Biển xanh, cát trắng và những cánh rừng hoang sơ ở Ninh Vân
Trái ngược với không khí náo nhiệt của những vũng biển xanh ngắt trên dọc dài Tổ quốc những ngày lễ 30-4, có một vùng biển thanh bình pha nét hoang sơ đón những nhóm du khách vượt đường xa đến vừa chiêm bái cảnh sắc thiên nhiên, vừa cúi đầu tri ân những an hùng liệt sĩ trên vết tích của con đường Hồ Chí Minh trên biển năm xưa còn lưu lại chốn này.
Đó là di tích lịch sử con tàu 235 không số - một trong số tàu vận chuyển vũ khí dọc đường Hồ Chí Minh trên biển thời chống Mỹ - tại chiến khu Hòn Hèo, xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa).
Đi qua những năm tháng chiến tranh và 5 thập kỷ hòa bình, vùng biển Hòn Hèo bây giờ là một điểm du lịch độc đáo của Khánh Hòa, khi vừa mang trong mình nét hoang sơ vừa mang dáng dấp của một làng chài đang “thức giấc” hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn.
Nằm cách Nha Trang hơn 60km, vùng biển Hòn Hèo từng được gọi là xã đảo vì không có đường bộ. Cách duy nhất là đi bằng đường biển từ Nha Trang.
Tuy nhiên, khi cung đường uốn lượn quanh co dưới những ngọn núi vươn ra biển, khu vực Hòn Hèo đã thay da đổi thịt khi có hạ tầng đồng bộ, có những resort, khu cắm trại, khách sạn, hàng quán... dần dần mọc lên.
Đến di tích lịch sử di tích lịch sử con tàu 235 những ngày này, ai cũng lắng đọng trước hình ảnh những nhóm nhỏ du khách kẻ mái đầu xanh, người đã điểm bạc nghiêng mình trước bia tưởng niệm khắc ghi trận chiến năm xưa của một giai đoạn vệ quốc đầy hào hùng.
“Đến Hòn Hèo để thấy yêu hơn biển đảo quê hương, để thấy giá trị của hòa bình là đánh đổi bằng máu xương của biết bao anh hùng mới có được những tháng ngày thống nhất non sông như hôm nay” - Lê Hiếu Giang (du khách Quảng Trị) chia sẻ.
Biển Hòn Hèo - chứng nhân của trận chiến bi tráng
Di tích tàu 235 nổi tiếng với tấm gương chiến đấu kiên cường và hy sinh oanh liệt của thuyền trưởng, anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh cùng 20 cán bộ, chiến sĩ thuộc biên chế tàu 56 năm trước.
Tại vùng biển Hòn Hèo vào 3-1968 đã diễn ra trận chiến bi tráng của tàu 235 đánh trả bảy tàu chiến, hàng chục trực thăng chiến đấu và hai liên đoàn biệt động khi thực hiện nhiệm vụ bí mật là chở 14 tấn vũ khí tiếp tế cho miền Nam.
Trong đó, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã cho tàu chạy vào bãi Ninh Phước để thả vũ khí, rồi về bãi Ninh Vân đánh lạc hướng vị trí thả hàng, kiên cường chống trả trước khi cho nổ bộc phá hủy tàu trên vùng biển Ninh Vân để xóa dấu vết, giữ bí mật con đường Hồ Chí Minh trên biển.
Trong trận chiến bi tráng này, có 14/21 chiến sĩ tàu 235 anh dũng hy sinh tại vùng biển Ninh Vân và rừng Hòn Hèo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trà Thái Lâm - nguyên chủ tịch UBND xã Ninh Vân - cho biết nhờ kết nối giao thông, Ninh Vân bây giờ đã thay da đổi thịt và rộng cửa đón du khách gần xa đến với vùng biển đẹp và hào hùng bởi chứng tích của con đường Hồ Chí Minh trên biển.
Ẩm thực địa phương ở chợ Ninh Vân làm xao lòng bao du khách có tâm hồn ăn uống
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận