Sân vận động quốc gia Bukit Jalil nằm trong khu liên hợp thể thao quốc gia Malaysia, phía nam thủ đô Kuala Lumpur. Với sức chứa 87.411 chỗ ngồi, Bukit Jalil là sân vận động lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ 9 trên Thế giới. Sân được khánh thành năm 1996 nhằm phục vụ Đại hội thể thao thịnh vượng chung 1998. Kể từ đây, Bukit Jalil luôn là lựa chọn hàng đầu cho những giải đấu thể thao cấp khu vực. Tại AFF 2018, Bukit Jalil là thánh địa của Malaysia khi thi đấu với đội tuyển Lào (12-11) và Myanmar (24-11) ở vòng bảng - Ảnh: Wikimedia
Sân vận động Kuala Lumpur là một sân đa năng ở Cheras, Kuala Lumpur, Malaysia. Được nâng cấp từ 18.000 lên 30.000 chỗ ngồi vào năm 2015, sân vận động chủ yếu được sử dụng cho các giải bóng đá quốc nội và những trận thi đấu cricket. Trận đấu bóng đá quốc tế duy nhất đến lúc này diễn ra ở đây là trận play-off lượt đi vòng loại AFF Cup 2018 giữa Timor Leste và Brunei. Tại vòng chung kết sắp tới, sân vận động này cũng là "sân nhà" của Timor Leste trong trận gặp Philippines (17-11) vì sân vận động ở thủ đô Dili không đủ điều kiện thi đấu quốc tế - Ảnh: Wikimedia
Sân vận động Gelora Bung Karno nằm tại khu liên hợp thể thao Bung Karno tại Jakarta, Indonesia. Khi mới xây dựng năm 1962, sân có sức chứa đến 110.000 chỗ ngồi, tuy nhiên sau 2 lần điều chỉnh vào năm 2006 và 2017, sân chỉ còn 77.193 chỗ ngồi. Ngày nay, đây là sân vận động lớn thứ 28 trên Thế giới và thứ 8 ở châu Á. Tại AFF Cup tới đây, đội tuyển Indonesia sẽ lần lượt gặp Timor Leste (13-11) và Philippines (25-11) trên sân Gelora Bung Karno - Ảnh: detik.com
Sân vận động Mandalar Thiri tọa lạc tại thành phố Mandalay, Myanmar với sức chứa khoảng 30.000 chỗ ngồi. Sân vận động từng là nơi tổ chức môn bóng đá nữ tại SEA Games 2013 và hiện nay là sân nhà của CLB Yadanarbon. Sắp tới, Mandalar Thiri sẽ là nơi Myanmar đón tiếp đội tuyển Campuchia vào ngày 12-11. - Ảnh: stadiumdb.com
Sân vận động Trung tâm đào tạo trẻ Thuwunna có sức chứa 32.000 chỗ ngồi, tọa lạc tại cố đô Yangon, Myanmar. Đây là nơi Myanmar thường được lựa chọn cho những trận đấu bóng đá tầm cỡ quốc tế như SEA Games 2013, vòng loại AFF Cup 2013, vòng bảng AFF Cup 2016. Ngày 20-11, Myanmar sẽ tiếp đội tuyển Việt Nam trên sân vận động Trung tâm đào tạo trẻ Thuwunna ở lượt đấu thứ 4 vòng bảng - Ảnh: stadiumdb.com
Sân vận động quốc gia Rajamangala - thuộc khu liên hợp thể thao Hua Mak, thủ đô Bangkok - là sân nhà của đội tuyển Thái Lan. Năm 1998, sân vận động được xây dựng để tổ chức các trận đấu bóng đá tại ASIAD 1998. Năm 2007, Rajamangala tiếp tục được chọn là nơi diễn ra các trận đấu bảng A Asian Cup 2007. Ban đầu, sân có sức chứa 65.000 chỗ ngồi nhưng giờ giảm xuống chỉ còn 49.722. Tại AFF Cup 2018, Rajamangala sẽ là nơi Thái Lan đón tiếp Indonesia (17-11), Singapore (25-11). Đông Timor cũng sẽ mượn Rajamangala là sân nhà trong trận đấu với chính… Thái Lan vào ngày 9-11. - Ảnh: Flickr.com
Sân vận động Olympic là một sân đa năng tại Phnom Penh, Campuchia. Được xây dựng năm 1963 và mở cửa năm 1964, sân vận động có sức chứa lên đến 70.000 chỗ ngồi. Sân vận động Olympic từng là nơi diễn ra trận đấu vòng loại World Cup 1966 giữa Triều Tiên và Úc với phần thắng nghiêng về đại diện châu Á cùng phần thưởng là suất thi đấu tại vòng chung kết. Tại AFF 2018, đội tuyển Campuchia sẽ thi đấu trên sân vận động này với Malaysia (8-11) và Lào (20-11) - Ảnh: Wikimedia
Panaad là sân vận động đa năng, nằm trong công viên Panaad rộng 25ha ở thành phố Bacolod, Philippines. Tuy có sức chứa tầm trung, chỉ khoảng 20.000 người, Panaad là nơi diễn ra nhiều sự kiện thể thao quan trọng, trong đó có SEA Games 2005. Ngày nay, sân vận động được xây dựng từ năm 1997 này là sân nhà của CLB Ceres-Negros F.C đang thi đấu tại giải vô địch quốc gia Philippines. Ngày 13-11 và ngày 21-11, Philippines lần lượt gặp Singapore và Thái lan trên sân nhà tại vòng bảng AFF Cup 2018. - Ảnh: Attracttour.com
Sân vận động Quốc gia Lào nằm trong Khu liên hợp thể thao quốc gia Lào, nằm cách trung tâm Viêng Chăn khoảng 20 km. Với sức chứa 25.000 chỗ ngồi, sân vận động này là công trình được xây mới hoàn toàn nhằm chuẩn bị cho SEA Games 2009. Tới đây, sân vận động này sẽ là nơi đón tiếp đội tuyển Việt Nam (8-11) và Myanmar (16-11). - Ảnh: Worldstadium.com
Sân vận động quốc gia Singapore nằm tại Kallang, miền nam Singapore, chính thức mở cửa trở lại vào năm 2014 sau gần 4 năm trùng tu nhằm chuẩn bị cho SEA Games 2015. Công trình lên đến gần 1,3 tỉ USD này là sân vận động duy nhất trên thế giới hiện tại có thiết kế tùy chỉnh phù hợp với nhiều môn thể thao như bóng đá, bóng bầu dục, cricket hay điền kinh hoặc tổ chức các buổi hòa nhạc hay chương trình giải trí. Với sức chứa khoảng 55.000 chỗ ngồi, đây là một trong những sân vận động hiện đại nhất châu lục. Hệ thống mái vòm của sân hiện đang giữ kỷ lục lớn nhất thế giới với đường kính 310m. Sân vận động quốc gia sẽ là nơi Singapore tiếp đón Indonesia (9-11) và Timor Leste (21-11). - Ảnh: Alamy.com
Sân vận động quốc gia Mỹ Đình chính thức đưa vào hoạt động tháng 9-2003. Đây là công trình trọng điểm Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 22, được sử dụng cho lễ khai mạc, bế mạc, các trận thi đấu bóng đá nam và bộ môn điền kinh. Sân vận động có sức chứa hơn 40.000 chỗ ngồi này là nơi chứng kiến đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên lên ngôi vô địch Đông Nam Á tại giải AFF Cup 2008. Năm nay, Mỹ Đình là nơi tuyển Việt Nam có trận đấu dự báo rất khó khăn với Malaysia vào ngày 16-11. - Ảnh: Nguyễn Dương - Toàn Vũ
Sân vận động Hàng Đẫy từng là nơi tổ chức các trận vòng bảng tại AFF Cup 1998 và cũng là nơi chứng kiến thất bại trong trận chung kết của đội tuyển Việt Nam trước Singapore. Sân vận động 22.500 chỗ ngồi này thường chỉ là lựa chọn thứ 3 cho các trận đấu quốc tế của đội tuyển Việt Nam, sau sân Mỹ Đình và sân Thống Nhất. Tại AFF Cup 2018, đội tuyển Việt Nam sẽ đón tiếp người láng giềng Campuchia vào ngày 24-11. - Ảnh: Hà Nội FC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận