Ông Tô Trung Thành đánh giá chi phí không chính thức như "bồi dưỡng" cán bộ ngân hàng còn phổ biến - Ảnh: THÚY LINH
Khả năng tiếp cận vốn khó khăn buộc các doanh nghiệp mất thêm các chi phí (cả chính thức và phi chính thức) để có thể có được khoản vay ngân hàng theo PGS.TS. Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Tại Hội thảo khoa học Quốc gia Kinh tế Việt Nam năm 2017 và Triển vọng năm 2018 với chủ đề "Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp" tổ chức tại Hà Nội hôm nay, 22-3, ông Thành cho biết, xác xuất doanh nghiệp có thể tiếp cận được món vay từ tổ chức tín dụng khi doanh nghiệp có chi trả các khoản chi phí lót tay tăng khoảng 24%.
Điều này cho thấy, hiện nay chi phí phi chính thức vẫn là một trong những rào cản của các doanh nghiệp tiếp cận vốn chính thức từ các tổ chức tín dụng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015, việc doanh nghiệp phải chi các chi phí không chính thức như "bồi dưỡng" cán bộ ngân hàng còn phổ biến với tỷ lệ 64% doanh nghiệp siêu nhỏ, 56% doanh nghiệp nhỏ và 49% doanh nghiệp vừa, trong khi tỷ lệ này của các doanh nghiệp lớn chỉ là 30%.
"Chi phí không chính thức chưa có dấu hiệu giảm bớt thể hiện qua tỷ lệ doanh nghiệp được khảo sát phải chi trả chi phí này vẫn tăng, từ mức 50% năm 2013 lên 65% năm 2015", báo cáo của PCI nêu.
Cùng với đó, việc phải chi trả lãi cao để được vay ngân hàng như hiện nay cũng là một rào cản đối với các doanh nghiệp khi tiếp cận.
Không chỉ phải "phong bì, phong bao" để vay vốn, mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay còn phải chấp nhận chi ngoài (chi phí không chính thức) cho chính quyền liên quan: thuế, tiếp cận dịch vụ công, để giành hợp đồng cho chính quyền - báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương nêu.
Tỉ lệ doanh nghiệp trả lời phải trả những chi phí không chính thức để giải quyết các vấn đề liên quan đến thuế và tiếp cận các dịch vụ công thường ở mức trên 15%, thậm chí có năm con số này đã vượt trên 30%.
Khoảng 10% doanh nghiệp nhỏ và vừa phải trả tiền "hối lộ" để giành các hợp đồng cung cấp cho chính quyền.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng "nhân vật" nào tạo ra chi phí phải là đối tượng quan trọng để giảm. Bản thân doanh nghiệp là bên mua nhiều khi không thể khước từ, không có sự lựa chọn giảm chi phí.
Theo bà Lan, tỉ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ tăng liên tục từ năm 2012 và hiện nay lên hơn 48% tổng số doanh nghiệp là thực trạng suy nghĩ.
Nguyên nhân của tình trạng trên do chuyển biến cải cách môi trường kinh doanh vẫn "trên nóng dưới lạnh", lạnh trong bộ máy nhà nước chứ không phải lạnh trong doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nhắc lại năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp nhưng đến nay chúng ta đã giảm được những loại phí nào.
"Việt Nam thua các nước hai điều là thiết kế và thực thi. Thiết kế yếu vì chủ yếu 'chém gió, nêu vấn đề'. Trong khi nếu để thực sự hiện thực hoá thì phải thiết kế được. Đồng thời thực thi muốn hiệu quả phải có giám sát, có chế tài", ông Thành nêu quan điểm.
Theo ông Thành, hai điều này không hiệu quả vì Việt Nam không bao giờ chịu hỏi câu hỏi tại sao mà chỉ luôn hỏi làm thế nào để thích ứng được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận