Việc người trẻ có nhu cầu thật mua nhà sinh sống nhưng kèm theo đó là nỗi lo lãi vay và phương án trả gốc. Những bạn trẻ chưa từng vay thì lo lắng, còn những người đã vay và mua nhà thành công thì tán đồng.
Có độc giả bình luận: "Vay không phải là vấn đề. Vấn đề lớn nhất là không tập trung trả lãi và gốc, mà dàn trải quá nhiều, dẫn đến vỡ kế hoạch đặt ra".
Chia làm hai phe về việc vay ngân hàng mua nhà
Bạn đọc A D khi đọc bài "Giám đốc ngân hàng: Người trẻ mua nhà phải 'tận dụng' ngân hàng, đừng sợ vay" đã bình luận: "Để ngân hàng có lời thì lãi suất chỉ thấp ở thời điểm ban đầu, còn tư vấn viên thì không giải thích tường tận hoặc dùng các từ ngữ gây khó hiểu.
Ngoài ra, vay mua nhà là kế hoạch 20 năm, lại không hề có "bảo hiểm" nào cho các sự cố ngoài ý muốn như bệnh tật, hay đơn giản là khủng hoảng kinh tế dẫn đến thất nghiệp. Việc thực hiện kế hoạch 20 năm như vậy có tính hiệu quả hay không?".
Tâm lý vay ngân hàng dài hạn để mua nhà vẫn có hai thái cực đối lập, có bạn đọc đồng tình, có người không "thiết tha". Một bạn viết: "Không vay khoản lên đến mấy chục năm đó. Đó không phải là kế hoạch mà là đánh cược. Ai biết trong mấy chục năm đó có chuyện gì sẽ xảy ra ảnh hưởng đến kế hoạch trả nợ?".
Lời khuyên tận dụng ngân hàng để vay vốn mua nhà của giám đốc Ngân hàng Vietcombank Quảng Ngãi được bạn đọc Phạm Thiết Hùng đồng tình với bình luận: "Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến muốn sở hữu căn nhà thì phải vay mượn. Trừ trường hợp đặc biệt mới không phải vay. Nếu vay mượn bố mẹ, anh chị em, họ hàng, bạn bè thì tốt, kể cả trả lãi.
Vay ngân hàng nên cân nhăc cẩn trọng phương án trả nợ vay, sao cho ít ảnh hưởng nhất đến cuộc sống thường nhật của gia đình. Vợ chồng tôi cũng phải vay mượn mua nhà. Không chỉ một lần mà tới 4 lần. Vì cứ mua xong, phấn đấu mua căn nhà khác đẹp hơn, bán căn nhà trước, vay mượn mua mới. Phải cố thôi các bạn".
Ngoài ra, nhiều bạn đọc có tâm lý e dè với lãi suất, bạn đọc Pha SiL chia sẻ: "Hãy cân nhắc kỹ trước khi đặt bút ký vay ngân hàng mua nhà, vì lãi suất ưu đãi hiện nay chỉ áp dụng 12 - 24 tháng. Nếu muốn mua nhà, số tiền thực có phải trên 75% giá trị căn nhà đó và số còn lại hãy vay ngân hàng".
Tương tự, bạn đọc Lại Quang Tấn cho rằng: "Vâng! Vay thì được đấy, nhưng vấn đề trả nợ như thế nào mới quan trọng". Bạn đọc Trung Kiên viết: "Người có nhu cầu thực tế mua nhà rất sợ lãi suất thả nổi sau 2 - 3 năm đầu lãi suất ưu đãi... Chuyện tương lai và chính sách điều chỉnh lãi suất rất cần xem lại".
"Lãi suất thường ổn định và giảm dần qua các năm"
Theo ông Võ Văn Linh - giám đốc Ngân hàng Vietcombank Quảng Ngãi, việc người trẻ vay ngân hàng mua nhà xuất phát từ nhu cầu thực tế, không phải đầu tư lướt sóng. Lời khuyên vay ngân hàng ông dành cho người trẻ hoàn toàn không ủng hộ vay khi chưa có phương án tài chính cụ thể.
"Tôi luôn nói các bạn đừng vung tay quá trán. Hãy vay trong khả năng của mình dựa trên thu nhập thực tế. Tiền gốc và lãi chiếm 60% thu nhập là ổn", ông Linh nói.
Vay ngân hàng chắc chắn phải trả lãi. Bởi vậy, việc mua đất đúng vị trí, đúng thời điểm, đúng giá và đúng khả năng của mình rất quan trọng.
Khác với nỗi lo của nhiều bạn đọc cho rằng vay lâu dài từ 20 đến 30 năm là mạo hiểm, ông Linh cho rằng đó là cách vay thông minh, chia nhỏ thời gian trả nợ và lãi vay, đỡ áp lực cho cuộc sống.
"Bạn trẻ vay 30 năm, nhưng sau 5 năm đầu tiên trả đúng lãi và gốc theo cam kết. Đến năm thứ 6 nếu có tiền các bạn có thể trả đủ và chấm dứt khoản vay mà không phát sinh hay tiền phạt vi phạm hợp đồng. Ngoài ra, qua các năm, các bạn đã trả dần gốc, nên lãi vay cũng giảm dần, số tiền phải trả hằng tháng cũng giảm", ông Linh khẳng định.
Về vấn đề lãi vay bấp bênh, với kinh nghiệm của mình, ông Linh cho rằng lãi vay thường ổn định, nếu có tăng hoặc giảm cũng không đáng kể. Chu kỳ lãi vay ổn định thường kéo dài 10 năm. Những vấn đề của suy thoái kinh tế mới khiến lãi suất thay đổi bất thường.
"Lời khuyên của tôi để bạn trẻ có cái nhìn phù hợp và cân nhắc phương án mua nhà, sớm ổn định cuộc sống. Bởi các bạn trẻ tích lũy không đuổi kịp tốc độ tăng giá của bất động sản. Ngoài ra, nếu mua nhà để ở, các bạn sẽ không còn chi phí thuê nhà. Số tiền ấy cũng chiếm một khoản lớn trong chi phí trả lãi vay", ông Linh nói.
Vị giám đốc ngân hàng này cho hay, ông chia sẻ kinh nghiệm của mình cho người trẻ có nhu cầu thật về nhà ở.
Ngoài ra, nếu muốn mua nhà, người trẻ nên tìm hiểu kế hoạch tài chính của những bạn bè, anh chị xung quanh để tìm ra giải pháp phù hợp cho mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận