Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và tế nhị đối với học sinh mới lớn. Trên giấy tờ, lý thuyết bao giờ cũng được lập luận chặt chẽ, hợp lý và khoa học, nhưng khi đi vào triển khai thực hiện lại là chuyện khác, không hề đơn giản chút nào. Trách nhiệm giáo dục giới tính thuộc về ai? Phải bắt đầu từ độ tuổi nào? Thực hiện dưới hình thức nào và tổ chức ra sao?
Đến nay vấn đề vẫn chưa có một hướng đi cụ thể nào cả. Trong nhà trường, chương trình phổ thông có lồng ghép, giới thiệu sơ qua về giới tính và vệ sinh giới tính. Tuy nhiên, chương trình vẫn chưa giải quyết được vấn đề trọn vẹn, chỉ mới dừng lại ở bước khám phá, tìm hiểu nên dễ tạo tâm lý băn khoăn, tò mò trong tâm trí học sinh.
Giáo dục giới tính đặt ra hai vấn đề: trang bị kiến thức về giới tính và giáo dục về nhận thức, ý chí để chiến thắng bản thân. Tâm lý tuổi mới lớn bao giờ cũng muốn khám phá sự thay đổi bất ngờ, kỳ lạ của bản thân.
Do đó, giáo dục giới tính học đường cần phải nói về vấn đề thật rõ ràng, không úp mở để học sinh khỏi phải thắc mắc, trở lại tìm hiểu dựa trên những thông tin sai lệch. Sự phân tích tâm lý ở từng độ tuổi là cần thiết, không nên ức chế bản năng.
Hiện nay chúng ta đang tiến hành giáo dục giới tính nửa vời rất nguy hiểm. Chúng ta đang cho học sinh biết hầu như tất cả mọi thứ, từ vệ sinh thân thể giới tính đến những vấn đề sinh sản, tính dục (sách sinh học lớp 8 mới hiện nay có đề cập đến phần nào).
Thế nhưng, chúng ta lại không đề cập đến vấn đề giáo dục về đạo đức, ý chí để trang bị cho học sinh về mặt ý thức nhằm kiểm soát hành vi. Điều đó thật sự nguy hại cho xã hội, khi giới trẻ đang đem chuyện “tình yêu tính dục” ra làm “phép thử” để chứng minh tình yêu chân thành và tuyệt đối của mình.
Phải giáo dục nhận thức, tư tưởng, tình cảm đúng đắn cho học sinh trong quá trình tiếp cận vấn đề. Giáo dục giới tính hiện nay đang thiếu hẳn cả về một vấn đề lớn, đó là tính giáo dục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận