Vẽ đường cho con... chạy trong 'thế giới' iPhone, Ipad

TRẦN PHƯƠNG NGỌC THẢO 28/11/2018 02:11 GMT+7

TTCT - Việc trẻ em tiếp cận sớm với các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng và các nội dung giải trí trên TV, trên mạng Internet là điều không thể tránh khỏi.

Vẽ đường cho con... chạy trong thế giới iPhone, Ipad - Ảnh 1.

Hãy dành thời gian cho trẻ khám phá thế giới xung quanh. Trong ảnh: Trẻ em Úc ở Sở thú Taronga, Sydney -Ảnh: L.N.M.

Thông qua iPhone, Ipad, trẻ được chủ động tìm hiểu thông tin và chương trình giải trí, nhưng cũng có rất nhiều điều đáng lo ngại.

Làm gương cho con

Con tôi năm nay 7 tuổi, hiện đang học lớp 2 tại Úc. Trước khi cháu 3 tuổi, chúng tôi hạn chế tối đa việc cho cháu tiếp xúc với TV, điện thoại. Từ khoảng 3 tuổi cháu theo ba mẹ sang Anh. 

Ở trường mẫu giáo, cô giáo có mở một số video clip trên YouTube để dạy cháu phát âm tiếng Anh, ở nhà chúng tôi thỉnh thoảng mở clip tương tự cho cháu nghe nhạc... 

Lớn hơn một chút, thỉnh thoảng tôi mở phim cho con xem, đặc biệt là trong những trường hợp mà cháu buộc phải ngồi yên và giữ im lặng chứ không thể chạy nhảy thoải mái, như khi đi máy bay hoặc ở sân bay...

Chính chúng tôi làm gương không chơi game trên điện thoại và iPad. Các game trên máy tôi hiện có đều được chọn lọc kỹ, là những game mang tính giáo dục để thỉnh thoảng cho con mượn máy chơi một lúc. 

Khi cháu vào học lớp 1, nhà trường đưa việc sử dụng iPad vào chương trình học. Có nhiều hoạt động học tập diễn ra trên iPad như đọc sách trên thư viện điện tử, làm toán qua các trò chơi thi đua với nhau, hoặc học sinh tự làm một quyển sách điện tử. 

Có lần tôi rất ngạc nhiên khi thấy các cháu lớp 1 trưng bày các tác phẩm điện tử về những chủ đề khác nhau. Nội dung do thầy cô dạy hoặc các cháu tìm kiếm trên Google (thầy cô hướng dẫn tìm kiếm hoặc cung cấp website liên quan), hình ảnh cũng do các cháu tự tìm trên mạng hoặc vẽ trên máy, các cháu tự viết nội dung cho từng trang, rồi "thuyết trình" cho tác phẩm của mình. Thấy chương trình đó hay quá nên tôi cũng cài vào máy cho con. 

Khi đó chúng tôi có một iPad cũ, tôi tặng cho con, nói rõ tuy là máy của con, con phải nâng niu và bảo quản, nhưng việc sử dụng thế nào vẫn phải trao đổi và xin phép ba mẹ, được phép mới dùng. 

Khi cháu không ngoan, một trong những hậu quả sẽ là cháu bị giới hạn thời gian sử dụng iPad. Chúng tôi cũng phân chia rõ các mục đích sử dụng như dùng để đọc sách thì sẽ được dùng bao lâu, khi nào thì được dùng để xem chương trình trên YouTube hoặc chơi game...

Cuối tuần tôi đưa con ra ngoài chơi hoặc cho cháu đi tập thể thao. Cả nhà sẽ cùng xem một bộ phim phù hợp với trẻ em như một phần thưởng cho cả tuần ngoan. Những lúc xem TV, tôi cũng hướng cháu đến các chương trình nói về thiên nhiên, động vật, là những chủ đề cháu hứng thú. 

Đối với hoạt hình, nếu liếc sang thấy cháu xem các hoạt hình có vẻ hơi bạo lực (có các bạn đánh nhau) tôi sẽ trao đổi với con xem có nên tiếp tục xem hay không. 

Thời gian xem TV hay dùng iPad sẽ hạn chế theo giờ. Khi bắt đầu, cháu tự đặt chuông đồng hồ, khi chuông reo thì tự tắt, vì cháu biết rằng nếu không tự giác như vậy thì quyền lợi được xem TV hay dùng iPad sẽ bị cắt trong 1-2 ngày.

Cho con hiểu và tự chịu trách nhiệm

Tôi thích cách thầy hiệu trưởng trường tiểu học của con nói về lợi ích và tác hại của việc cho con dùng thiết bị điện tử: nó cũng giống như việc tập cho con đi xe đạp. Dẫu biết rằng đi xe đạp có khả năng gây nguy hiểm cho con, nhưng chúng ta không thể ngăn cấm mà tốt hơn hết là cần dạy con cách đi xe đạp an toàn và giúp con thuần thục các kỹ năng.

Đây là kinh nghiệm của tôi: lúc con còn nhỏ, cha mẹ sẽ là người chọn lựa những chương trình TV cho con hoặc các nội dung trên thiết bị điện tử như trò chơi cài đặt sẵn trên máy, các đoạn phim ảnh trên YouTube. Nhưng dần dần con sẽ trở nên chủ động hơn trong việc chọn lựa và rất dễ "cứ thế lướt đi". 

Cha mẹ cần chọn lựa thời điểm phù hợp để nói chuyện với con về những nguyên tắc an toàn cũng như cách thức để con tự bảo vệ mình. Trước hết là những vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn nên dừng lại sau khi nhìn màn hình khoảng 30 phút, để mắt được nghỉ ngơi. 

Sau đó, giải thích với con rằng có những nội dung nếu con xem có thể khiến con hoảng sợ như những nội dung bạo lực, khiến con lo lắng như những nội dung dành cho người lớn. 

Đối với trẻ lớn hơn, nói với con về việc bảo mật thông tin, rằng những chương trình xấu có thể chứa virút dẫn đến nhiều hệ quả, rằng nếu con không cẩn thận, người xấu có thể lợi dụng những gì con chia sẻ trên mạng để lần tìm ra địa chỉ, trường học của con...

Bên cạnh đó, vẫn phải áp dụng những biện pháp kỹ thuật như cài đặt chế độ lọc thông tin trên các trình duyệt web, trên ứng dụng YouTube.

Tôi tìm hiểu các ứng dụng có ích cho việc học của con, điều đó giúp tôi giải thích được cho cháu mỗi khi con tôi than phiền chuyện các bạn vẫn được chơi trò chơi. 

Lúc con 4 tuổi, tôi chọn một trò chơi giúp con tập cầm bút và tô theo các nét trên màn hình để viết chữ. Lúc con 6 tuổi, tôi cho con cài đặt game Minecraft, là một trò chơi được nhiều trường học sử dụng giúp trẻ mở mang trí tưởng tượng và tập thiết kế các không gian theo ý mình. 

Đến 7 tuổi, tôi cho con tham gia một lớp học lập trình đơn giản cho trẻ em trong 1 tuần nghỉ hè, sản phẩm làm ra là một game trò chơi mà về nhà cháu có thể tự chơi hoặc rủ người khác chơi. Con tôi rất thích và tự hào với sản phẩm của mình. 

Hiện nay trong chương trình học STEM ở trường, thầy giáo hướng dẫn lớp cháu dùng ứng dụng Bloxel Builder để tạo ra một trò chơi khác. Về nhà cháu tự thực tập trên iPad của mình. 

Ngoài ra, các bài tập toán, các chỉ tiêu đọc sách trên mạng do thầy giáo giao cũng đã lấp đầy thời gian của con tôi. Cuối tuần cháu mới có nhiều thời gian để tìm hiểu nhiều về chủ đề cháu quan tâm, chẳng hạn các giải bóng đá trên thế giới nên tôi cũng khá yên tâm việc cháu lên mạng để làm gì.

Với TV cũng tương tự, tôi đăng ký kênh National Geographic và "gợi ý" cho cháu những chương trình hay. Hoặc tôi sẽ chủ động mở kênh tin tức thế giới để cùng xem với cháu, giải thích cho cháu hiểu các sự kiện đang xảy ra. 

Con tôi là một cậu bé khá tinh nghịch, cháu vẫn thường thử "vượt rào" xem cha mẹ và thầy cô ứng xử thế nào, hoặc nhiều lúc là do cháu vô tình. 

Với chuyện này, tôi cũng đưa ra những nguyên tắc rõ ràng: nếu con vi phạm sẽ phải chấp nhận bị tịch thu iPad trong một thời gian. Khi cháu có những tiến bộ trong các lĩnh vực khác và thể hiện mình đã hiểu lỗi sai, cháu sẽ được dùng iPad trở lại.

Hiện giờ tôi cho phép cháu tự chọn nhạc để nghe nhưng cũng đặt rõ giới hạn là cháu không được nghe những bài nhạc có ngôn ngữ xấu, có chửi bậy.

Tôi nghĩ nếu phối hợp nhuần nhuyễn các yếu tố trên thì việc cho con xem TV hoặc sử dụng phương tiện điện tử sẽ mang đến nhiều điều tích cực hơn là tiêu cực.

Hãy cho con thấy rằng thế giới thật bên ngoài vô cùng thú vị. Tuy con tôi đọc nhiều sách trên thư viện điện tử, cháu vẫn rất yêu thích việc cùng mẹ đi thư viện lựa sách. Đây là thói quen từ hồi cháu học lớp vỡ lòng.

Tôi cũng hay đưa con đi sở thú, bảo tàng, các trung tâm triển lãm khoa học nên cháu hiểu rằng có nhiều cách để tìm hiểu những thông tin thú vị. Cháu cũng được cho đi dã ngoại, đi công viên, đến nhà bạn chơi hoặc tập thể thao... nên cũng dễ dàng rời tivi hoặc buông iPad xuống để tham gia các hoạt động khác.

Suốt ngày chơi iPad, nhiều trẻ 3 tuổi vẫn chưa biết nói

TTO - Khoảng 50% nguyên nhân trẻ chậm nói là do xem tivi hoặc do chơi những trò chơi điện tử trên iPad, smartphone quá nhiều. Nhiều bé 2-3 tuổi vẫn chưa nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận