Thời gian gần đây, hoạt động cho vay tiền để đáo hạn ngân hàng diễn ra khá sôi động tại nhiều địa phương khi mà nhiều người dân gặp khó khăn nên không thể xoay ra tiền để trả nợ vay đúng hạn. Lợi dụng hoạt động này, nhiều kẻ đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một số vụ đã được cơ quan chức năng khởi tố điều tra hành vi lừa đảo, nhưng vẫn còn nhiều vụ việc khác được nạn nhân tố cáo đến cơ quan chức năng vì cho rằng bị chiếm đoạt tiền. "Sóng ngầm" từ đáo hạn ngân hàng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sập bẫy lừa khi cho vay đáo hạn
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng vừa khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Võ Thị Quế Chi (36 tuổi, trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cơ quan công an, do làm ăn thua lỗ nên mất khả năng trả nợ, bà Chi đã đưa ra thông tin gian dối về việc vay tiền để làm đáo hạn ngân hàng nhằm chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.
Cụ thể là trường hợp ông H.Q.V. - người đã cho bà Chi vay 200 triệu đồng để kinh doanh, trả lãi hằng tháng. Do làm ăn "bết bát", bà Chi nói dối là cần tiền làm đáo hạn ngân hàng để tiếp tục vay của ông V.. Vì là chỗ quen biết nên ông V. không kiểm tra thông tin bà Chi đáo hạn cho ai, tại ngân hàng nào.
Từ cuối năm 2019 đến cuối năm 2022, bà Chi nhiều lần nhận tiền của V., tổng số tiền là gần 9,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, thay vì "đáo nợ" ngân hàng như đã nói với ông V., bà Chi dùng số tiền này để trả tiền gốc và lãi cho chính ông V.. Đến thời điểm vụ việc bị phát hiện, bà Chi trả tiền gốc hơn 6,9 tỉ đồng và lãi trên 1,9 tỉ đồng, còn nợ ông V. 893 triệu đồng.
Cũng với chiêu vay tiền để "đảo nợ", từ tháng 7-2020 đến ngày 31-10-2022, bà Chi đã nhận của bà H.L. (trú Đà Nẵng) 8,3 tỉ đồng rồi dùng số tiền này để trả tiền gốc và tiền lãi cho bà L., đến nay vẫn còn nợ bà L. hơn 1,2 tỉ đồng. Do đó, bà Chi đã bị cáo buộc là đã có hành vi đưa ra thông tin gian dối về việc vay tiền để làm đáo hạn ngân hàng với mục đích chiếm đoạt của ông V. và bà L..
Ngoài ra, cơ quan chức năng tại Đà Nẵng cũng đang thụ lý trường hợp bà D. (trú Đà Nẵng) tố cáo bà H.H. (trú Đà Nẵng) chiếm đoạt số tiền trên 10 tỉ đồng với chiêu cho vay để đáo hạn ngân hàng. Theo đó, do quen biết nên khi bà H. đặt vấn đề vay tiền để đáo hạn (có trả lãi), bà D. đồng ý. Trong thời gian đầu, khi cho mượn số tiền nhỏ, bà H. trả tiền cho bà D. đúng hẹn. Tuy nhiên, khi số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng, bà H. mất khả năng trả.
Lãi cao nhưng nhiều rủi ro
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho biết đáo hạn ngân hàng là một hình thức trả tiền vay cho khoản vay cũ đã đến hạn phải trả để sau đó vay lại một khoản vay mới. Theo quy định tại điều 8, thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung tại thông tư 06/2023/TT-NHNN), ngân hàng không cho phép người vay tiền vay của ngân hàng để đáo hạn khoản vay hay đảo nợ.
Tuy nhiên, theo ông Cao, trong thực tế có nhiều khoản vay mà người vay đến hạn phải trả do thiếu tiền nên đành phải vay bên ngoài để trả cho ngân hàng. Có nhiều trường hợp chấp nhận vay lãi nặng để có tiền trả cho ngân hàng nhằm tránh bị chuyển khoản nợ quá hạn, tránh lịch sử tín dụng xấu.
"Trong khi đó, nhiều người cho vay đáo hạn vì muốn có lãi suất cao, thu hồi vốn nhanh trong vài ngày nên cho vay mà không có biện pháp bảo đảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro", ông Cao nói. Theo một số chuyên gia tài chính, hoạt động cho vay đáo hạn ngân hàng đang rất phổ biến, do có nhiều người không thể xoay được tiền để trả nợ ngân hàng đúng hạn và nhiều người có vốn nhàn rỗi tham gia cho vay để kiếm lời cao trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, nhiều người lợi dụng hoạt động cho vay đáo hạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi các khoản vay này đều không có tài sản đảm bảo hợp pháp, thông tin vay và mục đích sử dụng vốn vay khá mập mờ, tình trạng pháp lý giao kết hợp đồng vay ẩn chứa nhiều rủi ro với người cho vay. Một chuyên gia cho rằng việc cho vay đáo hạn ngân hàng cũng có thể bị biến tướng thành cho vay nặng lãi, người cho vay sử dụng các hình thức trái luật để thu hồi nợ.
"Cho vay nhưng không thu hồi được vốn, tình trạng phức tạp của tình hình an ninh trật tự như đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản cũng thường xuất phát từ hiện tượng làm đáo hạn ngân hàng..." - vị này nói và cho rằng cơ quan có thẩm quyền cũng cần rà soát, kiểm tra các chủ nợ đang dùng hình thức này để hành nghề, nhằm có những giải pháp ngăn chặn, thông tin, cảnh báo người dân khi tham gia các hoạt động cho vay và vay đáo hạn.
Vay tiền đáo hạn rồi chiếm đoạt
Trước đó, Công an tỉnh Quảng Trị đã khởi tố và bắt giam Hồ Thị Hương Loan (34 tuổi, trú thị xã Quảng Trị) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức mượn tiền làm đáo hạn ngân hàng.
Bà Loan, từng là phó giám đốc một phòng giao dịch thuộc chi nhánh Agribank huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị), bị nhiều người tố cáo đến cơ quan công an về việc đã vay mượn tiền của các nạn nhân này với lý do đáo hạn ngân hàng nhưng sau đó chiếm đoạt luôn.
Bước đầu cơ quan công an xác định do có nhiều khoản nợ từ trước năm 2022, bà Loan đưa ra thông tin cần tiền làm đáo hạn ngân hàng cho các khách hàng của mình. Khi nhiều người cho vay tiền, bà này dùng tiền này để trả nợ cũ, rồi mất khả năng trả nợ...
Phải phòng ngừa lừa đảo
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Minh - giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng - cho biết việc cho vay mượn ở ngoài hệ thống ngân hàng là theo sự thỏa thuận và được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự. "Ngân hàng chỉ biết ông nộp tiền vô thì tôi thu nợ theo quy định", ông Minh nói.
Theo các chuyên gia ngân hàng, để tránh rủi ro, người cho vay cần tuân thủ pháp luật về cho vay, tuân thủ quy định về lãi suất, đồng thời tìm hiểu kỹ người vay có thực sự có khoản vay đến hạn hay không. "Khi cho vay, cần tham gia cùng người vay trong quá trình nhận tiền, trả nợ cho ngân hàng và nhận tiền vay mới của ngân hàng để tránh những rủi ro do bị lừa đảo", một chuyên gia khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận