Trước đây, những vụ cãi vã, "đánh lộn" ở chợ, trên phố, đó có thể là vụ đòi nợ bất thành giữa cá nhân với nhau. Ngày nay, hoạt động cho vay cá nhân nở rộ, các app vay tiền, vay cầm đồ núp bóng hoạt động rầm rộ gây lẫn lộn với cho vay tiêu dùng của công ty tài chính khiến "tấm đệm" hỗ trợ người dân tạm thời gặp khó về tài chính bị méo mó. Những gì diễn ra cho thấy có tình trạng vi phạm nghiêm trọng pháp luật về thu nợ cũng như nguyên tắc "có vay phải có trả".
Những méo mó đó là do bên cho vay thủ tục dễ dãi, núp bóng, mạo danh, vay là có ngay, rồi thu nợ bằng cách "ném đá giấu tay" qua các công ty đòi nợ "khủng bố". Là một bộ phận người vay tiền rồi... xù. Lệch lạc này về lâu dài khiến hoạt động cho vay hỗ trợ người tạm gặp khó khăn về tài chính thu hẹp, thiệt thòi cho nhiều người.
Vì sao thực trạng lại "xấu xí" như thế? Có lý do. Bên cho vay đã lạm dụng "khẩu vị rủi ro" (lãi càng cao mất vốn càng lớn), cho vay với thủ tục "có cũng như không" nhưng lãi suất cực cao, lỡ mất một ít cũng đủ sở hụi!
Thử hỏi, cho vay tiền, nếu không có tài sản làm tin, hoặc quản lý dòng tiền thu nhập, mức độ tín nhiệm của cá nhân như quy định với các công ty tài chính, mà chỉ có thông tin cá nhân... làm sao thu nợ, ngoài cách làm cho con nợ mất mặt.
Cho vay kiểu này, chỉ có chửi, bêu xấu mới hy vọng đòi được nợ. Kiểu đòi nợ "khủng bố" cả người thân để đòi nợ có khác gì ném chất bẩn hay đến trước nhà "chửi" đòi nợ như xưa.
Còn xu hướng vay "quên" trả? Phải thừa nhận là kỹ năng quản lý tài chính cá nhân của số đông người dân còn sơ khai, vì thế dễ vay, vay với lãi suất cao ngất càng làm cho tình hình tài chính của người đi vay kiệt quệ hơn là giúp họ tạm vượt qua khó khăn.
Ông A, lỡ xài quá tay, phải vay lãi cao, bị đòi nợ, lại vay nơi khác lãi khủng hơn để "đảo nợ", nợ lớn nhanh, đành trốn nợ. Như vậy điều kiện thông thoáng, thủ tục nhanh gọn là con dao hai lưỡi, hại cả bên cho vay và đi vay.
Quá lạm dụng "khẩu vị rủi ro" thay vì tuân thủ các quy định về cho vay (như những trường hợp không được cho vay; cách giải ngân; kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay và trả nợ...) có khác nào thả chim ra bắt, khi chim bay mất đành vợt bừa bãi cả vào "đàn chim" với hy vọng con chim nào đó ngán ngẩm mà bay về lồng!
Sự phức tạp của hoạt động cho vay cá nhân cũng cho thấy cần thay đổi suy nghĩ phải "phủ sóng" tiền vay đến mọi đối tượng. Ý tưởng này quá nhân văn. Nhưng dù thế nào cũng chỉ có thể "phủ sóng" cho người đủ điều kiện được vay vì có những trường hợp được vay chỉ thêm đổ nợ. Như chúng ta vẫn nghe người thân nói với nhau "một xu cũng không có", hay "tuyệt đối không đưa tiền cho người ấy" (vay để cờ bạc, tiêu xài phung phí...).
Cơ quan chức năng đang xử lý các trường hợp cho vay, đòi nợ vi phạm pháp luật. Phải đưa hoạt động cho vay hỗ trợ cá nhân trở lại nề nếp, trả lại tên cho hoạt động cho vay tiêu dùng hợp pháp, đúng pháp luật.
Ông bà thường nói "cháo nóng húp quanh, công nợ trả dần". Chặt chẽ hơn về thủ tục, lãi suất hợp lý, bớt lạm dụng "khẩu vị rủi ro" mới giúp người vay "húp quanh, trả dần" được! Còn kiểu cho vay vi phạm pháp luật như thời gian qua chỉ "dìm" người vay vào chỗ khánh tận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận