Phóng to |
Toàn bộ giấy tờ xe bản chính đã được NH giữ, “chủ nhân” chiếc xe phải lưu hành bằng bản photo có công chứng |
Ông Phan Dũng Cảm là một doanh nhân kinh doanh đồ điện tại phố Phùng Hưng. Theo Ngân hàng (NH) cổ phần Kỹ thương VN (Techcombank), ông Cảm đã có quan hệ với NH từ năm 2002, được NH đánh giá là khách hàng có quan hệ lâu dài và uy tín, luôn trả nợ đúng hạn.
Để phục vụ thêm cho công việc kinh doanh của mình, ông Cảm quyết định mua một chiếc xe hơi và lại “gõ cửa” Techcombank. Ông Cảm ký hợp đồng với Công ty liên doanh Toyota Giải Phóng mua chiếc xe Camry 2.4 màu đen với giá gần 700 triệu đồng, đã thanh toán được 280 triệu đồng và đề nghị Techcombank cho vay 420 triệu đồng.
Techcombank đánh giá phương án trả nợ của ông Cảm như sau: ông Cảm làm đại lý cho một số hãng sản xuất thiết bị điện có uy tín và nhận được tiền hoa hồng đại lý là 2% cùng 3% chênh giá.
Ngoài ra, ông còn bán một số mặt hàng ngoài, lãi suất 7%. Tóm lại, mỗi tháng ông Cảm thu được trên 33,6 triệu đồng. Với món vay 420 triệu đồng trả trong 36 tháng (một tháng ông Cảm phải trả cả lãi và gốc 27,3 triệu đồng) hoàn toàn có khả năng trả nợ. Do đồng ý cầm cố luôn chiếc Camry 2.4 vừa mua nên ông không cần phải “cắm” thêm một tài sản giá trị nào nữa. Techcombank sẽ trực tiếp lấy xe, đăng ký và làm thủ tục cầm cố tại phòng công chứng nhà nước.
Tham gia chương trình “Xe hơi quốc tế” của NH cổ phần Quốc tế VN (VIBank) có một khách hàng tương đối đặc biệt: anh Nguyễn Ngọc Oanh, trú tại vùng “nhà quê” (xóm Chợ, Đại Mỗ, Từ Liêm) với nghề nghiệp chính là lái xe. Chạy xe tải chở hàng và nguyên vật liệu xây dựng ngày một khó khăn, anh quyết định bán chiếc Kamaz được hơn 200 triệu để chuyển hướng sang kinh doanh du lịch vận tải lữ hành.
Gom được thêm gần 100 triệu nữa, anh Oanh gõ cửa đại lý Hãng xe Ford ở đường Giải Phóng nhưng không đủ tiền mua vì giá xe Ford Transit lên đến 455 triệu đồng. Nhân viên hãng xe tư vấn rằng anh hoàn toàn có thể mua được xe nếu đồng ý vay NH. Anh trình bày với VIBank: “Tôi là người lao động, không đủ tiền mua xe tốt, cũng không có thu nhập chứng minh. Chỉ có giấy tờ nhà thế chấp, tôi sẵn sàng cắm”. Nhân viên NH lập tức “đến thăm” nhà anh Oanh (hai lần). Họ thẩm định được anh Oanh là người đứng đắn, đã có một quá trình dài tham gia lĩnh vực giao thông vận tải. Qua các hợp đồng vận chuyển còn sót lại, anh Oanh chứng minh được nếu còn xe Kamaz, anh có thể kiếm lãi ròng 8-10 triệu đồng/tháng. Còn giờ đây bán xe rồi, anh chỉ có thể đi lái thuê, lương tháng chưa đầy 3 triệu đồng.
Anh kể: “Tôi nói: con trâu là đầu cơ nghiệp! Có xe là có tiền, các anh cứ tin tôi!”. Nhân viên NH ra về. Họ không hứa hẹn cũng không đả động gì đến việc cắm giấy tờ nhà. Ba ngày sau anh Oanh nhận được cú điện thoại: NH đồng ý cho vay tiền mua xe không cần thế chấp nhà.
Gặp lại “ông chủ” kiêm “tài xế” Nguyễn Ngọc Oanh chưa đầy một tháng sau, anh kể: “Mới chạy tour Hải Dương về. Bốn ngày “ăn” 2,1 triệu. Trừ chi phí cầu đường, xăng dầu còn bỏ túi hơn 1,5 triệu!”. Anh kể NH kết hợp với hãng xe mới giao xe cho anh hồi tháng 12-2004. Họ cho vay 160 triệu, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 1%.
Nhu cầu đi lại của nhà giàu
Có không ít khách hàng tham gia chương trình mua xe thế chấp đã từ chối tham gia bài báo này. Với họ, chiếc xe là phương tiện đi lại đồng thời là cái mác của sự giàu có. Thật không dễ chấp nhận khi xã hội biết chiếc xe mình đang đi phải sử dụng vốn vay NH. Một vị phó giám đốc xin giấu tên nói: “Nhiều công ty mời mua xe kiểu này lắm rồi. Tôi cũng có nhu cầu, cũng chứng minh được thu nhập nhưng thôi... Đủ tiền thì mua. Cầm cắm trả lãi mệt lắm. Anh em người ta biết lại nói mình đua đòi”.
Bản thân các NH cũng luôn giữ gìn những “tâm tư” này cho thân chủ. Theo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, mỗi tháng Hà Nội đăng ký mới trên... 2.000 chiếc ôtô. Chắc chắn trong số này có sự tham gia của những chiếc “ôtô cầm cố” phục vụ nhu cầu đi lại, một nhu cầu thời thượng của nhà giàu hiện nay.
Theo Techcombank, từ năm 2000 đến nay đã có khoảng 230 khách hàng tham gia chương trình “ôtô xịn”, tổng vốn phát vay khoảng 32 tỉ đồng. Khách hàng cá nhân sẽ được vay tối đa 70% giá trị chiếc xe nếu khách dùng giấy tờ nhà để thế chấp.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, phòng phát triển thị trường VIBank, cho biết đã có khoảng 180 khách hàng tham gia chương trình. Loại xe được mua nhiều nhất là xe Toyota.
Nói có vẻ dễ nhưng để tham gia các chương trình cũng không dễ. Tất cả hồ sơ vay sẽ bị từ chối ngay qua... điện thoại nếu người vay đã từng bị các NH khác từ chối. Khách vay cũng bị từ chối luôn nếu đang vay nợ tại một NH nào đó. Những thông tin này sẽ được nhân viên NH “check” trên CIC - Trung tâm Thông tin tín dụng nhà nước.
Kể cả khi đã đặt được chân vào phòng vay vốn, nếu khách hàng có những biểu hiện bất an, những cử chỉ khó tin tưởng hoặc khác thường, thì bằng kinh nghiệm trực giác nhân viên phụ trách hồ sơ cũng cho qua. Qua được hai vòng này, khách hàng sẽ được nhân viên đến thăm nhà, thăm qua hàng xóm hoặc tìm hiểu qua báo chí...
Tuy vậy cũng đã nảy sinh những trường hợp khách mua xe “quên” trả nợ NH. Nguyên nhân chính là do làm ăn khó khăn, không có thu nhập để trả góp hằng tháng. Khi đó NH đành phải đi truy để đòi nợ. Do vậy phải đợi hết kỳ nợ mới biết ai là chủ thật sự của những chiếc ôtô đời mới kia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận