Bắt đầu bằng một vụ giết người giàu màu sắc trinh thám, được kể với một giọng trào phúng rất Bố Già, mang theo được thông điệp rất vĩ mô về môi trường sống, nhưng trên hết, Vẫy vùng giữa vũng lầy vẫn có thể đặt ra câu hỏi đạo đức nhức nhối nhất của con người: anh sẽ làm theo những gì mình muốn, hay những gì phải đạo?
Đấy là một ý tưởng của triết gia ở thế kỷ 18 - Immanuel Kant - người tin rằng con người có xu hướng làm việc xấu. Không hẳn sự "xấu" đó phải thuộc về một kẻ ghê gớm gì cho cam.
Chỉ đơn giản là con người thường dễ dàng bị khuất phục bởi những gì ta muốn làm, thay vì những gì phải làm. Làm theo dục vọng, thay vì nghe theo tiếng gọi của trách nhiệm.
Charles Regis Perrone, thường gọi là Chaz, đã luôn luôn chọn vế đầu tiên: hắn đẩy cô vợ xinh đẹp Joey xuống biển vào đúng ngày kỷ niệm 2 năm kết hôn.
Nhờ khả năng bơi, bám vào một kiện hàng cần sa trôi nổi và may mắn thần kỳ, Joey vẫn sống sót cho đến khi được Mick Stranahan, một cựu cảnh sát đang sống một mình trên hòn đảo xa xôi ngoài khơi Miami, cứu...
Khi cuốn sách đã gần khép lại, trong một cảnh đầy chất điện ảnh, Chaz dường như đã ngoái lại nhìn đống đổ nát cuộc đời của y, trong một khoảnh khắc đủ đáng giá mà lẽ ra như các nhân vật khác, y hẳn phải đốn ngộ để nhìn ra được sự vô lý của cuộc đời mình.
Nhưng không. Chẳng có gì xảy ra cả. Cho đến phút chót, điều y quan tâm nhất luôn chỉ là bản thân mình.
Sau những dày vò, quăng quật, khi phải băng qua vũng lầy đã trừng phạt y bằng cách bắt y phải hổ thẹn và đớn đau, rốt cục thứ duy nhất lóe lên trong óc y là một thứ dục vọng trần trụi, và cho đến phút chót vẫn làm Kant thất vọng. Ngoài ra không còn gì khác. Không có tia lửa sống nào bén được vào khối băng ấy. Không có chút hơi ấm nào.
Nhưng nếu chúng ta cố nghĩ về y, một tảng băng ấy, với tư cách một cuộc đời đầy đủ những mảnh vụn đau đớn lẫn vào khoái lạc, biết đâu trong mênh mông dục vọng ấy, đã từng lóe lên, trong một sát-na bất kỳ nào đó, những ngọn lửa sống nho nhỏ.
Nghĩ theo kiểu của Joey, dù bị đẩy xuống biển và khi đang tự nhủ rằng mình đang gặm nhấm khoái cảm của một cuộc trả thù, vẫn đau đáu xem y có lúc nào yêu mình hay không.
Như kiểu của Ricca, khi đã sống dở chết dở vì Chaz, vẫn cố bông đùa với y như trách một tình nhân. Hoặc nghĩ như chính tác giả, trong những giây phút khốn nạn nhất của Chaz, vẫn có thể vui vẻ kể lại bằng một giọng văn hài hước đến chua xót, nhưng không ngừng vỗ về độc giả: không sao cả, đây chỉ là một trong những trò đùa của cuộc đời thôi.
Chúng ta sống, có thể phải vật vã trong một trạng thái đầy hoài nghi như vậy, đôi khi chỉ để cố lần những ra những manh mối nho nhỏ của tính người ấy, để hy vọng rằng cuộc sống này không chỉ toàn là những vũng lầy.
Cho dù cuộc đời rất có thể sẽ lại bày ra trước mặt bạn một vũng hoàn toàn lầy, hàng "ô-then-tích 100%", như Chaz, ít nhất là trong cuốn sách này. Nhưng nó được viết, cũng với những manh mối ấm áp, để chúng ta có thể băng qua nó, và tự tìm thấy ngọn lửa sống.
Và kể cả khi không quan tâm đến tính thông điệp, bạn vẫn có thể giải trí, với cách viết dễ chịu và hài hước của nó. Tiếng cười được rải rác khắp nơi, trong những tình huống trớ trêu lẫn những cảnh khốn cùng.
Nó bình đẳng với mọi nhân vật, thiện lương như Joey hay khốn nạn như Chaz. Nó là thứ giúp ta chịu đựng được bản chất đen tối của câu chuyện, và của cả lòng người.
Hãy đọc nó, sống trên những trang sách đã cho thấy rằng cuộc đời sẽ không bao giờ tròn vẹn như ta mong muốn, nhưng khi gấp lại, hít một hơi và nhìn ra ngoài cửa sổ, thì hóa ra chính sự thiếu toàn vẹn ấy dường như lại là thanh âm đang vang dội mạnh mẽ nhất lại cuộc sống thực này, vượt qua ô cửa kính, tan vào không trung, mơ hồ nhưng vẫn đẹp đẽ, như mọi hy vọng trong đời này.
Như cái ác, biết đâu chỉ là một tấn trò đùa của tạo hóa, có thể hiện hình một cách đỡ cay nghiệt hơn, trong một cuốn sách mà những gánh nặng khôn kham đã trở nên nhẹ như lông hồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận