21/04/2012 17:44 GMT+7

VĐV muốn gì sau nghiệp đấu?

LÊ QUANG LIÊM
LÊ QUANG LIÊM

TTO - Nhiều người vẫn nói sự nghiệp thể thao bấp bênh vì tuổi nghề ngắn mà sau khi kết thúc thi đấu lại không dễ kiếm việc làm thích hợp. Thế làm sao VĐV an tâm cho tương lai để hết mình với thể thao?

Trong mục Blog Lê Quang Liêm tuần này, kỳ thủ số 1 VN sẽ chia sẻ những suy nghĩ của mình. TTO xin giới thiệu.

1ODBEVaB.jpgPhóng to

VĐV có thành tích, ngoài niềm vui cá nhân còn là sự tự hào của tỉnh thành nơi đào tạo và đất nước nói chung - Ảnh: TTO

Có một thực tế làbất kỳ nhà quản lý nào cũng mong muốn VĐV luôn phát huy hết tiềm năng, sức lực của mình để mang đến thành tích, cụ thể là các tấm huy chương qua các giải thi đấu quốc gia, châu lục… và luôn ao ước các VĐV kéo dài thời kỳ đỉnh cao càng lâu càng tốt.

Muốn vậy - theo suy nghĩ của cá nhân tôi - các VĐV cần được ngành thể thao chăm sóc và tạo điều kiện tối đa để họ cống hiến. Một số nơi, sau khi tìm được các VĐV năng khiếu, hầu như chỉ đầu tư để họ phấn đấu cho những chiếc huy chương trong nước và khu vực.

Khi những VĐV này đoạt được các huy chương giải Đại hội TDTT hay SEA Games thì đã xem là đủ, đơn vị chủ quản không còn ý muốn tiếp tục đầu tư nữa. Đó là một sự phí phạm lớn khi nhiều VĐV của chúng ta có đầy đủ tiềm năng vươn đến những đấu trường cao hơn nữa.

Rõ ràng, nếu một VĐV giành thành tích cấp châu lục hay thế giới, đó không chỉ là vinh dự của riêng cá nhân VĐV mà còn là sự tự hào của tỉnh thành nơi đào tạo và đất nước nói chung.

Đầu tư nâng cao khả năng chuyên môn của VĐV là một lộ trình đường dài, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, địa phương và xã hội chứ không thể để riêng cho một bên nào.

Để duy trì và phát triển trình độ, các VĐV cần được thi đấu thường xuyên, được tham gia những khóa huấn luyện chất lượng với những HLV phù hợp… Nếu thiếu những yếu tố này, VĐV cứ “tập chay” hoặc không tham dự những giải thi đấu thích hợp, tất yếu khả năng chuyên môn cũng như bản lĩnh thi đấu sẽ bị “cùn” dần, tiềm năng phát triển cũng theo đó mất đi.

Các VĐV giỏi, chuyên cần, nghiêm túc tập luyện, có thành tích cao được tưởng thưởng xứng đáng cho công sức lao động của mình. Qua đó, đây là tấm gương cho các VĐV đàn em noi theo. Thể thao cần có tranh đua, phấn đấu mới phát triển được.

Tôi cho rằng chính sách đầu tư, đãi ngộ không nên thực hiện theo kiểu “cào bằng”, vì điều này sẽ gây ra tâm lý VĐV tự hài lòng với bản thân dẫn đến chủ quan, chểnh mảng tập luyện.

Các VĐV có những đẳng cấp khác nhau nhưng lại hưởng chính sách đãi ngộ như nhau hoặc không khác nhau lắm là điều không hợp lý… và đó là nguồn gốc dẫn đến sự thiếu động lực phấn đấu của các VĐV. Mà đã thiếu động lực thì làm sao phát triển được chuyên môn và thành tích?

Kinh tế đất nước còn khó khăn, nên chăng thể thao cần tập trung đầu tư vào một số môn phổ biến hoặc vào các VĐV đẳng cấp và VĐV hứa hẹn kế thừa. Điều này sẽ đem lại hiệu quả đáng kể: vừa tập trung, không bị phân tán nguồn lực, vừa tạo động lực tinh thần cho mỗi VĐV phấn đấu nhiều hơn nữa.

Wqf79Io5.jpgPhóng to
Thể thao luôn mang lại cho người hâm mộ những giờ phút thăng hoa vì màu cờ sắc áo - Ảnh: TTO

Các VĐV giỏi, chuyên cần, nghiêm túc tập luyện, có thành tích cao được tưởng thưởng xứng đáng cho công sức lao động của mình. Qua đó, đây là tấm gương cho các VĐV đàn em noi theo. Thể thao cần có tranh đua, phấn đấu mới phát triển được.

Thể thao TP.HCM trong nhiều năm qua đã có chiến lược đầu tư trọng điểm cho một số VĐV hàng đầu. Nhìn lại, tôi thấy mình may mắn hơn nhiều kỳ thủ các tỉnh thành khác khi có được sự ủng hộ của đơn vị chủ quản. Thời gian qua, nhờ thường xuyên được thể thao TP.HCM tạo điều kiện tập huấn, thi đấu nước ngoài nên tôi có được sự tiến bộ rõ rệt về chuyên môn.

Thiết nghĩ, để thuyết phục được các gia đình cho con em mình theo thể thao chuyên nghiệp: phải bắt đầu từ bước cơ bản nhất là có những chính sách đầu tư, đãi ngộ hợp lý, minh bạch, nhất quán và luôn có lý có tình.

Bàn đến giai đoạn kết thúc sự nghiệp thi đấu của VĐV: phần đông họ sẽ chuyển sang sự nghiệp huấn luyện. Điều đó cũng dễ hiểu, vì suốt thời gian dài họ không làm gì khác ngoải việc gắn bó với thể thao. Quãng thời gian đó đã đem đến cho họ những kinh nghiệm nghề nghiệp từ thực tế, điều này sẽ giúp họ làm tốt công tác HLV.

Tuy nhiên, dường như thể thao VN vẫn chưa sử dụng hết nguồn nhân lực này. Đó là sự lãng phí chất xám, kinh nghiệm của những người đi trước mà lẽ ra có thể giúp ích được nhiều cho việc phát triển những thế hệ kế cận.

Nhiều người vẫn thường nói sự nghiệp thể thao khá bấp bênh, vì tuổi nghề thì ngắn mà sau khi kết thúc thi đấu lại không dễ kiếm việc làm thích hợp. Đôi lúc họ phải chọn một nghề mà đối với họ giống như làm lại từ đầu ở cỡ tuổi không còn trẻ nữa. Như vậy làm sao VĐV có thể an tâm cho tương lai của mình để hết mình với thể thao?

Khi các VĐV nhận thấy chính sách đãi ngộ của thể thao luôn đảm bảo hiện tại và tương lai đối với các VĐV thành tích cao thì chắc hẳn sẽ nỗ lực tập luyện, cống hiến hết mình cho thể thao. Lúc đó chúng ta không những tạo ra được một dàn VĐV trình độ cao, mà còn có những lớp kế thừa hứa hẹn, nhờ đó thể thao nước nhà sẽ ngày càng phát triển.

LÊ QUANG LIÊM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên