09/08/2024 06:11 GMT+7

Về Bình Dương ăn bánh mì Ba cô gái truyền 3 đời trong 70 năm

Xe bánh mì Ba cô gái hết rong ruổi trên các ngõ đường, rồi lại nép mình vào một góc ngã tư nhỏ. Vậy mà làm người ăn nhớ nhung suốt 70 năm.

Ổ bánh mì Ba cô gái với hương vị đặc biệt níu chân thực khách suốt 70 năm - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG

Ổ bánh mì Ba cô gái với hương vị đặc biệt níu chân thực khách suốt 70 năm - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG

Đi ngang cầu Phan Đình Phùng (Bình Dương) vào mỗi chiều, người qua đường dễ dàng bắt gặp hàng người xếp quanh một xe bánh mì nhỏ.

Đó là xe bánh mì 3 đời của bà Đỗ Ngọc Sương (42 tuổi), mà khách quen gọi là Bánh mì Ba cô gái.

Tuy cái nắng đầu chiều gay gắt, thực khách vẫn kiên nhẫn chờ đợi bà Sương với từng ổ bánh mì thơm ngon.

Có lẽ một phần là do hương vị của món ăn quen thuộc này qua công thức riêng của gia đình bà Sương khiến người ăn nhớ hoài.

Bánh mì Ba cô gái "rong ruổi" qua 3 thế hệ

Hơn 70 năm trước, xe bánh mì ông Sen là một phần quen thuộc trong đời sống thường ngày của người dân Lái Thiêu (Bình Dương).

Mỗi ngày, ông Sen, là ông nội bà Sương và cũng là người tạo ra công thức của tiệm bánh hiện nay, đều đặn đẩy xe vòng quanh các con đường, con hẻm để mời mọc từng nhà.

Về Bình Dương ăn bánh mì Ba cô gái truyền 3 đời trong 70 năm- Ảnh 2.

Xe bánh mì Ba cô gái nằm ở một góc ngã tư nhỏ khu vực Lái Thiêu (Bình Dương) - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG

Được một thời gian, vị bánh mì của ông khiến người ăn… bị ghiền! "Do ông nội tôi là một trong những người bán đầu tiên ở Lái Thiêu nên người ta mua đông lắm. Giờ hỏi mấy người lớn tuổi thì ai cũng biết" - bà Sương kể.

Không những vậy, hương vị của tiệm còn để lại niềm nhớ nhung cho những người nơi xa. Bà Sương bật cười xen kẽ niềm hạnh phúc khi nhớ về một vị khách cũ:

"Hồi lúc hàng xóm tôi đón anh em họ từ nước ngoài về chơi. Ban đầu họ dẫn nhau đi ăn, đi chơi nhiều chỗ sang trọng lắm.

Đến lúc chuẩn bị lên máy bay về nước thì ghé tôi mua hai ổ bánh mì theo ăn.

Vừa ăn xong thì hai người đó gọi điện về cho ổng biểu: "Sao bữa giờ ông không dẫn tôi đi ăn bánh mì ở Việt Nam?"".

Hương vị ấy rong ruổi qua nhiều con ngõ, qua từng thế hệ. Đến đời mẹ bà Sương bán thì bắt đầu thuê được một chỗ cố định. Đó cũng là địa chỉ của tiệm hiện nay.

Ban đầu, bà Sương không định theo nghề của ông và mẹ, thay vào đó bà làm công việc riêng. Nhưng sau này thấy mẹ bán cực nhọc nên bà quyết định nghỉ để phụ mẹ.

Mỗi ngày tiệm bán 1.000 ổ bánh mì là điều bình thường. Bà phải thuê thêm hai người bán phụ, riêng các ngày cuối tuần sẽ có người nhà ra giúp. Cứ thế, khách đến ăn nhiều lần rồi đặt cho chiếc xe là xe bánh mì Ba cô gái.

Vị bánh mì là sự hòa quyện bên trong

Khi được hỏi điểm đặc biệt trong bánh mì mà ông nội để lại, bà Sương cho hay bánh mì ở tiệm suốt 70 năm chỉ lấy ở một lò duy nhất. Thợ làm bánh ở đây người ta tận tâm nhồi từng ổ bánh bằng tay.

Nhờ đó, người ăn có thể cảm nhận độ dẻo, thơm của lớp vỏ bên ngoài. Khi nhai đến ruột bánh mì, phần bột bánh có độ mềm nhất định, không quá nhiều bột khiến người ăn bị ngán.

Bánh mì làm thủ công có giá đắt hơn bánh bình thường, nhưng nhiều thực khách đến ăn cảm thấy thích nên bà Sương chiều ý khách. Có lẽ vì thế, khi đứng chờ để lấy bánh mì, người xếp hàng có thể thấy không ít khách vào để mua bánh mì không.

"Ở đây tôi bán cả hai loại, bánh mì nhồi tay và bánh mì thường. Nhưng bánh thường tôi cũng lựa kỹ để nó mềm và ngon hơn những lò khác" - bà Sương kể.

Về Bình Dương ăn bánh mì Ba cô gái truyền 3 đời trong 70 năm- Ảnh 6.
Về Bình Dương ăn bánh mì Ba cô gái truyền 3 đời trong 70 năm- Ảnh 7.

Bánh mì Lái Thiêu nhỏ hơn (bên trên) nhưng dẻo và giòn hơn bánh mì bình thường - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG

Ngoài ra, bánh mì Ba cô gái còn để lại hương vị khác lạ so với bánh mì bình thường. Bà Sương chia sẻ ông nội là người Hoa, nên có lẽ công thức nêm nếm cũng khác hơn với người Việt.

"Có khách từng hỏi tôi bánh mì xịt thêm miếng nước tương, không có nước xốt sao mà ngon. Xong mấy người ăn trước đó mới bảo là ăn rồi mới biết, nhìn cách làm sao mà biết ngon hay dở" - bà Sương cười nói.

Đối với thịt trong bánh, bà Sương sẽ dùng muối, đường, bột ngọt để ướp và luộc. Còn các thức ăn kèm khác như xíu mại, đồ chua, đu đủ… sẽ do nhà bà tự làm.

Về Bình Dương ăn bánh mì Ba cô gái truyền 3 đời trong 70 năm- Ảnh 8.
Về Bình Dương ăn bánh mì Ba cô gái truyền 3 đời trong 70 năm- Ảnh 9.
Về Bình Dương ăn bánh mì Ba cô gái truyền 3 đời trong 70 năm- Ảnh 10.
Về Bình Dương ăn bánh mì Ba cô gái truyền 3 đời trong 70 năm- Ảnh 11.
Về Bình Dương ăn bánh mì Ba cô gái truyền 3 đời trong 70 năm- Ảnh 12.

Các thức ăn kèm với bánh mì do gia đình bà Sương tự chế biến - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG

Một ổ bánh mì của bà Sương khi được nhận đầy đủ sẽ cho người ăn cảm nhận hương vị hòa quyện của tất cả thành phần bên trong, gồm có độ béo nhẹ của bơ, vị ngọt ngọt của thịt và độ mặn của nước tương.

Cứ vậy, ổ bánh mì đó níu chân hết thực khách này đến thực khách khác suốt 70 năm.

Là khách quen suốt nhiều năm của quán, chị Vy chia sẻ cảm thấy bánh mì đặc ruột ở đây luôn dẻo, nóng giòn. Chị nói: "Gia đình tôi từ trước đến giờ chỉ ăn ở đây".

Mấy chục năm trời cùng chiếc xe bánh mì thân thuộc, bà Sương tâm sự: "Sau này con cái tôi có muốn bán tiếp không thì tôi không biết, nhưng tôi sẽ bán tới khi không còn bán nổi thì thôi".

13 năm bánh mì vào từ điển Oxford13 năm bánh mì vào từ điển Oxford

Ở bất cứ đâu, khi hai chữ 'banh mi' bật lên thì biết ngay người ta đang nói đến ổ bánh mì Việt Nam. Đó là món ăn mà người nước ngoài muốn thưởng thức thì phải nói bằng tiếng Việt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên