Từ những lần thực hành "cầm tay chỉ việc" và những bài học vỡ lòng từ cán bộ, đến nay, nhiều nông dân đã sở hữu những vườn cà phê trĩu quả, xanh mướt, góp phần hiện thực hóa chủ trương xây dựng nền nông nghiệp bền vững, giảm phát thải khí nhà kính của Chính phủ.
Những ngày đầu tháng 10, bà Trần Thị Liên (47 tuổi, trú thôn 9, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) ra "rẫy cà phê kiểu mẫu" của mình để theo dõi độ ẩm của đất, kết trái của cây để có hướng chăm sóc phù hợp.
Nông dân làm cà phê thu lợi lớn
Bà Liên kể, gia đình vào và làm cà phê ở huyện Cư Kuin đã gần 30 năm. Tuy nhiên trước đây, việc trồng trọt khá vất vả và phụ thuộc vào thời tiết.
"Khoảng 10 năm trở lại đây, các cán bộ kỹ thuật của Công ty Nestlé Việt Nam đến đồng hành cùng bà con thực hiện canh tác "kiểu mới", nông dân đã thay đổi được thói quen, thu lợi nhiều hơn", bà Liên nhớ lại.
Bà Trần Thị Liên (47 tuổi, trú thôn 9, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) cho biết áp dụng canh tác cà phê tái sinh có nhiều lợi ích hơn - ẢNH: N.K
Theo bà, thay vì làm sạch cỏ dưới gốc cà phê, nay người dân xem đó là thảm bảo vệ độ ẩm cho cây. Bên cạnh đó, bà con còn được hướng dẫn phương pháp xen canh hợp lý, cứ 3 hàng cà phê sẽ trồng xen 1 hàng tiêu để tăng thu nhập.
"Trụ tiêu là cây muồng sẽ giúp tạo bóng mát, chắn gió. Nó cũng là thân đỡ cho cây tiêu phát triển nên không gây hại gì cho cây tiêu lẫn cây cà phê. Trên cùng một diện tích đất, nếu trước đây bà con chỉ thu 200 - 250 triệu đồng trên 1ha thì nay có thể lên đến 400 -500 triệu đồng", bà Liên nói.
Tương tự, ông Dương Thanh Sâm (trú thôn 10, xã Ea Tiêu), cho biết ông là nhóm trưởng của hơn 100 hộ dân đang tham gia Chương trình NESCAFÉ Plan.
Ngoài các kiến thức mới về trồng xen canh hợp lý thì các kỹ sư nông nghiệp của Chương trình NESCAFÉ Plan cũng hướng dẫn bà con hãm đọt, tỉa cành cà phê sao cho ánh sáng tỏa đều vào cây, đem lại hiệu quả tốt nhất. Không những vậy, tất cả các cành, lá được tỉa từ cây cà phê, cây muồng trước đây được gom đốt với tư duy cho sạch vườn, nay được để lại, ủ vào gốc để dưỡng cây.
Cán bộ của Chương trình cũng chỉ bà con một cách đơn giản để đo lượng nước, độ ẩm trong đất. Theo đó, người dân chôn một ống sữa bò đã khoét miệng giữa băng cà phê để theo dõi lượng nước trong đất và để tính lượng nước tưới vừa đủ.
"Ngoài ra, trước đây bà con cứ thấy nắng to dăm ngày là tưới nước. Sau khi được tập huấn, khi trời nắng, úp ngược chai nước dưới gốc cây cà phê. Sau 1 đêm, nếu thấy trong thành chai có đọng li ti nước có nghĩa là đất đang có độ ẩm, không cần phải tưới thêm, tránh lãng phí", ông Sâm giải thích.
Ông Dương Thanh Sâm (trú thôn 10, xã Ea Tiêu) là nhóm trưởng của hơn 100 hộ dân đang tham gia Chương trình NESCAFÉ Plan - ẢNH: N.K
Giảm đầu tư, tăng năng suất
Từng lăn lộn nhiều năm cùng bà con trong các chương trình tập huấn, ông Phạm Phú Ngọc, Quản lý Chương trình NESCAFÉ Plan, cho biết đó là một hành trình dài.
Theo ông Ngọc, ngoài hỗ trợ về giống, kỹ thuật cho nông dân, chương trình NESCAFÉ Plan còn hướng dẫn cho bà con toàn bộ quy trình canh tác theo tiêu chuẩn 4C với 28 tiêu chí.
Ông Ngọc nói thêm, nhờ áp dụng phương pháp canh tác tái sinh, NESCAFÉ Plan đã giúp nông dân giảm 40% - 60% lượng nước tiêu thụ trong tưới tiêu và giảm 20% lượng phân bón hóa học, bằng cách đưa vào sản xuất phân compost làm từ vỏ và bã cà phê...
Nói thêm về chương trình này, ông Nguyễn Hắc Hiển, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, cho biết Chương trình canh tác cà phê theo hướng tái sinh của NESCAFÉ Plan giúp môi trường bền vững hơn. Chương trình giúp bà con ý thức được việc tăng năng suất trong sản xuất nhưng cần bảo vệ môi trường lâu dài.
Hơn 355.000 lượt tập huấn kỹ thuật về canh tác cà phê bền vững
NESCAFÉ Plan là một sáng kiến toàn cầu được Tập đoàn Nestlé triển khai từ năm 2010 tại hơn 10 quốc gia, là vùng trồng cà phê trọng điểm của thế giới.
Tại Việt Nam, NESCAFÉ Plan bắt đầu từ năm 2011 tại khu vực Tây Nguyên để thúc đẩy nông nghiệp tái sinh, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của ngành cà phê cũng như cải thiện đời sống và sinh kế cho người nông dân trồng cà phê.
Đến nay chương trình đã hỗ trợ tái canh hơn 74.000ha cà phê già cỗi thông qua phân phối cây giống cho năng suất cao, có khả năng kháng sâu bệnh.
Chương trình thực hiện hơn 355.000 lượt tập huấn về canh tác cà phê bền vững cho các hộ nông dân, giúp tăng thu nhập từ 30-100% cho các hộ nông dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận