tân Thành, vốn là bãi nuôi nghêu, cũng có sự xung đột giữa cuộc sống con người với các loài chim di cư nói chung, rẽ mỏ thìa nói riêng.
Mặc dù thức ăn của rẽ mỏ thìa không phải là những con nghêu giống bé tí, nhưng người ta cứ giăng lưới để ngăn cản các loài chim nước nói chung, điều đó đã khiến tất cả chim di cư gặp nguy hiểm.
Trước tình cảnh nguy cấp của rẽ mỏ thìa, cả thế giới đều lên tiếng và chung tay cứu lấy nó thoát khỏi tuyệt chủng.
Hàng chục triệu USD đã chi cho các dự án bảo vệ rẽ mỏ thìa, cùng với cả việc lấy trứng của chúng ấp nhân tạo để đạt tỉ lệ sống cao hơn rồi tái thả khi trưởng thành.
Thông tin mới nhất từ Birdlife cho biết có những tín hiệu lạc quan, đó là sự suy giảm đã có dấu hiệu được chặn đứng.
Ngay ở Việt Nam, cách đây 2 năm, cùng chung tay với thế giới, Chính phủ đã ban hành chỉ thị 04 về việc nghiêm cấm săn bắn chim di cư, chim hoang dã.
Dù việc thực hiện chỉ thị này chưa phải thật sự nghiêm túc, nhưng ít nhiều cũng có những chuyển biến tích cực hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận