​Vật vã chờ... già

Hằng Nguyễn 08/07/2015 19:07 GMT+7

LTS: Từ bài viết của tác giả Hằng Nguyễn, TTCT mời bạn tham gia loạt “Câu chuyện cuộc sống” mới bắt đầu từ số này. Cách đặt vấn đề này có gây “sốc” cho bạn? Chúng ta có đang quá “kính già” mà quên “trọng trẻ”? Liệu có hay không sự “kỳ thị tuổi tác” quanh ta?

Minh họa: Salem

Một hàng người đợi chữ ký của tác giả sách. Ban tổ chức yêu cầu những người trẻ xếp xuống phía dưới, nhường cho người cao tuổi đứng lên đầu. Tôi trông chờ một ai đó, một ai trong số những người già nhận ưu ái kia, sẽ nói: “Các bạn trẻ ơi, tôi đã nghỉ hưu và tôi có rất nhiều thời gian. Các bạn còn rất nhiều việc để làm và tôi có thể đợi được, xin mời các bạn đứng lên trên”.

Nhưng không có ai nói gì hết. Hàng dài đứng đó, khó có thể làm gì khác nếu chỉ mất thêm vài ba phút mà lại được xếp vào hạng người biết tôn trọng truyền thống. Những hàng dài như thế, tôi nhìn thấy, không chỉ ở buổi ký tặng một cuốn sách. Những hàng dài có mặt ở khắp các công sở nhà nước, khắp các gia đình dòng họ, khắp làng trên xóm dưới.

Kỳ thị tuổi tác?

Phân biệt tuổi tác là chuyện đau đầu không chỉ của một hai nền kinh tế. Theo báo cáo của Cơ quan Thống kê chính phủ tại Mỹ, luôn có rất nhiều rào cản cho những người lớn tuổi muốn có việc làm tại quốc gia này.

Chủ sử dụng lao động ngại ngần với họ thường bởi các lý do như kỹ năng làm việc lạc hậu, chi phí y tế cao hơn, một số vấn đề tâm lý như hay chán nản và dễ trầm cảm, không thoải mái nếu phải làm việc ở vị trí thấp hơn vị trí từng làm thời trẻ...

Và để giảm thiểu sự kỳ thị tuổi tác nói trên, nước Mỹ có luật về kỳ thị tuổi tác trong việc làm (ban hành năm 1967), như thế những người từ 40 tuổi trở lên có thể khởi kiện nhà tuyển dụng hay chủ sử dụng lao động nếu được thông báo “anh quá tuổi để có thể làm việc này/nhận mức lương này...”.

Nhưng các ông chủ có muôn vàn cách ứng xử chứ chẳng dại gì thốt ra câu đó, cho nên một mẹo nhỏ được khá nhiều người tìm việc Mỹ áp dụng khi đã qua ngưỡng 40 tuổi là giấu nhẹm đi khoảng mười năm làm việc đầu tiên (hay hơn thế) trong lý lịch công việc của họ, hi vọng theo đó cơ hội lọt qua phần xét duyệt hồ sơ sẽ cao hơn (tuổi của ứng viên không được ghi trong lý lịch kèm theo, nhà tuyển dụng chỉ được quyền biết điều này sau khi đã chính thức nhận họ).

Ở Việt Nam, các cơ quan nhà nước thay vì nghĩ ra các chế tài xử lý việc kỳ thị... tuổi tác thì lại hợp pháp hóa nó. Một minh chứng khá rõ ràng là ở chế độ tiền lương, một người bắt đầu làm việc tại công sở nhà nước sẽ bắt đầu với bậc lương thấp nhất và kiên trì chờ thời gian trôi để được nghiễm nhiên tăng thâm niên, nâng bậc lương.

Những hàng người uể oải ngồi im chờ tăng lương nâng chức theo thâm niên công sở. Những bước đi mới bị cản trở vì áp lực nghe lời cha chú. Xã hội đau khổ nếu nhìn thấy một mái đầu tóc bạc phải lăn lộn lề đường góc chợ, mà chẳng mấy bận tâm nếu một người trẻ đang phải bỏ xó tuổi trẻ của chính họ, vật vã chờ già.
 

Nếu tôn trọng phái nữ thì phái nam ra sao? Nếu tôn trọng người da đen thì người da trắng ra sao? Mục tiêu cuối cùng của những lời kêu gọi phải tôn trọng ai đó thật ra là mang lại trạng thái bình đẳng cho mọi người, bất kể giới tính, bất kể màu da màu mắt, bất kể quốc tịch địa phương, bất kể bằng cấp công việc.

Trẻ hay là già, tuổi nào sẽ bị kỳ thị? Điều này không chỉ tùy vào cách thức vận hành của một nền kinh tế, mà rõ ràng còn phụ thuộc đặc điểm của từng nền văn hóa. Ưu ái người già là một thói quen văn hóa địa phương tại Việt Nam (sự ưu tiên có gốc gác từ văn minh nông nghiệp khi lao động dựa vào kinh nghiệm canh tác hơn là sức lực như ở văn minh du mục), thay vì cân bằng điều này bằng những quy định pháp luật, kêu gọi sự tôn trọng người trẻ, thì người Việt lại ra sức đặt ưu tiên người già, làm dày sâu thêm bất bình đẳng về tuổi tác.

Và việc ngồi im chờ già làm nảy sinh nhiều tật bệnh trong lực lượng lao động lẽ ra đang rất mới lành và hùng hậu của Việt Nam. Phát biểu trong một đối thoại kinh tế với Chính phủ vài năm trước, Marijn van Tiggelen - cựu chủ tịch Unilever Việt Nam - nhận xét rằng hầu hết người lao động Việt Nam “đã chết” từ năm 40 tuổi, tới ngưỡng đó là an tâm đi du lịch chứ không thích đi học, không còn mong muốn thay đổi gì nữa.

Một sự kỳ thị không chỉ là một sự kỳ thị, đi kèm sau đó là nhiều hệ lụy cho nền kinh tế chưa từng phát triển của Việt Nam. Những hàng người uể oải ngồi im chờ tăng lương, nâng chức theo thâm niên công sở. Những bước đi mới bị cản trở vì áp lực nghe lời cha chú.

Xã hội đau khổ nếu nhìn thấy một mái đầu tóc bạc phải lăn lộn lề đường góc chợ, mà chẳng mấy bận tâm nếu một người trẻ đang phải bỏ xó tuổi trẻ của chính họ, vật vã chờ già. Trong khi ta còn nhiều vấn đề phải giải quyết: nạn tham nhũng đau đầu, một quốc gia hiếm hoi nơi người mua hàng phải gửi đồ qua vài vòng bảo vệ mà chủ siêu thị vẫn than phiền thường chịu mất cắp.

Nạn phá rừng hoành hành, một quốc gia về thu nhập bình quân và năng suất lao động chưa thể tự hào lại đứng một trong những vị trí hàng đầu về số người hút thuốc và gặp khó khăn từ việc sản xuất những vị trí hàng hóa giản đơn nhất trở đi. Một quốc gia như thế đang cần sức trẻ cho cuộc chuyển mình mạnh mẽ.

Các ưu đãi cho người cao tuổi, nếu có, cần được nhìn nhận như ưu đãi cho người sức khỏe yếu (ví như việc nhường ghế cho phụ nữ mang thai, người già, người bệnh, người say xe... trên xe buýt), hơn là một dạng “thăng tiến đặc biệt” dựa trên tuổi tác. Và người nhận ưu đãi cũng cần có những cư xử xứng đáng hơn là coi đó như một thứ mặc nhiên.

Ở Vũ Hán (Trung Quốc), năm ngoái có câu chuyện một thanh niên bị các cụ già “đánh hội đồng” khi không chịu nhường ghế cho các cụ trên xe buýt. Vấn đề ở đây là: Nếu những người già này đủ sức khỏe để làm thương tích một thanh niên, liệu họ có cần được nhường chỗ?

Dữ liệu năm 2012 cho thấy số người trong độ tuổi lao động ở Việt Nam chiếm tới 68,9%. Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc dự tính năm 2040 sẽ kết thúc thời kỳ “dân số vàng” này của Việt Nam - khi những người trẻ già đi, và rất có thể tuổi trẻ của họ chưa từng được coi trọng.

Bình đẳng để cùng phát triển

Khi tiếp xúc một số trí thức trẻ trong ngành nông nghiệp sinh ra từ nông thôn, tôi nhận ra một lý do khác của việc họ “ly hương”. Tại sao cắm mặt ở thành phố trong khi bản thân họ nhìn thấy rất nhiều cơ hội từ quê nhà? Việt, làm việc tại Trung tâm nông nghiệp hữu cơ của Trường đại học nông nghiệp, thường bị bố mẹ từ quê lên thăm cằn nhằn vì trại rau của con mình “không biết” dùng thuốc hóa học nên dưa chuột thối rễ chết gốc, cỏ mọc tràn lan trong vườn.

Tuyết, một kỹ sư nông nghiệp khác, tìm cách đưa cây giống mới về trên chính mảnh vườn của nhà mình tại Thanh Hóa liền bị gia đình phản đối vì quê nhà chỉ mồng tơi, rau muống... là quen thuộc trồng cấy, bán mua. Có bao nhiêu trong số những người trẻ có tri thức, có tâm huyết mà không được sử dụng để giúp ích cho quê nhà chỉ vì những cản đường như thế?

Gặp kỳ thị khi có trong đầu kiến thức và tư duy mà thế hệ trước chưa từng có, những người trẻ cũng phải “chịu trận” không kém nếu trót hiểu biết vài điều xưa cũ vốn không thuộc vào thời của họ.

Chúng ta đã có hàng chục năm đứt gãy văn hóa (nhất là ở miền Bắc), cho dù thôn trên làng dưới từng sinh hoạt quan họ thì các liền anh liền chị lớp sáu bảy mươi tuổi muốn ca nay cũng phải học từ đầu, cho dù ông bà cha mẹ từng lập giáo phường thì những người hát chèo già cũng mới dần sang tập ca trù chỉ được ít năm.

Giữa các mái đình chiếu chùa, tôi gặp những người trẻ tìm hiểu chèo, quan họ, ca trù... kỹ lưỡng như một khoa học, xen với đó là những người già ưa răn dạy chung chung nhưng không phân biệt nổi hát xẩm và ca trù, hóa ra màu sắc của mái đầu không nói được với ta nhiều điều như ta tưởng.

Những kỳ thị sinh ra bởi các lớp vỏ tuổi tác, giới tính, quốc tịch... có trong mỗi chúng ta đến đâu, chúng mạnh đến mức nào? Vào giao thừa, một đôi lần tôi có ra Văn Miếu, gặp những ông đồ già có lẽ chỉ thuộc dăm chục vài trăm câu từ quen thuộc, nét chữ ngọng nghịu đôi khi còn sai thứ tự, áo dài khăn đỏ quanh đám đông xúm lại ngóng chờ xin chữ

(tôi tự hỏi nếu một người trẻ nói tiếng Hoa như tiếng Việt, chữ viết rồng bay phượng múa nhưng lại là phụ nữ ăn mặc tân thời ra ngồi viết thì đám đông có xúm lại như thế không hay vẫn chỉ quẩn quanh tin cậy các ông đồ già?).

Một xã hội cần dựa vào sức trẻ mà lại đặt vào vai họ gánh nặng bị xem thường chỉ vì họ còn trẻ. Ngoài tác hại làm lãng phí quãng đời trẻ trung duy nhất của một người trẻ, căn bệnh thiếu tôn trọng người trẻ còn làm lãng phí cơ hội rất lớn để chuyển mình của một đất nước.

“Trọng trẻ” chính là lời cảm ơn và mong chờ ủy thác. Của một đất nước còn nhiều bề bộn, dành cho một thế hệ sẽ phải nỗ lực gồng mình, phải vượt hơn rất nhiều nếu muốn đưa vận mệnh dân tộc đi lên phía trước.            

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận