02/10/2019 15:24 GMT+7

VCCI đề xuất xã hội hóa duyệt phim và bỏ đặt hàng phim bằng ngân sách

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Trong công văn góp ý với Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho rằng cần bỏ việc độc quyền kiểm duyệt phim, cũng bãi bỏ quy định đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước.

VCCI đề xuất xã hội hóa duyệt phim và bỏ đặt hàng phim bằng ngân sách - Ảnh 1.

Thạch Thảo là bộ phim được Nhà nước đặt hàng sản xuất gần đây - Ảnh: ĐPCC

Tháng 8-2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị - Hội thảo lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi). 

Trong số những góp ý gửi về, có một góp ý rất đáng chú ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI. Trong đó có nhiều nội dung chỉ ra nhiều bất cập trong cơ chế quản lý, cũng như tổ chức sản xuất phim của khối nhà nước. 

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI này cho rằng cần xem xét lại cơ chế thẩm định phim và cấp giấy phép phổ biến phim. Hiện nay quyền thẩm định phim thuộc Hội đồng thẩm định quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập. 

Từ năm 2010 đã cấp phép cho một số địa phương thẩm định và phổ biến phim, tuy nhiên việc duyệt phim hiện nay vẫn bị đánh giá là độc quyền, và gây nhiều phiền phức, khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong văn bản góp ý này nêu: "Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh, thủ tục hành chính thẩm định phim và cấp giấy phép phổ biến phim rất phiền phức, mất nhiều thời gian và rủi ro cho doanh nghiệp. 

Hội đồng thẩm định thường yêu cầu chỉnh sửa phim và nhiều yêu cầu bị cho là thái quá, can thiệp vào nội dung nghệ thuật và thương mại của bộ phim chứ không chỉ phục vụ mục đích kiểm duyệt nội dung để chống nội dung khiêu dâm, bạo lực, thù địch…"

VCCI đề xuất xã hội hóa duyệt phim và bỏ đặt hàng phim bằng ngân sách - Ảnh 2.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, sản phẩm hợp tác giữa nhà nước và tư nhân - Ảnh: ĐPCC

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, việc thẩm định phim qua hội đồng độc quyền không chỉ rất tốn kém chi phí sẽ kìm hãm sự phát triển của điện ảnh Việt Nam và cơ hội được xem phim của khán giả. 

Do đó cơ quan này đề xuất Luật Điện ảnh đặt ra các điều kiện (chủ yếu về nhân sự) để một đơn vị có thể thực hiện công tác kiểm duyệt phim. Tổ chức nào đủ điều kiện đều có thể đăng ký và được cấp phép hoạt động kiểm duyệt phim. 

Cơ quan nhà nước tiến hành hậu kiểm nội dung phim đã được phổ biến và công tác kiểm duyệt của các tổ chức đã được cấp phép.

Việc đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước nhiều năm nay đã bộc lộ nhiều bất cập, khi tiền ngân sách bỏ ra nhưng sản phẩm phim thu về không đem lại hiệu quả như mong muốn. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ các quy định về đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước. 

Ngoài ra đơn vị này cũng yêu cầu đánh giá lại hiệu quả của các đội chiếu phim lưu động. Nếu không còn phù hợp thì có kế hoạch giảm dần và tiến tới loại bỏ để tiết kiệm chi phí cho ngân sách.

Việc kiểm soát việc phổ biến phim trên mạng internet lâu nay cũng làm đau đầu nhà quản lý. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho rằng việc quản lý phim phổ biến trên internet cần được áp dụng cơ chế phù hợp. 

Các biện pháp mang tính cấp phép hoặc kiểm duyệt nội dung trước dường như không hiệu quả mà nên áp dụng các biện pháp mang tính hậu kiểm cùng với biện pháp kỹ thuật tương ứng.

Sau giai đoạn lấy ý kiến, dự kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trình hồ sơ lên Chính phủ vào tháng 10-2019. Thời gian dự kiến trình thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) là năm 2021.

Sửa đổi Luật điện ảnh, cứu… cá nằm trên thớt Sửa đổi Luật điện ảnh, cứu… cá nằm trên thớt

TTO - Trong câu chuyện phát hành phim hiện nay, tình thế của các nhà làm phim Việt không khác gì cá nằm trên thớt khi những chính sách luật pháp rất bất lợi cho họ.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên