Một sớm - Ảnh: TRẦN BẢO HÒA
Nói đến xứ Huế mộng mơ, du khách thường nghĩ ngay đến những di tích lăng tẩm Huế, sông Hương, núi Ngự hay chùa Thiên Mụ.
Ngoài các địa điểm trên, Đầm Chuồn có diện tích khoảng 100ha là điểm đến du khách không thể bỏ qua. Đây là đầm nước lợ trong hệ thống đầm , thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đầm Chuồn vào mỗi thời khắc trong ngày mang vẻ đẹp riêng. Lúc bình minh, Đầm Chuồn có màu cam đỏ hay cam hồng, rực sáng trong nắng vàng ban trưa và nhộm màu tím hồng trong buổi chiều tà.
Toàn cảnh Đầm Chuồn - Ảnh: TRẦN BẢO HÒA
Vẻ đẹp yên bình nhìn từ trên cao - Ảnh: TRẦN BẢO HÒA
Đối với các nhiếp ảnh gia, Đầm Chuồn là đề tài thú vị để thỏa sức đam mê sáng tác ảnh. Anh Trần Bảo Hòa (Đắk Lắk) cho biết nhiều lần ghé thăm Đầm Chuồn nhưng vẫn bị cuốn hút trước nhịp sống êm ả nơi đây.
"Tờ mờ sáng, tôi bay flycam để ghi lại các shot hình Đầm Chuồn đẹp mơ màng trong sương sớm. Bức tranh ráng hồng cam của những đám mây phiêu du lúc bình minh khiến tôi mãi ngơ ngẩn chốn phong vị nơi mô. Vẫn khung cảnh và những ngư dân cần mẫn ấy, chỉ có điều là nhịp sống sinh động hơn" - anh Bảo Hòa có chuyến trở lại Đầm Chuồn giữa tháng 12-2018 chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Các thuyền của ngư dân hoạt động nhộn nhịp trên Đầm Chuồn - Ảnh: TRẦN BẢO HÒA
Trước đây, đầm phá Tam Giang là vùng đất rộng ngập sâu trong nước, nhiều sình lầy, sóng gió và thuyền bè đi lại dễ gặp nạn. Nhưng ngày nay khu vực đầm phá này dễ đi lại, có nguồn tài nguyên biển quý giá để người dân đánh bắt làm nguồn sống, trong đó Đầm Chuồn còn là nơi thú vị để du khách trải nghiệm cuộc sống mưu sinh của người dân.
Đầm Chuồn mênh mang sóng nước - Ảnh: TRẦN BẢO HÒA
Tại Đầm Chuồn, du khách dễ dàng nhận ra những chiếc vó có màu nâu vàng, những chắn sáo (còn gọi vây ví, một hệ thống ngư cụ để ngư dân nuôi các hải sản trên đầm), đặc biệt là những "nhà chồ" tạo nên nét chấm phá cho Đầm Chuồn.
Nhà chồ, đặc thù của người dân miền sông nước, là những căn nhà lán rộng khoảng 5m2 được dựng từ tre lồ ô trên đầm.
Nhà lán vẫn có đủ điều kiện để người dân sinh hoạt. Đây còn là nơi du khách nghỉ đêm, ngắm trăng sao và được nhậu lai rai với ngư dân thì không có gì thú vị cho bằng.
Hệ thống chắn sáo để ngư dân nuôi hải sản - Ảnh: TRẦN BẢO HÒA
Một khu vực chắn sáo và nhà chồ của ngư dân - Ảnh: TRẦN BẢO HÒA
Cận cảnh nhà chồ - Ảnh: TRẦN BẢO HÒA
Các loại hải sản tươi ngon tại Đầm Chuồn có thể kể đến như cua, ghẹ, cá ong, cá dìa, cá mú, cá nâu hay cá kình. Chúng được ngư dân nuôi trong những chắn sáo hay đánh bắt tự nhiên.
Sau khi trải nghiệm cùng cuộc sống ngư dân và ghi lại vẻ đẹp yên bình Đầm Chuồn, du khách trên đường về đừng quên ghé chợ làng Chuồn thưởng thức món bánh khoái cá kình nổi tiếng.
"Rời Đầm Chuồn nhưng dường như vẫn còn lưu luyến, luôn in mãi những kỷ niệm đẹp trong tim. Hẹn một ngày trở lại Đầm Chuồn thêm lần nữa" - anh Bảo Hòa cho biết.
Cuộc sống mưu sinh của ngư dân trên đầm - Ảnh: TRẦN BẢO HÒA
Quang cảnh sinh hoạt nhộn nhịp hiện lên bức tranh Đầm Chuồn đầy sức sống - Ảnh: TRẦN BẢO HÒA
Bản đồ hướng dẫn các đường đi từ trung tâm thành phố Huế tới Đầm Chuồn - Ảnh chụp màn hình
Bạn có kỷ niệm từ những chuyến du lịch muốn chia sẻ với độc giả? Mời bạn gửi email bài và ảnh về địa chỉ [email protected], vui lòng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Tuổi Trẻ Onlinecảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận