TTCT - Gần đây, Bộ Tài chính đã công bố bản tin nợ số 5 và con số nợ 2 triệu tỉ đồng lại xuất hiện trên báo chí. Đây không phải là lần đầu tiên con số này xuất hiện. Tuy nhiên, mỗi lần con số nợ được nhắc đến lại thấy bao nhiêu câu hỏi chưa có lời đáp. Minh họa: DAD Hệ lụy trực tiếp của nợ công là Nhà nước phải đi tìm nguồn thu để trả nợ, mà cuối cùng các đề xuất tăng thuế đã được nêu lên. Tuy nhiên, câu hỏi mà người dân thắc mắc là nợ vay về đã đi đâu?Vay nhiều để làm gì?Một trong những nguyên nhân đại diện Chính phủ đưa ra lý giải tốc độ tăng nợ công giai đoạn 2011-2015 là để huy động vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Điều này là hợp lý vì Chính phủ luôn đặt mục tiêu tăng trưởng khá cao (như con số tăng trưởng 6,7% năm 2017).Tuy nhiên, điều khó hiểu là nếu vay nợ để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đầy tham vọng như vậy thì vì sao năng suất lao động xã hội không tăng lên, doanh nghiệp không chịu lớn và phụ thuộc vào nhập siêu?Số liệu thống kê thương mại cho thấy nền kinh tế đang dần chia làm hai nửa: nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì xuất siêu, còn nhóm doanh nghiệp hoàn toàn vốn nội địa thì nhập siêu.Trong khi đó, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 4,4% so với Singapore, 17,4% so với Malaysia, 35,2% so với Thái Lan và 48,5% so với Philippines.Dựa vào cách tính năng suất lao động mà nói, lý do chính khiến năng suất lao động thấp thật ra do giá trị gia tăng tạo ra thấp, chứ không hoàn toàn do người Việt Nam không lành nghề bằng người Thái Lan hay Singapore làm công việc tương tự.Khi người nước khác làm việc với một dây chuyền hiện đại, tất nhiên hiệu suất của họ tốt hơn một dây chuyền lỗi thời.Quan trọng hơn, người ta tham gia những khâu sản xuất mang lại lợi nhuận tốt hơn, tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn (thứ sẽ chuyển thành lương cao hơn và lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp), theo cách tính lấy GDP hay giá trị gia tăng bình quân của mỗi người lao động làm thước đo thì Việt Nam tất nhiên có năng suất lao động thấp.Nói đơn giản, nếu giao cho một người một cái máy may lỗi thời để cạnh tranh may với một cái máy hiện đại thì đương nhiên người may trên máy hiện đại làm được nhiều hơn.Đó là chưa kể sản phẩm may ra từ máy cũ có thể chỉ được bán với tư cách một bán thành phẩm giá thấp, còn người may bằng máy hiện đại nằm ở khâu cuối cùng để hoàn tất sản phẩm và bán ở giá cao.Sự khác biệt quan trọng về năng suất vì vậy nằm ở thang bậc trong chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia hơn là do người lao động.Nếu hiểu rằng thời gian qua Nhà nước vay tiền để đầu tư vào nền kinh tế để tạo ra tăng trưởng có chất lượng thì làm sao lý giải việc tăng trưởng 5-6% mà năng suất lao động vẫn thấp, doanh nghiệp nội địa thì nhập siêu và cứ mãi ở thứ bậc thấp của chuỗi cung ứng?Phải chăng lý do nằm ở chỗ tiền đổ vào nền kinh tế chỉ đi vào túi một số ít người ngày càng giàu lên do các dự án hạ tầng, đất đai, trong khi phần lớn xuất khẩu và giá trị gia tăng vẫn do khối ngoại tạo ra.Nói cách khác, tiền vay về đầu tư trong nước đã không tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn để các doanh nghiệp trong nước có thể tăng được giá trị gia tăng, nhưng lại đẩy mạnh sự hình thành các đại công trường, các dự án hạ tầng và con số GDP tăng 5-6%, đồng thời kéo theo tỉ lệ lạm phát tăng lên.Vì vậy, tăng trưởng trong mấy năm qua không đi kèm với chất lượng khi mà năng suất không tăng, nhưng áp lực lạm phát đẩy lương tối thiểu tăng lên.Cái gì làm nợ công cao?Việt Nam đang đối mặt với một tình thế khó nhiều mặt là vay nợ cao, lạm phát không thấp, năng suất thấp (chủ yếu do giá trị gia tăng tạo ra thấp) và chi phí nhân công đang dần tăng lên.Các con số tăng trưởng GDP và xuất khẩu ngày càng ít ý nghĩa, khi mà phần lớn những thành quả đó không phải do nội lực tạo ra và không đóng góp đáng kể vào việc tăng năng suất, giá trị gia tăng và giảm nợ công.Để đổi lại việc nước ngoài đầu tư vào Việt Nam tạo ra xuất khẩu mạnh, nhiều điều khoản ưu đãi khiến việc thu lợi trực tiếp vào ngân sách của các khoản đầu tư đó ít hơn kỳ vọng rất nhiều, trong khi khối doanh nghiệp trong nước bị sự giới hạn của môi trường đầu tư không thể hưởng lợi lan tỏa từ việc đầu tư trực tiếp của khối ngoại vào nền kinh tế (nhất là ở mặt chuyển giao công nghệ).Tóm lại, nợ công trong nhiều năm qua được sự đóng góp của ba yếu tố:(1) tham vọng tăng trưởng cao với các quyết tâm chính trị hơn là tính toán kinh tế hợp lý;(2) tham nhũng và lãng phí trầm trọng, nhất là liên quan đến các dự án hạ tầng và công ty nhà nước; (3) sự lớn mạnh của các nhóm lợi ích và một môi trường kinh doanh không thân thiện cho doanh nghiệp nội địa vừa và nhỏ để họ có thể cạnh tranh và liên kết với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài để leo lên thang bậc cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.Cả ba nhân tố này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau: tham vọng tăng trưởng nên kích thích việc các công ty nhà nước được cấp vốn lớn và bành trướng bất chấp hậu quả, thiếu kiểm soát, dẫn đến thất thoát lớn qua tham nhũng, nguồn lực công bị phung phí và biến thành nguồn lực tư.Sự lớn mạnh của các nhóm lợi ích và sự xuống cấp của môi trường kinh doanh khiến nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào khối ngoại và các đại dự án để kéo những con số tăng trưởng GDP lên (kéo theo lạm phát và chi phí tiền lương), nhưng không có mấy ý nghĩa thực chất với cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.Kiềm chế và đừng mắc kẹtKhi nguồn lực đang dần cạn kiệt thì chìa khóa nằm ở xài tiền tiết kiệm, không vắt kiệt doanh nghiệp và kiềm chế tham vọng tăng trưởng.Trong một báo cáo gần đây về rủi ro đầu tư ở Việt Nam, tổ chức phân tích Economist Intelligence Unit (EIU) nhận xét Việt Nam có tham vọng tăng trưởng cao nên sẽ gia tăng chi vào đầu tư hạ tầng, như vậy nợ công sẽ khó kiểm soát.Trong khi đó, dư địa để bán vốn nhà nước trong các tập đoàn và tăng thuế không còn nhiều. Trang tin Nikkei Asian Review vừa đăng một bài thể hiện sự thất vọng của giới đầu tư quốc tế với công cuộc bán vốn ở các tập đoàn của Việt Nam (bài: “Vietnam's state enterprise sell-off starts to look like mirage”), trong đó vấn đề thiếu minh bạch về giá bán và phương thức đấu thầu được kể ra như trở ngại lớn.Mặt khác, một loạt đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng, thuế tài sản, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tiền lãi tiết kiệm... đang không nhận được sự đồng thuận từ một bộ phận lớn trong xã hội.Trong lúc chi phí sống ngày một đắt đỏ (đặc biệt là chi tiêu cho hai lĩnh vực thiết yếu là y tế và giáo dục), việc đề xuất tăng một số loại thuế như thuế giá trị gia tăng khác nào hành vi lấy tiền của người nghèo khi họ cần chúng nhất.Những nét phác họa trên cho thấy kế hoạch tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá và xoay xở kiếm tiền trả nợ bằng thuế hay bán vốn nhà nước hiện tại không có tính bền vững.Thay vào đó, Chính phủ cần xem xét lại chỉ tiêu tăng trưởng và mô hình chi tiêu của mình. Hầu như bất kỳ ai nhìn vào cấu trúc chi tiêu ngân sách của Việt Nam cũng có thể chỉ ra rằng con số chi thường xuyên của Việt Nam là quá cao. Như đại biểu Quốc hội Phạm Minh Chính từng cho rằng chỉ cần tiết kiệm 1% chi thường xuyên của hai năm 2017-2018 sẽ đủ giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành.Bao nhiêu đó cũng đủ thấy quy mô khủng khiếp của chi thường xuyên trong chi ngân sách. Do đó, tiết kiệm chi thường xuyên phải được nâng tầm lên nhiệm vụ sống còn của đất nước.Ở một khía cạnh khác, trong cấu trúc thu ngân sách, nhiều chuyên gia đã chỉ ra vấn đề không chỉ nằm ở thuế, mà nhiều khoản thu phi thuế (các loại phí, lệ phí) đang đè nặng lên doanh nghiệp.Báo cáo “Doing Bussiness 2016” của World Bank cho biết doanh nghiệp Việt Nam phải dành gần 40% lợi nhuận để nộp thuế, chưa kể phí và các khoản chi phí khác. Với mức “ăn” của thuế, phí như vậy vào lợi nhuận thì doanh nghiệp tồn tại đã khó, chứ làm gì còn tiền tích lũy để đầu tư nguồn lực nhằm leo lên trên bậc thang cao hơn của chuỗi cung ứng.Dường như hiện tại đang tồn tại một vòng luẩn quẩn: thuế, phí cao, môi trường kinh doanh kém khiến doanh nghiệp tích lũy ít, kẹt trong chuỗi giá trị thấp dẫn đến năng suất thấp, giá trị gia tăng và lợi nhuận thấp khiến Nhà nước phải chi tiêu công nhiều hơn để bù vào nhằm đẩy tăng trưởng lên mục tiêu muốn có; cuối cùng kết quả là phải vay thêm tiền, tăng nợ công.Đó sẽ là một vòng tròn nghiệt ngã dẫn đến mất an ninh tài chính quốc gia. Khi đó nợ công không chỉ vượt ngưỡng an toàn, mà sẽ đi vào ngưỡng báo động. Áp lực lên đồng nội tệ, thoái vốn nước ngoài và lãi suất tái vay nợ cao sẽ đẩy Việt Nam vào một vòng xoáy khủng hoảng nợ công - tiền tệ tồi tệ. Chắc hẳn không ai muốn điều đó xảy ra.Vì vậy để thoát ra khỏi vòng tròn nghiệt ngã đó, Nhà nước phải chọn một điểm tăng trưởng hợp lý hơn, vừa sức hơn để vừa nuôi doanh nghiệp, vừa đảm bảo phần chi tiêu cho đầu tư phát triển tăng thêm có thể được bù đắp bằng nguồn tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên (thay vì phải vay thêm nợ hoặc tăng thuế) để nuôi dưỡng sức dân, sức doanh nghiệp.■Trong bối cảnh lãi suất bình quân các khoản vay còn trong mức hơn 4% một chút và cơ cấu kỳ hạn nợ nước ngoài đã được kéo ra cho bền vững hơn, đây là một trong những thời cơ tốt để thoát cái vòng tròn nghiệt ngã đó. Nếu không, khi lãi suất vay bị đẩy lên (gần như là chắc chắn vì chu kỳ lãi suất thấp của thế giới sắp hết) và khi thời hạn trả nợ lại đến gần, dư địa ngân sách và nguồn lực xã hội sẽ không còn chịu nổi nữa. Tags: Vay nợNợ côngChi tiêu côngVòng tròn nghiệt ngã
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đề xuất vàng mã, túi nilông, thuốc diệt cỏ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt THÀNH CHUNG 22/11/2024 Bên cạnh đề xuất bổ sung một số mặt hàng vào diện chịu thuế thì một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị giãn áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia.
Ông Kim Jong Un: Mỹ đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh hạt nhân MINH KHÔI 22/11/2024 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ đối mặt với nguy cơ chiến tranh hạt nhân nghiêm trọng như hiện nay.