28/08/2012 02:31 GMT+7

VĐV thiểu năng trở lại với Paralympic 2012

T.PHÚC
T.PHÚC

TT - Khoảng 200 VĐV thiểu năng sẽ tham dự Olympic người khuyết tật (Paralympic) 2012 tại London sau 12 năm làm khán giả bất đắc dĩ.

CFrV1iyJ.jpgPhóng to

VĐV bóng bàn thiểu năng Pereira-Leal đã có cơ hội tham dự Paralympic 2012 - Ảnh: Reactiss

Tại Olympic 2000, đội tuyển bóng rổ thiểu năng Tây Ban Nha bị tước HCV vì sử dụng nhiều cầu thủ không bị thiểu năng. Một nhà báo cũng là thành viên của đội thừa nhận với AFP: “Ít nhất 15 VĐV trong đoàn Tây Ban Nha (khoảng 200 VĐV) hoàn toàn không có khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần. Nhiều nước khác cũng có VĐV không khuyết tật”.

Những gian lận đáng xấu hổ này khiến VĐV thiểu năng bị gạt khỏi hai kỳ Paralympic liên tiếp tại Athens (2004) và Bắc Kinh (2008). Tuy nhiên, ban tổ chức Paralympic 2012 quyết định cho họ thi đấu trở lại để họ được “hội nhập, thi đấu và giành chiến thắng”. Nhưng để đảm bảo công bằng, chủ tịch Ủy ban Paralympic quốc tế Philip Green tuyên bố sẽ nghiêm ngặt trong đánh giá, phân loại VĐV theo các tiêu chí vừa được Liên đoàn Thể thao người thiểu năng quốc tế (INAS-FID) ban hành.

Điều này mang đến ảnh hưởng tích cực cho VĐV thiểu năng và INAS-FID trong việc kêu gọi tài trợ. Phó chủ tịch Liên đoàn Thể thao người khuyết tật Pháp Marc Truffaut nói với AFP: “Nếu không được dự Paralympic, VĐV thiểu năng không còn giải đấu chất lượng nào nữa và gặp khó khăn để được xã hội công nhận”.

Khoảng 200 VĐV thiểu năng (tương đương 4,76% tổng số VĐV dự Paralympic 2012) sẽ tranh tài ở ba môn: bơi lội, điền kinh và bóng bàn. Lượng VĐV quá ít (nhiều nội dung có dưới sáu VĐV tham dự) nhưng họ sẽ là tâm điểm chú ý của mọi người bởi mỗi VĐV thiểu năng sẽ mang đến nhiều bài học quý giá về nỗ lực vươn lên cuộc sống.

Theo các HLV thể thao khuyết tật, để được có mặt tại Paralympic, các VĐV thiểu năng là những người đáng tự hào bởi đối với họ, việc hiểu ý HLV truyền đạt hoặc thị phạm đôi khi cũng là vấn đề đầy khó khăn. Ông Truffaut nói: “Bạn phải thật sự sống cùng họ và kiên nhẫn giải thích mọi chuyện”.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi HLV Bertrand Sebire của VĐV bơi lội thiểu năng vô địch thế giới 50m ếch Alicia Mandin (23 tuổi) ca ngợi học trò: “Mandin thật phi thường. Cô làm tôi ngạc nhiên cả trong cuộc sống lẫn thi đấu với nghị lực đặc biệt”. Thuở nhỏ, Mandin bị động kinh khiến trí não chậm phát triển. Bơi lội đã giúp Mandin thay đổi cuộc đời, từ một người nhút nhát, thiếu tự tin và dễ bị tổn thương trở thành cô gái vui tính và dễ bắt chuyện.

HLV Yves Drapeau của VĐV bóng bàn thiểu năng vô địch thế giới người Pháp Pascal Pereira-Leal nói với AFP: “Pereira-Leal (29 tuổi) bị tâm thần nhẹ từ thuở nhỏ và đam mê bóng bàn vô hạn. Tuổi thơ Pereira-Leal gắn liền với bệnh viện nên tìm đến bóng bàn và các giải đấu để quên bệnh tật”. Pereira-Leal nói: “Được thi đấu tại Paralympic là một sự công nhận với tôi trong cuộc sống này”.

T.PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên