Trả lời riêng với báo Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp), uỷ viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhấn mạnh Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi phải bổ sung quy định tịch thu tài sản không giải trình được nguồn gốc.
* Các văn bản tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN và các hội thảo về lĩnh vực này đều nhận định việc thiếu quy định xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc là điểm tồn tại, hạn chế của luật, nhưng lần này Chính phủ vẫn không bổ sung quy định này, ông bình luận gì?
Tôi thấy rất ngạc nhiên. Vấn đề này đã rất rõ, phát biểu của các đại biểu cho thấy nhiều nước trên thế giới đã áp dụng chế tài này một cách phổ biến, chúng ta phải quy định vào luật.
Phải tịch thu tài sản bất minh nếu anh không giải trình được tài sản đó do dâu mà có, đồng thời xử lý trách nhiệm người kê khai về tội gian dối và xử lý trách nhiệm người quản lý, có trách nhiệm xác minh tính trung thực của người kê khai tài sản đó.
* Ông nhìn nhận thế nào về con số trong năm 2017 có hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản nhưng chỉ xác minh có 78 trường hợp và phát hiện 5 trường hợp kê khai không trung thực?
Cả Chính phủ và Uỷ ban Tư pháp đều nhận định rằng biện pháp kê khai tài sản vừa qua còn hình thức, tôi thì đánh giá rằng biện pháp này đang rất hình thức là dường như không có tác dụng trong PCTN.
Con số nêu trên cho thấy gần như tất cả kê khai xong đều bỏ vào hộc bàn, cất vào kho, chứ đâu có tiến hành xác minh tính trung thực. Chỉ đến khi dư luận, báo chí lên tiếng hoặc có tố cáo thì mới lấy ra để xem xét, kiểm tra, xác minh.
* Vừa qua, khi có dư luận, báo chí phản ánh thì cơ quan có trách nhiệm cũng tiến hành xác minh tài sản của cán bộ, công chức. Ví dụ Thanh tra Chính phủ đã thanh tra tài sản ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái. Nhưng việc xác minh, kết luận cho thấy rất phức tạp, việc xác minh nguồn gốc thực chất của tài sản rất khó, ví dụ ông Quý khai đã vay hàng chục tỉ đồng để xây biệt phủ…
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền từng đề nghị cho kê khai, đăng ký tài sản của toàn xã hội, lấy căn cứ để từ nay về sau để theo dõi chuyển dịch tài sản và truy tận gốc tài sản đó, ông nghĩ sao?
Tôi thấy ý kiến này rất hay, nhưng băn khoăn về khả năng thực hiện trong giai đoạn này vì cần nhiều thời gian, nguồn lực. Tuy vậy, cần phải có quy định truy xét tận cùng nguồn gốc của tài sản.
Luật cần quy định cho phép truy đến cùng nguồn gốc tài sản, ví dụ ông Quý khai vay của ông A 5 tỉ, bà B 3 tỉ thì phải yêu cầu ông A, bà B giải trình lấy đâu ra số tiền đó để cho vay và nếu không giải trình được thì phải xử lý tài sản này.
Ông Phạm Sỹ Quý khai vay ngân hàng, vay bạn bè đến vài chục tỉ xây nhà, nhưng cơ quan Thanh tra cũng không làm rõ được, tôi rất băn khoăn.
Thật nực cười, có lẽ vay tiền chục tỉ để xây biệt phủ thì trên thế gian này chỉ có ông Phạm Sỹ Quý mà thôi, bởi vay số tiền lớn như vậy thì sau đó ông ấy lấy đâu ra mà trả?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận