19/08/2024 11:15 GMT+7

Vẽ bậy nơi công cộng: Lời người trong cuộc

Vẽ ngẫu hứng trên đường phố là nghệ thuật hay phá hoại? Câu hỏi này không khó để trả lời. Tuy nhiên, hãy một lần lắng nghe những người vẽ bậy nơi công cộng, để biết họ bị bệnh gì để tìm giải pháp và kê toa trị cho đúng bệnh.

Vẽ bậy nơi công cộng: Lời người trong cuộc - Ảnh 1.

Những tác phẩm "tự do sáng tạo" vẽ không đúng chỗ trên đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: N.T.P.

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM vừa tiến hành dự án sơn chỉnh trang, tẩy xóa hình vẽ bậy tại các công trình cầu đường lớn, với tổng chi phí gần 5 tỉ đồng.

Thế nhưng chỉ trong vòng vài ngày sau khi thực hiện tẩy xóa, tại khu vực hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh và nhiều tuyến đường lớn ở TP.HCM đã bị xịt sơn trộm, vẽ bậy trở lại khiến nhiều người dân vô cùng bức xúc.

Làm thế nào để ngăn chặn nạn vẽ bậy đang diễn ra tràn lan như hiện nay?

Theo bạn đọc, ngoài biện pháp phạt thật nặng, thậm chí cần phải xử lý hình sự... một số ý kiến còn lại nên tìm hiểu nguyên nhân sâu xa nào dẫn đến vấn nạn trên để "bốc thuốc" đúng bệnh?

Nhằm góp thêm góc nhìn khác xung quanh câu hỏi này, dưới đây là ghi nhận của bạn đọc Gia Hân (TP.HCM).

Vẽ ngẫu hứng trên đường phố là nghệ thuật hay phá hoại?

Tôi đã gặp một số người thích vẽ, yêu thích graffiti đường phố để hiểu hơn về lý do họ theo đuổi bộ môn nghệ thuật này. Qua đó cũng muốn lắng nghe chia sẻ của những người trong cuộc câu chuyện về tinh thần của graffiti - "tự do sáng tạo"

Và anh Tâm (thợ xăm, 30 tuổi), bảo mình là "nghệ sĩ đơn độc", đã chia sẻ những câu chuyện xung quanh chủ đề này.

Anh tâm sự: "Không phải ai cũng có điều kiện thể hiện tài năng nghệ thuật của mình trong phòng trưng bày hay tham gia các cuộc thi có quy mô lớn, nhưng lại rất muốn mọi người thấy mình, khao khát để lại dấu ấn".

Do đó, cũng như anh Tâm, những người yêu thích graffiti đường phố hay còn gọi cái tên khác là phá hoại hay "vẽ bậy nơi công cộng" đã "xuống đường" để thể hiện ý tưởng của mình bằng cách sử dụng sơn xịt, bút đánh dấu, bất cứ thứ gì có thể theo ngẫu hứng.

Thế đó, từ những cuộc trò chuyện với những người yêu thích graffiti như anh Tâm, như các nhân vật không muốn nêu tên đã mở ra cho tôi một góc nhìn mới về vấn đề vẽ nơi công cộng.

Đối với họ, graffiti không phải là hành vi phá hoại, mà là cách để tự do biểu đạt, để thể hiện cái tôi, tạo ra kết nối đặc biệt với không gian công cộng.

Graffiti với bản chất tự do và không theo khuôn khổ. Có thể là thuần túy nghệ thuật hoặc hiểu là phá hoại, tùy thuộc vào cách chúng ta nhìn nhận và đánh giá.

Không gian công cộng thuộc về mọi người?

Ngoài ra trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi phát hiện một điểm chung của các thành viên thích vẽ trên đường phố. Theo đó, họ cho rằng không gian công cộng không của riêng ai, mọi người đều có quyền thể hiện tiếng nói của mình.

"Nơi công cộng là của chung mọi người. Tại sao chúng ta lại không thể đóng góp vào đó, tạo một dấu ấn riêng?", anh Nam (họa sĩ tự do, 32 tuổi) hỏi.

Còn Hà (thiết kế đồ họa, 28 tuổi) chia sẻ: "Sao nhiều người ghét graffiti, nhưng lại không thắc mắc khi không gian công cộng bị bao phủ bởi những thứ còn phản cảm hơn, đó là các bảng quảng cáo. Trong đó có bảng còn mang tính "xúc phạm" khi cho rằng chúng ta không đủ đẹp, không đủ giỏi, bị yếu sinh lý, không biết cách quản lý tiền"...

Tương tự, Thiên Anh (sinh viên đại học năm 2) nói: "Tôi nghĩ kế bên những tòa nhà chọc trời, các khu dân cư được quy hoạch gọn gàng, các biển quảng cáo khắp lối đi… thì graffiti vẫn là một phần của văn hóa đô thị, phản ánh sự đa dạng của xã hội hiện đại".

"Với tôi, tinh thần graffiti thể hiện sự tự do tuyệt đối, không cần bắt chước làm theo ai khác, không ngần ngại khai phá những không gian mới mẻ", Hà An (làm trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, 24 tuổi) góp thêm.

Nhưng dù với bất kỳ mục đích gì, lý do gì, có một điều không thể thay đổi: Nghệ thuật phải được vẽ đúng chỗ, không phải nghệ thuật muốn làm gì thì làm.

Nghệ thuật vẽ không đúng chỗ chẳng khác gì câu chuyện: Đẹp mà không đẹp kể về câu chuyện giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa của tác giả Lục Văn Vận, nhắc nhở chúng ta hãy biết giữ gìn cảnh quan chung.

Chất "gây nghiện" của môn nghệ thuật hoang dã

Trò chuyện của một họa sĩ minh họa độc lập, đã gắn bó với graffiti hơn 10 năm, cho thấy sức hút mãnh liệt của bộ môn này. Anh kể rằng mình bị thu hút bởi sự bí ẩn và cảm giác như một "nghệ sĩ thực thụ" khi cầm bình xịt sơn, đội nón lệch và mặc quần áo rộng.

Lần đầu tiên nhìn thấy những người vẽ graffiti theo dòng nhạc rap trên tivi, cảm nhận được sự hưng phấn và ngay lập tức bị cuốn hút. "Woa, quá ngầu! Tôi nghĩ thật thú vị nếu mình đứng đó với bộ cọ vẽ graffiti và bị ám ảnh bởi môn nghệ thuật này".

"Sự mê hoặc của graffiti không nằm ở sự chấp nhận hay tán dương của công chúng, mà ở cảm giác được tự do sáng tạo và để lại dấu ấn cá nhân trên những bức tường", một nghệ sĩ đường phố cho biết.

Thăm dò ý kiến

Để góp phần ngăn chặn nạn vẽ bậy đang diễn ra tràn lan, theo bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Vẽ bậy nơi công cộng: Lời người trong cuộc - Ảnh 1.Tốn 5 tỉ đồng sơn sửa, chống vẽ bậy trên các cầu lớn

Nhiều công trình cầu, hầm chui, trạm xe buýt hay hàng ngàn nhà dân tại TP.HCM từ lâu đã trở thành nơi vẽ bậy cho các nhóm graffiti.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên