Ngày 4-5, sân khấu kịch Idecaf chính thức mở bán vé cho 23 suất diễn Ngày xửa ngày xưa số 34 - Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai trên hệ thống Ticketbox vào lúc 19h.
Sức nóng của Ngày xửa ngày xưa
Ngày xửa ngày xưa là chương trình từ lâu đã có thương hiệu riêng, cộng hưởng với sức nóng từ tin đồn nghệ sĩ Thành Lộc sẽ rời Idecaf nên chỉ chưa đầy 2 giờ sau khi mở bán, 14.000 vé với 23 suất diễn trong tháng 5, 6 đã bán sạch.
Nhiều khán giả chia sẻ mặc dù đã lên kế hoạch săn vé từ trước nhưng cũng đành ngậm ngùi vì không mua được.
Họ nói việc mua vé giống như một trò chơi may rủi. Nắm bắt được nhu cầu này, một số đối tượng đã đầu cơ tích trữ, thu gom vé và hét giá trên trời.
Chưa đầy một ngày, giá vé của chương trình được rao bán với giá gấp 4, 5 lần.
Trên một diễn đàn đã xuất hiện trường hợp chào bán vé cho một cặp ghế hạng A là 3 triệu đồng, hạng B là 2,5 triệu đồng.
Trong khi giá vé gốc cho hạng VIP là 320.000 đồng, hạng thường là 270.000 đồng và trên lầu là 220.000 đồng.
Nếu không mua được vé với giá gốc, vấn đề tìm mua vé trên "chợ đen" đối với một người lớn có thu nhập ổn định đã không hề dễ dàng thì liệu Ngày xửa ngày xưa có còn dễ tiếp cận với thiếu nhi?
Kịch thiếu nhi có còn dành cho con nít?
Trên một fanpage được lập ra để trao đổi vé của chương trình Ngày xửa ngày xưa, tài khoản người dùng có tên L.H đã đăng tải bài viết chia sẻ quan điểm về vấn đề trên.
Bài viết bày tỏ sự bức xúc về tình trạng vé "chợ đen" và khuyên những bạn săn vé nên dừng lại, vì có cầu ắt có cung.
Tài khoản T.M chia sẻ lý do cha mẹ khó cho trẻ đi xem là vì giá vé bị đội lên quá đắt, chỉ những gia đình khá giả hoặc giới thượng lưu mới đủ khả năng.
Việc thiếu nhi gặp khó khăn khi tiếp cận với thể loại kịch dành cho mình, điều này không thể quy trách nhiệm hoàn toàn về cho sân khấu hay khán giả.
Bởi lẽ những năm trở lại đây khán giả đi xem các vở diễn của Ngày xửa ngày xưa không còn dừng lại ở lứa tuổi thiếu nhi. Thay vào đó, thành phần khán giả được chuyển dịch đa dạng và phong phú hơn về độ tuổi.
Đặc biệt có rất nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ 9X, 2000 trở lại sân khấu để tìm về tuổi thơ của mình. Với một chương trình có tuổi đời hơn 20 năm, đây cũng là điều dễ lý giải.
Chị Đỗ Kim Hoa (quận 8, TP.HCM) là khán giả của Ngày xửa ngày xưa hơn 15 năm, cho biết hiện nay nếu nói kịch thiếu nhi của Ngày xửa ngày xưa chỉ dành cho thiếu nhi là chưa thỏa đáng.
Để giải quyết những bất cập trên, tạo điều kiện cho thiếu nhi có thêm cơ hội, dễ dàng tiếp cận với những vở diễn của Ngày xửa ngày xưa, ngay bây giờ cần có những biện pháp kịp thời và thích hợp đến từ nhiều phía.
Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với đại diện sân khấu kịch Idecaf nhằm khai thác và thông tin thêm về vấn đề trên nhưng chưa nhận được sự hồi đáp từ đơn vị này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận